Xã hội

PV bị hành hung: Không xử lý nghiêm, cái ác sẽ lấn tới

15/06/2015, 19:35

Nhiều đồng nghiệp trong đó có cả những nhà báo từng bị hành hung khi tác nghiệp đã bàng hoàng và căm phẫn.

pv bao giao thong bi danh
Hai PV Linh Hoàng và Vĩnh Phú của Báo Giao thông bị hành hung vì phản ánh tình trạng xe quá tải tại TP HCM

Nhiều đồng nghiệp trong đó có cả những nhà báo từng bị hành hung khi tác nghiệp đã bàng hoàng và căm phẫn thốt lên như vậy khi đón nhận thông tin hai PV Báo Giao thông bị hành hung dã man và cướp máy quay phim khi đang tác nghiệp tại phường Long Trường, quận 9, TP HCM ngày 8/6 vừa qua.

Nhà báo Trần Thế Dũng (Phó trưởng đại diện Báo Người lao động tại Hà Nội): Mong cơ quan chức năng đi đến cùng sự việc

Ngày 6/1/2010, tôi được Ban Biên tập Báo Người lao động cử đi Lạng Sơn viết bài về hoạt động buôn lậu qua biên giới. Tôi đã thâm nhập vào sào huyệt buôn bán hàng lậu thuộc khu vực Gốc Bưởi, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lạng nên đã lọt vào “tầm ngắm” của các băng nhóm bảo kê buôn lậu.

Sau khi chụp những tấm ảnh về hoạt động buôn bán hàng lậu xuyên biên giới tại Khưa Đa, thu thập tư liệu và hình ảnh về hoạt động vận chuyển gia cầm ở Kéo Kham tối cùng ngày, tôi về làng Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, cách Gốc Bưởi khoảng 5 km. Bất ngờ, tôi bị một nhóm người tấn công.

Tuy nhiên, hơn một tháng sau, ngày 8/2, Công an huyện Cao Lộc mới đưa tôi đi giám định chấn thương.

Sau hơn hai tháng rưỡi kể từ ngày tôi bị hành hung, CQĐT Công an huyện Cao Lộc mới có kết quả điều tra và quyết định không khởi tố vụ án hình sự mà chỉ xử phạt hành chính một kẻ tham gia hành hung tôi. Khi đó, chúng tôi đã kiến nghị với Công an huyện Cao Lộc rất nhiều lần nhưng chỉ đến khi hàng trăm cơ quan báo chí trên cả nước, các tổ chức nghề nghiệp, các lãnh đạo lên tiếng mạnh mẽ thì Công an tỉnh Lạng Sơn mới ra quyết định khởi tố vụ án. Tuy nhiên, sau khi khởi tố, vụ việc lại “rơi vào quên lãng”, những kẻ chủ mưu hay những kẻ trực tiếp tấn công tôi vẫn chưa ai phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đó.

Mới đây, lại nghe thông tin vụ việc hai PV Báo Giao thông bị hành hung khi điều tra về xe quá tải, tôi rất chia sẻ với các đồng nghiệp. Xe quá tải đã tồn tại bao lâu nay và là một trong những nguyên nhân gây ra TNGT. Rõ ràng “đấu” với xe quá tải là “đấu” với những nhóm lợi ích và trong đó, thường có lực lượng giang hồ hay xã hội đen sẵn sàng đe dọa, tấn công, triệt hạ các phóng viên dám phản ánh sự thật. Là người từng trải qua sự cố như thế, tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng làm đến cùng sự việc, xử lý nghiêm kẻ xấu đã tấn công PV và cả những kẻ đứng sau giật dây.

Báo chí tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nhiều khi “bất lực”, nản lòng trước những cản trở như vậy. Lâu dài sẽ làm giảm tính chiến đấu của báo chí. Vì thế, sự việc lần này, tôi rất muốn chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải làm rõ và xử lý thật nghiêm minh để tạo sức răn đe.

Nhà báo Hán Phi Long (PV Đài tiếng nói VN): Xử nghiêm các trường hợp hành hung nhà báo

Ngày 24/4/2012, tôi và một đồng nghiệp khác được cơ quan giao nhiệm vụ theo dõi, đưa tin, nắm tình hình vụ việc cưỡng chế ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Khi về xã Xuân Quan - nơi đang đông người tụ tập để ghi nhận tình hình, chúng tôi đứng ở hành lang Nhà văn hóa thôn 1 quan sát vụ việc. Tôi vừa đưa máy ảnh lên chụp thì một vài người mặc sắc phục Công an và một số người khác tiến đến, xông vào đánh, giật máy ảnh. Đồng nghiệp của tôi đến can ngăn cũng bị đánh không thương tiếc.

Trong vụ việc chúng tôi bị hành hung có sự tham gia của một số cán bộ công an nên việc điều tra nhiều khi bị “gián đoạn”, không dứt khoát trong việc giải quyết, kéo dài suốt gần một năm và qua gần 10 buổi làm việc, cuối cùng công an mới chính thức đứng ra xin lỗi và bồi thường.

Mới đây lại nghe tin hai đồng nghiệp Báo Giao thông bị nhóm côn đồ hành hung khi thực hiện bài điều tra về xe quá tải, chứng kiến đồng nghiệp bị đánh tôi thấy đau lắm, thương đồng nghiệp và vô cùng phẫn nộ vì hành động của những kẻ tấn công nhà báo. Tôi tin Báo Giao thông và các cơ quan hữu quan sẽ bảo vệ phóng viên đến cùng, sát cánh với phóng viên đi tìm công lý, trả lại sự tự do tác nghiệp cho các nhà báo.

Nghề báo là nghề nguy hiểm, các nhà báo chống tiêu cực càng nguy hiểm hơn bội phần. Vì thế, rất cần một hành lang pháp lý chặt chẽ, bảo vệ cho hoạt động tác nghiệp để báo chí phát huy tốt hơn vai trò của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.