Quản lý

QL1 từ Hà Nội đi Cần Thơ: Rút ngắn được 7-10 giờ chạy xe

03/12/2015, 12:28

QL 1 từ Hà Nội đến Cần Thơ giảm ít nhất 7-10 giờ, tuyến Tây Nguyên-TP HCM giảm ít nhất 3-4 giờ chạy xe.

Dong chi Dinh La Thang - Bi thu Ban can su dang Bo
Bộ trưởng Đinh La Thăng - Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ GTVT chủ trì buổi họp đánh giá việc triển khai dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên. 

Dự án đặc biệt: Quy mô lớn nhất, hoàn thành nhanh nhất

Dự án nâng cấp mở rộng QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và vốn đầu tư của doanh nghiệp (theo hình thức BOT) với tổng mức vốn là hơn 116.600 tỷ đồng/51 dự án. Trong số này, vốn BOT là hơn 54.800 tỷ đồng/ 25 dự án; Vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ là gần 64.300 tỷ đồng.

Sáng nay (3/12), đồng chí Đinh La Thăng – Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì buổi họp đánh giá công tác đầu tư xây dựng các Dự án mở rộng, nâng cấp QL1 Hà Nội - Cần Thơ và các Dự án đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên.

Báo cáo Ban cán sự, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Hoằng cho biết, đến cuối năm 2015, sẽ hoàn thành toàn bộ các dự án đoạn Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Cần Thơ. Riêng đối với dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả có quy mô dự án lớn, mức độ phức tạp cao nên dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017.

“Các dự án mở rộng QL1 hoàn thành sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra”, ông Hoằng nhấn mạnh và cho biết thêm, các dự án trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên cũng đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 7/2015 với tổng chiều dài là 419 km, sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch đề ra.

Việc rút ngắn tiến độ hoàn thành dự án từ 12-18 tháng là một trong những kỷ lục từ trước đến nay, đặc biệt là đối với dự án hạ tầng có quy mô cực kì lớn như Dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Việc thực hiện dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay (116.000 tỷ đồng, tương đương hơn 5 tỷ USD) trong khi chỉ sử dụng gần 54% kinh phí từ ngân sách nhà nước, huy động được hơn 46% kinh phí từ nguồn ngoài ngân sách là một bước đột phá lớn, hiện thực hóa chủ trương của Đảng về "Thu hút mạnh các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng... Mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm...", giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong điều kiện hết sức khó khăn hiện nay.

“Thành công của Dự án cũng đã chứng minh tính đúng đắn trong việc lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để đầu tư dự án có tác dụng liên vùng, liên lãnh thổ mà Đảng và Nhà nước đã có chủ trương”, ông Hoằng nhấn mạnh.

Tiết giảm hơn 17 nghìn tỷ đồng

Cũng theo ông Hoằng, trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ GTVT đã rà soát tất cả các dự án, điều chỉnh thiết kế cho phù hợp; sử dụng biện pháp tổ chức thi công hợp lý; không phải sử dụng vốn dự phòng trượt giá do công tác giải phóng mặt bằng sớm được hoàn thành, rút ngắn thời gian thi công; tiết kiệm 5% dự toán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ.

QL 1 qua Thừa Thiên - Huế
Quốc lộ 1 qua tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi được nâng cấp 

Đến nay, đã tiết giảm so với tổng mức vốn dự kiến ban đầu khoảng 17.082 tỷ đồng. Trong số này, các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ tiết giảm hơn 14.200 tỷ đồng. 2.823 tỷ đồng còn lại được tiết giảm từ các dự án đầu tư theo hình thức BOT.

”Hiện nay, Bộ GTVT đã chỉ đạo các nhà đầu tư cập nhật điều chỉnh vào giá trị quyết toán của dự án để xác định thời gian hoàn vốn của dự án, dự kiến sẽ rút ngắn thời gian hoàn vốn từ 4 - 56 tháng tùy theo từng dự án so với dự kiến ban đầu”, ông Hoằng nói.

Tạo đòn bẩy phát triển kinh tế địa phương

Trên thực tế, việc hoàn thành và đặc biệt là hoàn thành sớm hơn so với yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội từ 12-18 tháng các dự án mở rộng QL1 và đường HCM qua khu vực Tây Nguyên có ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng đã được Nghị quyết 13/NQ-TW của Trung ương Đảng về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.

“Các dự án đã và đang có đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của các khu vực có dự án đi qua và của cả nước. Các dự án được đưa vào khai thác sử dụng đã góp phần giảm ùn tắc giao thông trên 2 trục giao thông đường bộ quan trọng nhất của đất nước, hạn chế tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải...”, ông Hoằng nói và cho biết đánh giá ban đầu sau khi các dự án được đưa vào khai thác, đối với tuyến Hà Nội - Cần Thơ đã giảm ít nhất 7-10 giờ thời gian chạy xe, đối với tuyến Tây Nguyên về TP Hồ Chí Minh đã giảm ít nhất 3-4 giờ thời gian chạy xe.

Số liệu của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã thể hiện chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, khi dự án đường HCM cơ bản hoàn thành, đầu tư vào Tây Nguyên đã tăng đột biến với hơn 16.000 tỷ đồng. Số liệu của Ban ATGT tỉnh Ninh Thuận cho biết, sau khi dự án QL1 trên địa bàn tỉnh được đưa vào sử dụng, tai nạn giao thông liên tục được kéo giảm. Đơn cử tháng 8/2015 chỉ xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2 người, bị thương 1 người; so với tháng 8/2014 giảm 2 vụ (-50%), số người chết giảm 4 người (-66,6%), bị thương giảm 1 người (-50%).

Tương tự, ngay sau khi dự án QL1 qua tỉnh Quảng Ngãi được đưa vào sử dụng, thống kê cho thấy riêng 6 tháng đầu năm 2015, TNGT trên tuyến QL1 giảm cả ba tiêu chí, giảm 27 vụ, 13 người chết và 25 người bị thương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.