Vụ nhân viên pháp y chặn xe cứu thương: Không để xảy ra việc tương tự
Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu báo cáo cụ thể vụ nhân viên tại Trung tâm pháp y ngăn xe cứu thương chở thi thể nạn nhân TNGT về quê.
Liên quan vụ nhân viên pháp y tại Trung tâm pháp y Đà Nẵng ngăn không cho xe cứu thương 0 đồng chở thi thể nạn nhân TNGT về quê, sáng 9/8, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, đã nắm thông tin và yêu cầu báo cáo cụ thể về vụ việc.
Ông Lê Viết Dũng (bên trái) ngăn không cho xe cứu thương 0 đồng vào chở thi thể nạn nhân. Ảnh cắt từ clip
Đồng thời, trước ý kiến cho rằng cần làm sáng tỏ vụ việc trên để không ai phải rơi vào hoàn cảnh bi thương vì TNGT nhưng vẫn bị sức ép, phát sinh chi phí, ông Cường cho biết đồng tình với quan điểm cần xử lý nghiêm để không xảy ra sự việc tương tự.
Trong một diễn biến liên quan, anh Nguyễn Đức Tuấn (chủ xe cứu thương 0 đồng được kêu gọi chạy từ tỉnh Quảng Ngãi ra Đà Nẵng hỗ trợ đưa thi thể nạn nhân về quê) kể, khoảng 23h ngày 7/8, anh lái xe đến Trung tâm pháp y Đà Nẵng. Lúc sau có xe cứu thương khác cũng xuất hiện với nhiều người lạ mặt.
Anh Tuấn xin vào chở thi thể nạn nhân thì bị một người ngăn lại (theo trình báo của gia đình nạn nhân, người chặn xe là ông Lê Viết Dũng, y công Trung tâm pháp y Đà Nẵng - PV), yêu cầu phải sử dụng xe cứu thương dịch vụ.
Anh Tuấn cho hay, do có nhiều thanh niên lạ đông xung quanh nên rất lo sợ. Phải đến khi công an có mặt và một bác sĩ xuất hiện, anh mới được lái xe vào chở thi thể nạn nhân.
Trước đó, khoảng 10h sáng 7/8, tại ngã ba Võ Nguyên Giáp - Nguyễn Văn Thoại xảy ra vụ TNGT giữa xe tải và xe máy khiến chị B.T.H (quê tỉnh Hải Dương) tử vong.
Thi thể nạn nhân sau đó được đưa về Trung tâm pháp y Đà Nẵng (đặt tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn).
Ngày 8/8, anh H, người đại diện của gia đình nạn nhân gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo nhân viên tại Trung tâm pháp y Đà Nẵng yêu cầu phải dùng xe dịch vụ mới cho đưa thi thể nạn nhân về.
Theo đơn, tối 7/8, khi người nhà nạn nhân từ Hải Dương vào đến Trung tâm pháp y thì ông Lê Viết Dũng (y công) yêu cầu phải đóng 14 triệu đồng gọi là “chi phí giám định tử thi”. Số tiền này được chuyển thẳng vào tài khoản của ông Dũng.
Ngoài ra, khi xe cứu thương đến đưa thi thể nạn nhân về thì ông Dũng không cho vào với lý do “đến đây thì phải dùng xe dịch vụ tại đây, xe ngoài không được vào”.
"Lúc gia đình xuống gặp anh Dũng, ảnh nói chi phí khâu vá, tiêm thuốc… dịch vụ là 14 triệu đồng. Người nhà xuống nghe anh ấy nói sao thì làm vậy thôi. Anh Dũng cũng nói chi phí này không có hóa đơn, chứng từ gì.
Trong lúc tang gia bối rối, gia đình cũng đồng ý chuyển tiền. Đồng thời cũng trình bày diễn biến sự việc liên quan lên cơ quan chức năng chứ không bức xúc gì chuyện phải nộp 14 triệu. Gia đình chỉ bức xúc việc bị ngăn cản xe cứu thương", anh H nói.
Theo anh H, sự việc được trình báo công an phường Khuê Mỹ. Sau đó bác sĩ Hoàng Việt Thắng (giám định viên, trưởng ca trực) đến yêu cầu ông Dũng không được ngăn cản xe 0 đồng, lúc này xe mới được vào chở thi thể nạn nhân về.
Trả lời PV Báo Giao thông, ông Dũng cho biết, số tiền 14 triệu đồng không phải để trả cho việc khám nghiệm tử thi vì chi phí này do bên yêu cầu giám định chi trả.
Số tiền 14 triệu đồng là chi phí thỏa thuận với người nhà gồm may tái tạo, vệ sinh, quần áo cho thi thể nạn nhân. Trung tâm không có chức năng này nhưng vì người nhà liên hệ, nhờ làm để thẩm mỹ cho nạn nhân.
Liên quan vấn đề không cho xe vào chở thi thể nạn nhân, ông Dũng cho biết, có người nhờ gọi giúp xe chở thi thể nên đã tra số dịch vụ trên mạng để gọi. Trong khi đó, người nhà cũng nhờ được xe cứu thương 0 đồng hỗ trợ dẫn đến việc có 2 xe cứu thương cùng đến. Ngoài ra, thời điểm đó bên trong đang cử hành lễ cúng cho nạn nhân nên chưa thể cho xe vào.
Bác sĩ Mai Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm pháp y Đà Nẵng cho biết, dịch vụ riêng 14 triệu đồng không có trong nhiệm vụ, công tác được phân công của Trung tâm pháp y. Đồng thời, khẳng định Trung tâm không có quyền chỉ định xe cứu thương.
Bác sĩ Ngọc cho biết thêm sẽ tổ chức họp kiểm điểm, xử lý vi phạm.