Chính trị

PTT Vương Đình Huệ: "Tự hào khi được gọi là "ông nông thôn mới"!"

16/02/2018, 08:30

"Không chỉ tôi, mà chắc hẳn ai cũng cảm thấy tự hào khi được biết đến là “ông nông thôn mới!"

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Đó là chia sẻ của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi trả lời báo chí nhân dịp đầu Xuân Mậu Tuất 2018.  

Ông là người được phân công phụ trách nhiều lĩnh vực khó như tái thiết các doanh nghiệp nhà nước “đắp chiếu”, cải cách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhưng ông cũng được nhiều người biết đến là một Phó Thủ tướng gắn liền với nông thôn mới.

Tự hào khi được người dân biết đến là "ông nông thôn mới"

Ở Chính phủ, Phó Thủ tướng được giao đảm đương một khối công việc khổng lồ, nhưng bên cạnh đó, ông còn thực hiện các Đề án theo yêu cầu của T.Ư và Bộ Chính trị về cải cách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập… Nhận những nhiệm vụ lớn và khó như thế, ông có cảm thấy áp lực?

Đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, với quá nhiều khó khăn, trong khi tham nhũng chưa được đẩy lùi và vẫn là nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ như T.Ư Đảng đã nhận định, thì trong phát triển kinh tế xã hội là tình hình khó khăn của thu chi ngân sách nhà nước, thiên tai bão lụt liên miên, tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi... 

Trong bối cảnh như vậy thì không có nhiệm vụ nào là dễ dàng cả và chắc có lẽ không còn thời gian để cảm thấy nản chí hay là đuối sức vì đất nước đang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện những cải cách và phải thực hiện sớm để đưa đất nước nắm lấy những cơ hội phát triển. Điều nung nấu trong mỗi chúng ta, phải làm thế nào để tình hình chuyển biến thực sự. Và muốn vậy, không còn cách nào khác, trước hết, phải hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Trong hệ thống lãnh đạo Chính phủ, mỗi Phó Thủ tướng được phân công phụ trách và ghi dấu ấn ở những lĩnh vực nhất định. Với ông, người dân biết đến ông như một Phó Thủ tướng gắn liền với nông thôn mới, gọi nôm na là “ông nông thôn mới”. Nhưng có vẻ danh hiệu này không “oai” như các danh hiệu khác?

Tôi được Thủ tướng giao làm Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới là một giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 26 của T.Ư Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Sau một thời gian từ cuối năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, xây dựng nông thôn mới có dấu hiệu chững lại thì đã khởi sắc trở lại, nhất là từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 36 vào tháng 12/2016. Nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình nông thôn mới, giảm nghèo bền vững với các tiêu chí cao hơn tiêu chí của T.Ư công bố.  

Và đến nay, sau 7 năm thực hiện, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thu hút sự tham gia sâu rộng của người dân, đã có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng và đi vào chiều sâu. Không chỉ tôi, mà chắc hẳn ai cũng cảm thấy tự hào khi được người nông dân biết đến là “ông nông thôn mới”. Nhưng để tạo ra được những thành quả, thì không có riêng “ông” nào, mà là của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương và đặc biệt là sự nỗ lực rất lớn của chính người dân. 

PTT Vương Dinh Hue

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được người dân biết đến với danh hiệu "ông nông thôn mới"

Còn việc danh hiệu “ông nông thôn mới” không “oai” như các ông khác, tôi cho rằng, lịch sử vẻ vang của dân tộc cũng từ “quần nâu áo vải” mà đi lên. Qua các giai đoạn cách mạng, nông dân luôn là lực lượng trung thành nhất đi theo Đảng. Nói vậy để thấy rằng, không phải cứ cái gì thật hoành tráng mới là oai. Với 60% dân số ở nông thôn và với nền sản xuất nông nghiệp là chủ đạo, sự nghiệp phát triển đất nước muốn thành công, thì không thể thiếu sự thành công trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng và phát triển nông thôn mới. 

Xử lý dự án yếu kém, đừng “chưa lâm trận đã sợ”

Vừa qua, Chính phủ cũng lần đầu tiên có Ban chỉ đạo xử lý tồn tại, vướng mắc ở 12 dự án yếu kém. Trong khi ai cũng ngại phải đụng vào thứ “đắp chiếu”, được giao là Trưởng Ban Chỉ đạo này, Phó Thủ tướng cảm thấy thế nào?

Rất xót xa, dù “đắp chiếu”, thì đó đều là tài sản của Nhà nước, là tiền thuế của dân. Vì vậy, dẫu có ngại, thì cũng phải cố gắng tìm ra được những giải pháp tốt nhất để làm sao khắc phục thiệt hại ở mức thấp nhất, chứ nếu tiếp tục để chậm trễ, dự án nghìn tỷ đồng mà cứ phơi gió, phơi sương, thì biết nói thế nào với dân? Đảng, Chính phủ, Quốc hội đều đặc biệt quan tâm và Thủ tướng đã thành lập riêng một Ban Chỉ đạo để tập trung cao độ cho việc giải quyết có kết quả 12 dự án yếu kém.

Khi bắt đầu công việc này, tôi có động viên anh em trong Ban Chỉ đạo là “đừng chưa lâm trận đã sợ”, nếu như  để dự án chết là mất hết. Phải cân nhắc, tính toán kỹ từng phương án theo nguyên tắc là không cấp thêm nguồn lực từ ngân sách nhà nước để xử lý khó khăn, tồn tại của Dự án; bảo toàn tài sản nhà nước ở mức cao nhất, giảm thiểu thiệt hại ngân sách nhà nước, song vẫn phải hài hòa các lợi ích. Việc xử lý các Dự án thua lỗ, kém hiệu quả phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của thị trường, nhưng phải tính đến các vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm lợi ích, không bỏ rơi người lao động và đảm bảo sự phát triển bền vững của các ngành kinh tế lớn của đất nước, xác định còn khởi động lại được, còn cứu được là phải cố gắng khởi động lại, cố gắng cứu, tất nhiên là phải tuân theo nguyên tắc hiệu quả.

Đặc biệt, trong xử lý lần này, đi đến cùng trách nhiệm. Phải xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt đến tổ chức thực hiện đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Đến hết năm 2018 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý các dự án, doanh nghiệp; đến hết năm 2020 cơ bản xử lý xong các tồn tại, vướng mắc và yếu kém của các dự án.

Với quyết tâm như vậy và với những lần đi thị sát thực tế cho thấy tình hình không đến mức quá bi quan. Như các dự án đạm, DAP 1&2 của Tập đoàn Hoá chất đã khởi động lại, nhìn thấy được những kết quả,… Kết quả xử lý 12 dự án này đến hết năm 2017, các công việc đang tiến triển theo tiến độ đề ra và theo chiều hướng tích cực hơn. Tất cả những gì chúng ta quyết tâm thì chúng ta đều đang thực hiện được, nhất là về vấn đề đi đến cùng trách nhiệm, từng bước khôi phục lại niềm tin của nhân dân.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2018 là khả thi

Trở lại với tăng trưởng kinh tế là lĩnh vực mà Phó Thủ tướng phụ trách, Quốc hội đã ra Nghị quyết ấn định mức tăng trưởng GDP năm 2018 từ 6,5-6,7%. Trong khí thế đi lên như hiện nay, tại sao chỉ số này lại có “độ lùi” so với năm 2017 mà không phải là giữ nguyên hay cao hơn để góp phần bảo đảm mục tiêu của cả giai đoạn 2016 - 2020?

Mức tăng trưởng GDP 6,81% của năm 2017 là kết quả tốt cho kinh tế Việt Nam và làm nền tảng cho tăng trưởng trong năm 2018. Tuy nhiên, độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện ở ngưỡng cao, nền kinh tế trong nước đang bị phụ thuộc khá nhiều vào kinh tế thế giới. Tuy được dự báo có chiều hướng tích cực trong năm tới nhưng kinh tế thế giới năm 2018 dự kiến còn gặp rủi ro do căng thẳng địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch chưa được đẩy lùi. Do độ mở lớn của nền kinh tế, các tác động của khu vực và thế giới sẽ có ảnh hưởng trực tiếp và khá nhanh đối với Việt Nam cả về thương mại, đầu tư, tài chính và tiền tệ.

tang-truongkinhte

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 là khả thi

Bên cạnh đó, những thách thức trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam như: hiện trạng công nghệ thấp, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế; nợ công cao; xử lý nợ xấu còn khó khăn; năng suất lao động thấp; hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến tích cực trong những năm gần đây nhưng vẫn còn yếu… là những khó khăn cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta vừa phải tạo ra các năng lực sản xuất mới có chất lượng, hiệu quả cao hơn, vừa phải tập trung giải quyết, cắt giảm các năng lực sản xuất đang bị lãng phí, đó là các doanh nghiệp, dự án yếu kém, thua lỗ, trong khi nguồn lực của đất nước còn rất hạn hẹp.

Động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2017 là hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đang ở ngưỡng phát triển cao, khả năng vượt trội trong năm 2018 là khó xảy ra khi năng lực sản xuất của các doanh nghiệp hầu như đã được khai thác ở mức cao, trong khi hoạt động khai khoáng dự báo tiếp tục tăng trưởng âm... Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từng bước được cơ cấu lại, ứng dụng công nghệ cao cho phát triển... nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành cần độ trễ để phát huy hiệu quả; các ngành dịch vụ có thể duy trì hoặc tăng trưởng không nhiều so với năm 2017. 

Với tình hình như vậy, khả năng năm 2018 tăng trưởng cao hơn năm 2017 là một nhiệm vụ rất khó khăn. Mặt khác ngoài con số tăng trưởng, Chính phủ vẫn phải quan tâm thúc đẩy chất lượng tăng trưởng. Vì vậy tôi cho rằng với mục tiêu tăng trưởng của năm 2018 khoảng 6,7% là khả thi và phù hợp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương đã nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức để đề ra những giải pháp thực hiện tạo ra những động lực tăng trưởng mới ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp quan trọng của Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ban hành vào ngày 1/1/2018.

Với năm 2018 này, Chính phủ sẽ tập trung vào những vấn đề gì để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thưa Phó Thủ tướng?

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động của năm là: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”. 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương đã nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức để đề ra những giải pháp thực hiện tạo ra những động lực tăng trưởng mới ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp quan trọng của Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ 

Chính phủ sẽ điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa; thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN, hoàn thiện các cơ chế chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.…

Năm 2018 tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường. Tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử. Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Đồng thời, nỗ lực phát triển văn hóa, xã hội, quan tâm chăm lo đời sống của người dân, an sinh xã hội; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên…

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.