Thời sự

Quà biếu xa xỉ - biến tướng hối lộ

26/12/2014, 10:02

Mỗi dịp Tết đến, thị trường quà biếu, quà tặng lại xuất hiện thêm nhiều sản vật độc đáo, xa xỉ như sản phẩm dê dát vàng trong dịp Tết Ất Mùi năm nay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phong tục tặng quà thể hiện nét đẹp trong văn hóa ứng xử cũng như những quan niệm trong phép đối nhân xử thế của người Việt, đặc biệt vào những thời khắc quan trọng như dịp Tết cổ truyền. Tuy nhiên, hiện nay, phong tục tặng quà trở thành phong trào; Mục đích tặng quà không dừng ở việc thể hiện tình cảm mà nhiều khi là một sự mặc cả, trao đổi, thậm chí nhằm mục đích hối lộ…

Có thể nói, không chỉ dịp Tết, phong trào quà biếu, quà tặng của Việt Nam xuất hiện nhiều dịp trong năm, từ những ngày lễ lớn như kỷ niệm Giải phóng miền Nam 30/4; Tết độc lập 2/9 cho đến cả Tết Trung thu của trẻ em... Đó là chưa kể những ngày kỷ niệm riêng của từng ngành, từng lĩnh vực, như ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; Ngày truyền thống ngành Y 27/2…, khiến cho việc tặng quà trở thành mối lo, gánh nặng cho không ít người đi tặng.

Giá trị quà tặng gắn liền với giá cả. Điều đó góp phần tạo cơ hội cho nhiều sản phẩm quà biếu, quà tặng xa xỉ “lên ngôi”, từ những hộp bánh Trung thu có giá chục triệu đồng đến những linh vật kiểu ngựa dát vàng rồi đến dê dát vàng giá lên tới trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng…

Từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đến nay, nền kinh tế vẫn chưa hết khó khăn; Đời sống của người dân chưa nhiều cải thiện.

Đặc biệt, năm 2014, giá cả hàng hóa cả năm chỉ tăng dưới 2%, phần vì giá hàng loạt nguyên liệu đầu vào giảm mạnh, song phần khác vì nhiều người tiêu dùng vẫn phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu ngay cả ở thời điểm Tết Nguyên đán cận kề.

Không khó để biết rằng, những sản phẩm xa xỉ kể trên, chủ yếu được mua để biếu, tặng. Điều đó thể hiện sự lãng phí không nhỏ của cải xã hội; Mặt khác cho thấy, tình trạng lạm dụng, biến tướng trong tặng quà vẫn diễn ra phổ biến. 

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng tại kỳ họp Quốc hội mới đây cũng chỉ ra rằng, tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về quà tặng, cảm ơn, hiếu hỉ để đưa hối lộ vẫn diễn ra nhưng rất ít người nộp lại (theo quy định phải nộp lại món quà giá trị từ 500 nghìn đồng trở lên). Năm 2014, cả nước chỉ có 32 trường hợp nộp lại quà biếu, quà tặng với tổng trị giá 791 triệu đồng! 

Để hạn chế tình trạng này, các cơ quan có trách nhiệm không cách nào khác là phải mạnh tay phòng, chống tham nhũng, bắt đầu bằng việc kiểm soát thực tế tài sản, thu nhập của người có chức vụ. 

Thảo Nguyên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.