Xã hội

QH đề nghị Chính phủ báo cáo riêng việc giải quyết hậu quả Formosa

16/08/2016, 19:01

Ý kiến trong Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng về việc giải quyết hậu quả vụ Formosa.

Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính ngân sách Nguye

Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng về việc giải quyết hậu quả vụ Formosa

Chiều 16/8, tiếp tục phiên họp thứ 2, Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Đa số các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng, cử tri đánh giá cao thành công của kỳ họp thứ nhất. Đặc biệt là công tác nhân sự cấp cao của Nhà nước, có sự chuẩn bị kỹ và đạt sự đồng thuận cao.

Ngoài ra, dù là kỳ họp đầu tiên của khoá mới, với 2/3 ĐBQH lần đầu tham gia nghị trường nhưng các ý kiến thảo luận về tình hình KT-XH, chương trình giám sát và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đều rất sôi nổi, chất lượng, báo hiệu một nhiệm kỳ với các vấn đề sẽ được thẳng thắn đặt ra trên nghị trường. 

Một lần nữa nhắc đến vấn đề liên quan đến Formosa gây bức xúc dư luận thời gian qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải đặt vấn đề cử tri và nhân dân rất quan tâm đến vụ Formosa, nợ công và phòng chống tham nhũng nên các cơ quan liên quan cần có báo cáo cụ thể hơn. Cụ thể, đối với vụ việc liên quan đến Formosa, ông Hải đề nghị cần có báo cáo riêng về việc khắc phục hậu quả của vụ Formosa tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến lại đặt vấn đề về việc nhiều dự án, công trình nghìn tỷ không phát huy hiệu quả, không đưa vào sử dụng trong khi thực hiện bằng vốn nhà nước.

“Quốc hội cần giám sát, nếu được thì nên yêu cầu Chính phủ báo cáo đánh giá hiệu quả dự án. ĐBQH và báo chí nêu nhiều dự án chậm tiến độ, đắp chiếu... Một số dự án lớn Quốc hội quyết định đầu tư trước đây, ghi rõ hàng năm báo cáo Quốc hội thì nay có báo cáo hay không, hiệu quả thế nào? Đây là vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm”- ông Hà Ngọc Chiến nói.

Cũng đề cập đến danh sách dự án “đắp chiếu”, thua lỗ ngày càng dài ra, có công trình xin cơ chế, xin tiền được nhân dân rât quan tâm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý cho rằng cần yêu cầu Chính phủ báo cáo thể hiện phân biệt dự án nào nhất quyết phải giữ, công trình nào dứt khoát không dùng nguồn Nhà nước để “nuôi” nữa để đảm bảo minh bạch, thể hiện thông điệp công khai và thái độ dứt khoát.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ 2, Quốc hội cần nghiên cứu để đổi mới hoạt động. Nhất là chuyển từ “tham luận” sang “tranh luận”, như thông điệp Quốc hội mới đưa ra ngay đầu khoá. "Thực tế kỳ họp vừa qua còn nhiều bài phát biểu được chuẩn bị sẵn, đăng ký theo bấm nút và trình bày hết thời gian 7 phút chứ chưa thực sự tranh luận đến cùng vấn đề" - ông Định nhận xét.

Từ thực tế các khoá trước cũng như từ Kỳ họp thứ nhất, nhiều ý kiến trong Thường vụ Quốc hội đề nghị cần rút kinh nghiệm và siết chặt các khâu để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong những kỳ họp tới, mà trước mắt là kỳ họp thứ 2. Trong đó, công tác xây dựng luật cần phải được chú trọng đổi mới.

“Để có đảm bảo chất lượng dự án luật, thì chất lượng dự thảo luật và thời gian gửi dự thảo là rất quan trọng. Với dự thảo không đảm bảo, cần cương quyết trả lại. Sự cố Bộ luật Hình sự có nguyên nhân từ chất lượng dự thảo trình giai đoạn đầu chưa đảm bảo nhưng ta nể nang, thời gian chưa đảm bảo nhưng vẫn dễ dãi chấp nhận”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến và cho rằng, khi dự thảo “đẩy sang” giai đoạn thẩm tra rồi thì sự tham gia của ban soạn thảo chỉ có mức độ, còn cơ quan thẩm tra “bơi kiểu gì thì bơi cho đến khi dự án luật trình ra Quốc hội”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.