Thế giới

Quân đội Zimbabwe “giam lỏng” Tổng thống?

16/11/2017, 07:48

Những diễn biến nóng bỏng tại Zimbabwe nhen nhóm từ đầu tuần này, bùng nổ vào ngày 14/11, khi quân đội tái chiếm...

30

Xe tăng xuất hiện khắp các ngả đường chính của Zimbabwe

Căng thẳng sôi sục

Theo các hãng tin lớn của thế giới như BBC, Reuters…, từ đầu tuần này đã xuất hiện nhiều tin đồn đảo chính tại Zimbabwe. Sau khi Tổng thống Robert Mugabe đột ngột cách chức Phó tổng thống đầy triển vọng Emmerson Mnangagwa hồi tháng trước, ngày 13/11, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Constantino Chiwenga đe doạ can thiệp để chấm dứt cuộc thanh trừng nhằm vào đồng minh của ông trong đảng cầm quyền ZANU-PF.

24 giờ sau, ngày 14/11, căng thẳng tiếp tục dâng trào khi phóng viên Reuters ghi nhận, rất nhiều xe bọc thép chở quân nhân có vũ trang xuất hiện trên khắp các ngả đường chính tại Thủ đô. BBC ghi nhận nhiều vụ nổ xảy ra ở Harare.

Tiếp đó 2 giờ, binh lính chiếm trụ sở Đài Truyền hình quốc gia Zimbabwe (ZBC), yêu cầu nhân viên rời khỏi trụ sở. Có thông tin, một số nhân viên của đài truyền hình bị cư xử thô bạo. Reuters dẫn nguồn tin Chính phủ cho biết, Bộ trưởng Tài chính Ignatius Chombo, thành viên dẫn đầu của nhánh “G40” thuộc đảng cầm quyền do bà Grace, phu nhân Tổng thống Mugabe dẫn đầu, đã bị quân đội bắt giữ. Đảng cầm quyền ZANU-PF cáo buộc Tư lệnh Quân đội âm mưu đảo chính.

Tuy nhiên, sau đó, trên sóng truyền hình, quân đội Zimbabwe tuyên bố không xảy ra đảo chính quân sự và Tổng thống Robert Mugabe vẫn an toàn. “Đây không phải là một cuộc đảo chính quân sự... Chúng tôi muốn đảm bảo, Tổng thống và gia đình ông vẫn mạnh khỏe và an toàn”, Tham mưu trưởng về hậu cần quân đội Zimbabwe, Thiếu tướng SB Moyothông báo trực tiếp trên truyền hình quốc gia.

Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, cả Tổng thống Mugabe và phu nhân Grace đều không xuất hiện hoặc có thông báo trước công chúng. Tới thời điểm hiện tại, vị Phó tổng thống bị sa thải trước đó, ông Mnangagwa giữ chức tổng thống lâm thời của quốc gia này.

Nguyên nhân gốc rễ gây bất ổn chính trị

Lật lại tình hình đất nước Zimbabwe để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ gây ra biến động chính trị: Ông Mugabe, 93 tuổi, là người lãnh đạo duy nhất của Zimbabwe kể từ khi nước này giành độc lập 37 năm trước.

10 năm trở lại đây, kinh tế Zimbabwe tuột dốc, lạm phát phi mã. Đỉnh điểm là năm 2008, lạm phát ở nước này lên tới 500 tỷ %. Do đó, đồng tiền nước này có tỷ lệ hối đoái đến mức: 35 triệu tỷ dollar Zimbabwe mới đổi được 1 đồng 1 USD vào năm 2015. Hàng hóa nhập khẩu cạn kiệt. Còn hiện nay, theo các nhà kinh tế, lạm phát ở mức 50%.

Trong bối cảnh này, cựu Phó tổng thống Mnangagwa, cựu Giám đốc An ninh với biệt danh là “Cá sấu”, nổi lên trở thành nhân vật được trông đợi sẽ kế nhiệm ông Mugabe. Mnangagwa giành được sự ủng hộ mạnh mẽ trong hàng ngũ cựu binh và an ninh của Zimbabwe.

Theo một số tài liệu tình báo mà Reuters thu thập được, từ 2 thập kỷ trước, ông Mnangagwa đã có kế hoạch khôi phục nền kinh tế bằng cách đưa hàng nghìn người Zimbabwe đang lao động ở nước ngoài hồi hương về xây dựng đất nước, bắt đầu cải tạo đất để trồng trọt, cải thiện quan hệ ngoại giao với các tổ chức kinh tế trên thế giới như Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Song, ông Mnangagwa bất ngờ bị Tổng thống cách chức và phải lưu vong khiến dư luận hồ nghi mục đích của vị Tổng thống 93 tuổi nhằm mở đường cho người vợ 52 tuổi – bà Grace Mugabe, kế nhiệm.

Ông Mugabe vốn dễ dàng chiến thắng tất cả các cuộc bầu cử Tổng thống từ năm 1990, đã tuyên bố sẽ tiếp tục chạy đua bầu cử năm 2018. Nếu ông thắng cử thì khi từ chức hoặc qua đời, ông sẽ có quyền đơn phương chỉ định một người kế nhiệm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.