Tài chính

Xăng dầu liên tiếp giảm, cước vận tải vẫn “án binh”

11/07/2023, 14:00

Giá xăng dầu đã giảm mạnh từ cuối năm ngoái đến nay nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải không giảm giá vé, cước vận chuyển hàng hóa. Vì sao?

Taxi công nghệ, xe khách không giảm giá

Ghi nhận thực tế của PV Báo Giao thông, trưa 9/7, với cung đường 4,1km từ Nguyễn Công Hoan về Phạm Hùng, Hà Nội, trên app (ứng dụng) Be báo giá cước 77.000 đồng, còn trên app Grab báo giá cước 96.000 đồng (loại xe 4 chỗ).

Mức giá này không giảm so với khảo sát của PV thời điểm 11h ngày 17/8/2022 (cách đây gần 1 năm) khi giá xăng ở mức 23.000 đồng/lít.

img

Dù giá xăng giảm liên tiếp, nhiều doanh nghiệp vẫn giữ nguyên cước vận tải do còn nhiều khó khăn vì các chi phí đầu vào tăng cao.

Là người thường xuyên sử dụng taxi công nghệ đưa đón con đi học, chị Hoàng Thị Hạnh (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, thực tế giá cước taxi công nghệ không thay đổi từ đầu tháng 3/2022 khi các hãng thông báo tăng giá cước do giá xăng tăng đến gần 30.000 đồng/lít.

“Đến nay, giá xăng chỉ còn hơn 20.000 đồng/lít vẫn chưa thấy các hãng giảm tương ứng. Chưa kể các hãng taxi công nghệ còn thay đổi giá cước theo từng khung giờ, thậm chí, theo từng thời điểm.

Cước taxi công nghệ còn chẳng cần phải niêm yết giá, kiểm định đồng hồ hay in lại vé như các hãng taxi truyền thống và xe khách tuyến cố định”, chị Hạnh bức xúc nói và cho rằng, điều này là bất công với hành khách.

Đối với taxi truyền thống, tại địa bàn TP.HCM hiện giá cước các hãng dao động từ 12.000-17.000 đồng/km (giá mở cửa), giá các km tiếp theo từ 11.000-15.000 đồng/km. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, thực tế giá cước ở mức cao hơn.

Bà Nguyễn Quỳnh Hương, một hành khách thường xuyên di chuyển bằng taxi Vinasun cho biết, quãng đường 11km bà di chuyển từ đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức) đến UBND quận 1 lượt đi có giá 218.000 đồng nhưng lượt về vào buổi tối, mức giá lại lên đến 278.000 đồng, tính ra gần 20.000 đồng/km chứ không phải như giá 11.000-15.000 đồng như niêm yết trên xe.

“Tôi hỏi sao giá lúc đi và về khác nhau vậy, tài xế chỉ trả lời: Trên app hãng để bao nhiêu thì khách trả bấy nhiêu chứ tài xế không biết”, bà Hương nói.

Tại TP.HCM, khảo sát trên tuyến TP.HCM - Vũng Tàu đối với xe chất lượng cao limousine chở khách, giá cước tại thời điểm giá xăng 33.000 đồng/lít, giá vé đã tăng từ 180.000 đồng lên 200.000 đồng/vé; xe thường từ 150.000-170.000 đồng/vé. Đến nay, giá vé này vẫn không đổi, dù giá xăng dầu đã giảm nhiều lần.

Doanh nghiệp kêu khó

Theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (sở hữu hãng xe Sao Việt), giá xăng dầu giảm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm kê khai giá vé ban đầu của đơn vị (cao hơn 7.000 đồng/lít). Giá vé hiện tại cũng chỉ cao hơn 20.000 đồng/vé so với giá kê khai ban đầu dù đã 14 năm trôi qua.

“Ngoài ra, mức giá này cũng thấp hơn nhiều so với quy định giá cước vận tải hành khách tối đa mà Bộ Tài chính ban hành. Theo đó, nếu tính tối đa, tuyến Hà Nội - Lào Cai dài 300km, giá vé không được vượt quá 420.000 đồng/vé, như vậy với mức 250.000 đồng/vé mà đơn vị kê khai hiện nay chỉ bằng 59%”, ông Bằng phân tích.

Trong khi đó, đại diện hãng taxi Vinasun cho biết, năm 2022, khi xăng giảm hãng taxi đã giảm giá một đợt dù không đáng kể. Đến nay, giá xăng tiếp tục giảm nhưng doanh nghiệp vẫn đang chịu lỗ do lượng khách giảm sâu.

Ở mảng hàng hóa, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp vận tải có hai năm gần như không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến khi hoạt động trở lại thì kinh tế suy thoái, hàng hóa giảm, mọi chi phí tăng, nhiều doanh nghiệp lỗ.

“Có doanh nghiệp giải thể hoặc giảm hoạt động từ 10 xe xuống còn 3-4 xe. Do vậy, xăng dầu giảm cũng chưa bù được chi phí, doanh nghiệp khó giảm giá cước”, ông Quản nói thêm.

Lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết: “Năm nay, nhiều doanh nghiệp vận tải khó khăn, một số đơn vị hoạt động trong bến phải giảm 10% giá vé để có khách. Do đó, sẽ có nhiều đơn vị tuyến cố định không kê khai giảm giá cước khi giá xăng, dầu giảm thời điểm này”, vị lãnh đạo này lý giải.

Cước vận tải không chỉ phụ thuộc giá nhiên liệu

Giám đốc một hãng xe khách chuyên tuyến Hà Nội - Thanh Hóa cho biết, ngoài chi phí nhiên liệu, giá cước vận tải còn gồm tiền lương lái xe; chi phí dầu nhờn; khấu hao phương tiện; phí quản lý, gửi xe, bến bãi; bảo hiểm trách nhiệm dân sự, hành khách, lái xe; phí cầu đường; phí bảo trì đường bộ; lãi vay ngân hàng…

Vị này phân tích, hiện giá bến bãi, thuê phòng vé, lương nhân viên, lãi ngân hàng đều tăng nên việc giảm giá xăng dầu không đủ để doanh nghiệp có thể giảm giá vé.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, giá cước vận tải hàng hóa hoạt động theo cơ chế thị trường.

Trong khi đó, vận tải taxi, vận tải khách tuyến cố định và xe buýt được các doanh nghiệp chủ động kê khai dựa trên việc cân đối các khoản chi phí cấu thành nên giá thành vận tải và đăng ký giá với Nhà nước.

Hiện, chưa có quy định yêu cầu các doanh nghiệp vận tải buộc phải kê khai giá cước theo biến động của giá xăng dầu hay bất kỳ yếu tố nào. Giá vận tải không thuộc danh mục do Nhà nước định giá mà được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.

“Giá cước của mỗi doanh nghiệp được xây dựng dựa trên cơ sở các chi phí đầu vào của giá thành vận tải, tuy nhiên, yếu tố cung - cầu trên thị trường mới tác động mạnh nhất đến giá thành, chưa kể, trong các chi phí đầu vào, có chi phí giảm nhưng lại có chi phí tăng”, ông Quyền nói.

Lãnh đạo Phòng Vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cũng cho biết, kê khai giá là việc của doanh nghiệp vận tải, nếu thấy việc kê khai bất hợp lý hoặc bán vé cao hơn giá kê khai, cơ quan Nhà nước sẽ yêu cầu kê khai lại hoặc xử lý theo quy định.

Đường sắt giảm giá cước vận chuyển một số loại hàng

Đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, giá cước vận tải được linh hoạt điều chỉnh kịp thời để phù hợp với biến động giá cả nhiên nguyên vật liệu và nhu cầu thị trường.

Cụ thể, theo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, khi giá nhiên liệu trong quý 2 có chiều hướng giảm, doanh nghiệp này đã giảm giá cước vận tải hàng hóa đối với từng mặt hàng như giảm 3% giá cước mặt hàng apatit và giá cước tàu chuyên tuyến Bắc - Nam; giảm 6% giá cước tàu chuyên tuyến container; giảm 5-15% giá cước phổ thông nguyên toa một số luồng hàng như lưu huỳnh đi liên vận quốc tế, men gốm sứ...

Trong 6 tháng đầu năm 2023, về hàng hóa, giá cước giảm từ 3-50%, tăng từ 20-35% so với cùng kỳ tùy theo mặt hàng, cự ly, thời điểm, loại toa xe vận chuyển và loại tàu. Về hành khách, giá cước giảm từ 2-65%, tăng từ 1-15% so với cùng kỳ tùy thuộc số lượng hành khách đi tàu theo đoàn, cung chặng và thời điểm vận chuyển.

Thanh Thúy