Chuyển động Quốc lộ 1 - 14

QL1 Đồng Nai - Phan Thiết hoàn thành, TNGT giảm rõ rệt

13/07/2015, 07:03

Từ khi dự án xây dựng cải tạo nền, mặt đường QL1 hoàn thành, số vụ TNGT trên tuyến đường này giảm rõ rệt.

15
QL1 qua huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) được nâng cấp, lắp dải phân cách giữa

QL1 từ Đồng Nai đến Phan Thiết trước đây được xem là điểm “nóng” về TNGT. Tuy nhiên, từ khi dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo nền, mặt đường QL1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai hoàn thành, số vụ TNGT trên tuyến đường này giảm rõ rệt.

Lắp dải phân cách giữa, giảm tai nạn đối đầu

Trung tá Nguyễn Hải Âu, Phó trưởng công an huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho biết, trước đây tuyến QL1 đi qua địa bàn huyện có chiều dài hơn 40 km được xem là điểm nóng về TNGT. “Do không có dải phân cách giữa, nên vào ban đêm các xe khách thường chạy lấn tuyến dẫn đến TNGT. Gần như vụ tai nạn đối đầu nào giữa ô tô và xe gắn máy đều gây ra chết người. Còn đối đầu giữa các xe ô tô với nhau thường để lại hậu quả thảm khốc với nhiều người tử vong”, Trung tá Âu nói.

Từ khi dự án QL1 đoạn Đồng Nai - Phan Thiết được triển khai cải tạo nền, mặt đường hoàn thành (17/1/2015), trong đó có việc lắp đặt dải phân cách giữa đã kéo giảm TNGT. Theo Trung tá Âu, tính từ đầu năm đến nay, trên tuyến QL1 đi qua địa bàn huyện Xuân Lộc xảy ra 19 vụ TNGT, làm chết 10 người, giảm 9 người so với năm 2014. Đặc biệt, các vụ TNGT đối đầu gần như không còn. Đây là yếu tố quan trọng giúp kéo giảm TNGT trên địa bàn.

Thống kê của Ban ATGT tỉnh Bình Thuận cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2015, trên tuyến QL1 xảy ra 86 vụ TNGT, giảm sâu đến 32,3% (41 vụ) so với năm 2014 khi tuyến đường này chưa hoàn thành. Riêng địa bàn huyện Hàm Tân, nơi QL1 đi qua cũng đã kéo giảm TNGT sâu đến 33,3% số người chết do TNGT.

Đoạn đường đi qua thôn 3, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận trước đây được xem là “khúc cua tử thần”. Ông Nguyễn Phước Thọ có nhà nằm sát mặt đường QL1 cho biết, do đoạn đường cong, không có đèn chiếu sáng nên nhiều tài xế xe khách chạy tốc độ cao, đến khi phát hiện khúc cua phải thắng gấp. Nhiều hôm đang nằm trong nhà, nghe xe thắng gấp ở ngoài là ông Thọ biết có tai nạn xảy ra. Thực tế, đã có trường hợp tài xế không thắng kịp, cả chiếc xe lao xuống ruộng sâu khiến nhiều người tử vong.

Từ khi Tổng công ty 319 tiến hành cải tạo mặt đường, ông Thọ và nhiều người trong thôn đã hiến đất để nhà thầu mở rộng đường, nắn lại khúc cua này. “Từ đầu năm đến nay tai nạn giảm hẳn. Buổi tối ai cũng ngủ ngon vì không nghe tiếng thắng gấp của các xe và lo tai nạn nữa”, ông Thọ hồ hởi nói.

Giao trách nhiệm cho lãnh đạo từng địa phương

Trong quá trình khai thác QL1 từ Đồng Nai đến Phan Thiết cũng nảy sinh một số bất cập. Ban ATGT tỉnh Bình Thuận phối hợp với Cục QLĐB IV, Công ty 319 - Sông Phan tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo trật tự ATGT trên tuyến và đã xử lý nhiều vấn đề phát sinh. Tại điểm “đen” Km1726-1727 thuộc xã Hàm Ninh, huyện Hàm Thuận Nam, qua khảo sát, Ban ATGT tỉnh đã đề nghị Công ty 319 - Sông Phan xử lý bằng cách mở rộng đường và lắp dải phân cách cứng ngăn ngừa phương tiện đối đầu. Trước mắt, đã lắp biển hạn chế tốc độ 60 km/h đoạn qua thị trấn Thuận Nam.

Tại địa bàn huyện Xuân Lộc vẫn còn một số điểm bố trí công tác đảm bảo ATGT chưa hợp lý. Ông Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai dẫn chứng: “Tại đoạn đường qua xã Xuân Hòa (Xuân Lộc) thiết kế kẻ vạch sơn đứt cho xe vượt, trong khi đây là đoạn đường cong rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ TNGT”.

Một số điểm trên tuyến cống thoát nước cao hơn mặt đường đến 20 cm. Khi xe ô tô lấn vào làn xe gắn máy, xe gắn máy bị kẹt ở giữa đường và cống, không lao lên lề được. Ở vị trí xã Xuân Định, đường đã được mở rộng bốn làn nhưng không có dải phân cách ở giữa. “Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu Công ty 319 - Sông Phan phối hợp xử lý các tồn tại này nhưng vẫn chưa được khắc phục”, ông Điệp nói.

Ở nhiều địa phương có tình trạng dải phân cách giữa lắp dài nên người dân ngại đi vòng mà thường đi ngược chiều để qua phía bên kia đường. Hậu quả là không ít vụ tai nạn đã xảy ra.

“Chúng tôi sẽ giao trách nhiệm cho lãnh đạo từng xã để tuyên truyền, giáo dục người dân địa phương chấp hành quy định về ATGT. Nếu vẫn còn tình trạng vi phạm Luật Giao thông như thế này và xảy ra tai nạn, lãnh đạo các xã phải chịu trách nhiệm”, Trung tá Nguyễn Hải Âu cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.