Chính trị

Quan chức muốn "hạ cánh an toàn" phải "thắt dây an toàn"

07/01/2022, 06:37

Quan chức muốn “hạ cánh an toàn” thì khi đương chức phải “thắt dây an toàn” bằng những việc làm trong sáng, vì nước, vì dân.

Năm 2021, nhiều vụ án lớn tiếp tục được đưa ra xét xử, nhiều quan chức nhúng chàm tiếp tục bị kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có không ít người đã về hưu từ lâu.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng, quan chức muốn “hạ cánh an toàn” thì khi đương chức phải “thắt dây an toàn” bằng những việc làm trong sáng, vì nước, vì dân.

img

Ông Nguyễn Đức Hà

Chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ

Nhìn lại một năm qua, ông đánh giá đâu là điểm nhấn đáng chú ý của công tác phòng, chống tham nhũng?

Một trong những điểm nhấn là Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 32 bổ sung thêm tên gọi của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trước kia là dùng chữ “tham nhũng, lãng phí”, nhưng lãng phí thì hẹp quá, mà “phòng, chống tham nhũng” không thì lại sót. Tiêu cực thì nghĩa rất rộng nhưng ở đây chủ yếu là sự suy thoái về phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nó là cái gốc, nó dẫn đến tham nhũng.

Vừa qua, chúng ta phát hiện, xử lý vụ việc tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp, đi đến xử lý 9 tập thể, 29 cá nhân có liên quan đến việc giảm án tù trước thời hạn cho Phan Sào Nam vụ đánh bạc nghìn tỷ.
Sự việc này đã cho thấy sự tinh vi, phức tạp thế nào. Bởi, những vấn đề tiêu cực đôi khi lại xảy ra chính với cá nhân, tổ chức có thẩm quyền trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Vì thế, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, cần phải đấu tranh phòng, chống ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng.

Ông Nguyễn Đức Hà


Nếu không suy thoái thì làm gì phải đi tham nhũng, nếu đạo đức tốt thì làm gì phải tham nhũng? Đó mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống.

Trong năm 2021, nhiều vụ án tham nhũng lớn tiếp tục được điều tra, khởi tố và đưa ra xét xử, nhiều cán bộ bị kỷ luật. Ví dụ như hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương bị truy tố vì liên quan đến bán rẻ đất “vàng” hay nhiều tướng lĩnh trong lực lượng cảnh sát biển bị kỷ luật...

Điều này thể hiện đúng với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ và không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Theo thống kê, năm qua số tội phạm tham nhũng phát hiện tăng lên. Thực tế này phản ánh điều gì, thưa ông?

Nếu nhìn vào số vụ án, vụ việc, số người liên quan đến tham nhũng trong năm 2021 vẫn còn tăng mà nói rằng tham nhũng ngày càng phát triển thì không đúng.

Vì sao số vụ việc, số người liên quan vẫn nhiều? Điều đó thể hiện công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai đồng bộ, toàn diện hơn. Khắc phục dần tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, hiện nay Trung ương cũng làm, các địa phương, bộ ban ngành cũng triển khai tích cực công việc này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có lần chia sẻ: “Nhà cửa có thiếu thốn gì đâu, mà sao tham thế? Chưa làm cái gì đã nghĩ đến “chấm mút” rồi…”, khi ông đề cập đến vấn đề suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ đảng viên. Theo ông, vì sao quan chức vẫn cứ tìm mọi cách tham nhũng, dù họ đâu có thiếu thốn gì?

Trả lời câu hỏi vì sao tiêu cực, tham nhũng diễn ra phức tạp, chúng ta cần nhìn nhận cả một quá trình chứ không thể căn cứ vào một mặt nào đó.

Trước hết, đó là mặt trái của kinh tế thị trường, nó đã và đang tác động từng ngày, từng giờ, vào từng ngõ ngách, từng nhà. Hơn nữa một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, không chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.

Và tất cả mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực đều bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân.

Có một thực tế ai cũng thấy là những quan chức bị đưa ra xét xử vừa rồi, họ đâu có nghèo. Chẳng hạn như một ông Bộ trưởng nhận hối lộ 3 triệu USD, lương bổng của ông ta đâu phải thấp.

Nhưng cuối cùng, do thiếu tu dưỡng, chủ nghĩa cá nhân đã lấn át những điều tốt đẹp để cuối cùng ông ta phải trả giá.

Không gì qua mắt được nhân dân

img

Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị phạt 8 năm tù vì để công ty gia đình mua chế phẩm Redoxy-3C về bán cho thành phố. Ngoài vụ án này, bị cáo Chung còn bị tuyên 3 năm tù trong vụ Nhật Cường; 5 năm tù về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước

Như ông nói, những người có ý đồ tham nhũng luôn tìm mọi cách để lợi dụng kẽ hở, vậy đâu là giải pháp để bịt những kẽ hở đó?

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh rất cam go và phức tạp nên cần phải có sự kết hợp nhiều giải pháp, từ giáo dục tư tưởng đạo đức cho đến các biện pháp hành chính, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tiếp đến, chúng ta phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là huy động sức mạnh của toàn dân. Bởi, không có gì mà người dân không biết. Dựa vào nhân dân thì việc gì cũng thành công.

Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, tổng số tiền phải thi hành trong các vụ án tham nhũng trên 72.000 tỷ đồng; đang tổ chức thi hành trên 34.000 tỷ đồng; đã thu được trên 4.000 tỷ đồng.
So với tổng số tiền phải thi hành trên 72.000 tỷ đồng thì tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn ở mức thấp, chưa được như mong muốn.


Tham nhũng rất khó xảy ra đối với những người không có chức quyền, ông có cho rằng chống tham nhũng khó khăn cũng là bởi vì lý do này?

Trong các vụ án tham nhũng, một cá nhân khó có thể thực hiện được, mà thường phải có nhiều người cấu kết, hay nói cách khác là hình thành một nhóm lợi ích một cách tinh vi dưới vỏ bọc dự án này, gói thầu kia.

Chính vì thế, tham nhũng, tiêu cực hiện nay cũng rất tinh vi. Chúng ta càng đấu tranh quyết liệt, thì những người có ý đồ tham nhũng, tiêu cực cũng cố gắng tìm ra kẽ hở, khoảng trống để len lỏi, “lách” qua cửa đó.

Chính vì vậy, đòi hỏi những cơ quan thanh, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử không những phải tinh thông về nghiệp vụ mà còn phải có tâm trong sáng để nhìn rõ đâu là sai phạm, khuyết điểm, từ đó đưa ra những kết luận khách quan và công tâm.

Muốn “hạ cánh an toàn”, phải “thắt dây an toàn”

Vài năm trở lại đây, rất nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự sau khi đã nghỉ công tác từ lâu. Việc nhiều quan chức “hạ cánh không an toàn” cho thấy điều gì, thưa ông?

Trước đây có một thực tế là đã về hưu thì hầu như là “hạ cánh an toàn” hết. Thế nhưng, sau khi Bộ Chính trị có Quy định 102 thì kể cả cán bộ đã nghỉ hưu, chuyển công tác, khi phát hiện ra khuyết điểm thì tùy từng mức độ mà xử lý.

Điều đó đã tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là không có chuyện cứ về hưu hay chuyển công tác là có thể “hạ cánh an toàn”. Từ nhận thức đó dẫn đến hành động là buộc người cán bộ phải cân nhắc trong từng việc mình làm.

Nói cách khác, muốn “hạ cánh an toàn” thì khi đương chức anh phải “thắt dây an toàn” bằng những việc làm trong sáng, vì nước, vì dân.

Một trong những vấn đề nan giải trong chống tham nhũng là thu hồi tài sản tham nhũng. Theo ông thì cần làm gì để có thể thu hồi tối đa tài sản trong các vụ án tham nhũng?

Việc đưa ra biện pháp ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản khi cán bộ có dấu hiệu tham nhũng là rất cần thiết. Ngoài ra cần có những cơ chế để kiểm soát chặt chẽ tài sản đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức quyền.

Nếu làm tốt những việc này thì những cán bộ có ý định tham nhũng cũng không muốn tham nhũng, bởi có tham nhũng thì số tiền đó cũng không thể mang ra tiêu được. Từ đó cũng triệt tiêu được suy nghĩ “hy sinh đời bố củng cố đời con”.

Vừa qua, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí có đề xuất xây dựng Luật Đăng ký tài sản để kiểm soát tài sản cán bộ công chức, quan điểm của ông thế nào?

Chủ trương của chúng ta là phải làm sao thu hồi lại càng nhiều tài sản tham nhũng càng tốt. Để thực hiện được điều này thì cần có những giải pháp đồng bộ về cơ chế. Đề xuất Luật Đăng ký tài sản cũng là một trong những giải pháp.

Bởi khi có Luật này thì những tài sản hình thành từ tham nhũng, từ hoạt động phi pháp nếu không giải trình được có thể bị thu hồi. Từ đó cán bộ sẽ không còn muốn và dám tham nhũng.

Cảm ơn ông!

Hơn 1,284 triệu người đã kê khai tài sản, thu nhập

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, đến nay đã có hơn 1,284 triệu người kê khai tài sản, thu nhập.

Số bản kê khai đã hoàn thành công khai trên 1,283 triệu bản (đạt 99%). Hiện, Thanh tra Chính phủ đang chủ trì xây dựng, hoàn thành Dự thảo Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập để Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị.

Về Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập, hiện Thanh tra Chính phủ cũng đã trình Dự thảo để Thủ tướng xem xét, phê duyệt; xây dựng định hướng kế hoạch xác minh về tài sản, thu nhập năm 2022, làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện.

Năm 2021, có 4 người nộp lại quà tặng

Để phòng, ngừa tham nhũng, trong năm 2021, các cấp, các ngành đã chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của trên 27.300 lượt cán bộ, công chức, viên chức (tăng 52,5% so với cùng kỳ năm 2020).

51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người đã bị xử lý kỷ luật (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 9 người).

Các cơ quan điều tra ngành công an đã thụ lý điều tra hơn 580 vụ án với khoảng 1.300 bị can về tham nhũng. Thiệt hại trong các vụ án thụ lý là trên 800 tỷ đồng, hơn 398.600m2 đất...

Trong năm 2021, có 4 trường hợp nộp lại quà tặng theo quy định cho đơn vị, với số tiền 350 triệu đồng; có 2 người bị xử lý do có vi phạm về kinh doanh trong thời hạn không được kinh doanh sau khi thôi giữ chức vụ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.