Chất lượng sống

PTT Vũ Đức Đam: Nhiều bất cập, bác sĩ gia đình khó phát triển

15/07/2016, 19:12

Được coi là giải pháp thiết thực trong giảm tải y tế nhưng phòng khám bác sĩ gia đình hiện còn nhiều bất cập.

phòng khám bác sĩ gia đình

Được coi là giải pháp thiết thực trong giảm tải y tế nhưng phòng khám bác sĩ gia đình hiện còn nhiều bất cập

Ngày 15/7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến về phát triển mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020. Theo ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tính đến tháng 12/2015, 240 phòng khám bác sĩ gia đình đã được thành lập tại 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vượt chỉ tiêu đề ra (80) và đến tháng 6/2016 đã thành lập được 332 phòng khám bác sĩ gia đình.

Dù mới thực hiện được 3 năm nhưng mô hình bác sĩ gia đình đã mang lại nhiều lợi ích trông thấy. Các phòng khám bác sĩ gia đình thực hiện khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc; bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục. Tại các phòng khám bác sĩ gia đình, người dân được tư vấn chu đáo, hướng dẫn tận tình.  

"Nhờ có mô hình này mà người dân tiếp cận với bác sĩ gia đình thuận lợi, dễ dàng nhất, được theo dõi, chăm sóc sức khỏe liên tục kể cả khi không bị bệnh. Mô hình bác sĩ gia đình như người “gác cổng” trong hệ thống cung ứng dịch vụ y tế. Tiết kiệm kinh phí nằm viện, kinh phí bảo hiểm y tế, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội", ông Tường cho biết. 

Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ở nhiều nước, 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân do bác sĩ gia đình đảm nhận. Còn tại Việt Nam, từ năm 2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Hoạt động bác sĩ gia đình đã bước đầu được tổ chức tại một số thành phố nhưng còn nhỏ lẻ, chưa đầy đủ nguyên lý của y học gia đình.

Mặc dù được đánh giá mang nhiều ưu điểm và là giải pháp thiết thực trong giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, nhưng hiện mô hình này lại còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa hấp dẫn tư nhân tham gia thành lập phòng khám bác sỹ gia đình, nên các phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân còn quá ít. Người dân còn chưa hiểu về mô hình phòng khám bác sĩ gia đình còn cho rằng bác sĩ gia đình là bác sĩ đến nhà thăm khám, chữa bệnh… Chính những nguyên nhân này khiến mô hình khó khăn trong việc mở rộng hoạt động.

Góp ý giải pháp để phát triển mô hình này, Phó Thủ tướng Nguyễn Đức Đam cho rằng: "Chỉ có đổi mới cơ chế cho y tế cơ sở mới có cơ hội phát triển, thu hút được bác sĩ về công tác. Một bác sĩ ở trạm y tế lương tháng chỉ 3,5-5 triệu đồng, Trạm trưởng trạm y tế cũng không được mở phòng khám tư thì làm sao thu hút được bác sĩ về với xã?”. 

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nếu cứ để cơ chế như hiện nay thì dù Bộ Y tế có đề ra lộ trình phát triển cũng không thành công. Hiện một số cơ sở triển khai mô hình bác sĩ gia đình mới tăng được 15-20% lượt khám là quá ít, không thể tạo ra sự chuyển biến.

Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bệnh cạnh việc cải thiện bất cập thì xu hướng sắp tới vẫn là phát triển lồng ghép mô hình bác sĩ gia đình với trạm y tế phường xã và xây dựng phòng khám bác sĩ gia đình trong trong các BV đa khoa tuyến huyện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.