Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hỏi thăm các nhà báo trong chuyến thăm đến trụ sở của hãng Tân Hoa Xã ở Thủ đô Bắc Kinh
Ở hầu hết các quốc gia, mối liên hệ báo chí - doanh nghiệp đều có chung đặc điểm “có đi có lại”. Không doanh nghiệp nào có thể tồn tại và phát triển lớn mạnh nếu không có sự hỗ trợ từ báo chí và truyền thông.
Ngược lại, các tờ báo, hãng tin, đài phát thanh, truyền hình để tồn tại, lớn mạnh cũng cần có sự hợp tác với doanh nghiệp và tạo được nguồn thu từ quảng cáo.
Chiến lược, chiến thuật và tình huống ở Trung Quốc
Khái niệm “quyền lực truyền thông” giờ đã trở nên quá quen thuộc tại nhiều quốc gia. Nó tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến chiều hướng phát triển xã hội.
Hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng và ảnh hưởng của truyền thông nói chung, báo chí nói riêng đối với xã hội, chính quyền ở các quốc gia có chế độ chính trị chuyên chính đều không cho phép tư nhân hóa báo chí.
Tại Trung Quốc, các tờ báo in, trang báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình và các tổ chức tin tức chính thống đều do Nhà nước quản lý.
Các hoạt động liên quan đến sản xuất nội dung, hợp tác với các doanh nghiệp kể cả trong nước lẫn nước ngoài đối với các cơ quan báo chí đều được kiểm soát chặt chẽ.
Các tòa soạn chỉ được phép khai thác dịch vụ quảng cáo, hợp đồng truyền thông đơn thuần với các doanh nghiệp ở trong nước.
Trong khi, các hoạt động hợp tác với chính phủ, tổ chức nước ngoài chỉ được phép khi có sự đồng ý và được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng.
Các trường hợp được phép hợp tác với nước ngoài chủ yếu ở các cơ quan như thông tấn, truyền hình quốc gia và một số bộ, ban ngành của Chính phủ Trung Quốc theo tinh thần hợp tác mở rộng đối với các quốc gia đối tác thân thiết và đồng minh của Bắc Kinh.
Để bù đắp lại những “thiệt thòi” cho các tờ báo và kênh truyền hình, nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện ba bước đi đồng thời ở cả ba cấp gồm: Chiến lược, chiến thuật và tình huống.
Về mặt chiến lược, Trung Quốc chủ trương cấm và tiếp tục duy trì lệnh cấm đối với các loại hình mạng xã hội do các công ty nước ngoài làm chủ, đặc biệt là Facebook và YouTube của Google (những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ đã và có thể chiếm giữ phần lớn thị phần quảng cáo trực tuyến của thế giới) được hoạt động tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc khuyến khích, tạo điều kiện để các mạng xã hội, nền tảng chia sẻ video trực tuyến nội địa được thành lập và phát triển.
Đây chính là cách làm tốt nhất để kiểm soát, quản lý được xã hội, giữ lại được nguồn thu lớn từ quảng cáo ở thị trường tỷ dân cho các doanh nghiệp và báo chí.
Ở bước đi chiến thuật, Trung Quốc hàng năm luôn phân bổ các nguồn lực từ ngân sách cho các cơ quan báo chí và truyền thông giống như phân bổ cho các ngành nghề, lĩnh vực khác.
Ngoài ra, có nhiều tờ báo, đài truyền hình của Trung Quốc cũng thường xuyên nhận được các đơn đặt hàng bổ sung để sản xuất các nội dung cho mục đích tuyên truyền, đấu tranh với các vấn nạn ở trong nước cũng như nêu bật hình ảnh của một Trung Quốc mới ở nước ngoài.
Ở bước đi tình huống, cơ quan quản lý của Đảng và Chính phủ Trung Quốc thường xuyên tiến hành đánh giá hoạt động của các cơ quan báo chí, kịp thời hỗ trợ các tờ báo nếu họ gặp khó khăn hoặc cần thêm ngân sách để đẩy mạnh hoạt động sản xuất có lợi cho hình ảnh của Chính phủ, đất nước, văn hóa Trung Quốc.
Báo chí là một nghề kinh doanh ở phương Tây
Các nhà báo quốc tế từ nhiều nơi trên thế giới được cử đến Ai Cập theo dõi và đưa tin về một sự kiện bầu cử ở nước này
Tại các quốc gia phương Tây, điển hình là Mỹ và châu Âu, chính phủ các nước này coi báo chí là một nghề kinh doanh.
Dù phương Tây chính là những nơi đầu tiên nêu ra khái niệm “quyền lực thứ 4” để nói về vai trò và ảnh hưởng của truyền thông nhưng ở các nước này, báo chí được tư nhân hóa mà không bị bất cứ rào cản nào gây khó dễ. Lý do xuất phát từ chế độ chính trị.
Việc tư nhân hóa báo chí cho phép các tòa soạn thu hút được các nguồn lực từ việc xã hội hóa đầu tư. Các nguồn lực này cho phép các tòa soạn có chế độ trả lương tốt, xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, bổ sung các chế độ đãi ngộ và phúc lợi cho đội ngũ nhân sự.
Đồng thời, vì được tư nhân hóa, việc thay thế nhân sự, đặc biệt là các nhân sự cấp cao, thậm chí là việc sa thải hay tuyển dụng những người làm mới trở nên dễ dàng hơn, có thể hình dung mọi hoạt động sẽ vận hành “theo cơ chế thị trường”.
Cựu Tổng thống Donald Trump thất bại trong cuộc đua nhiệm kỳ hai vào Nhà Trắng và một trong những lý do được đồn đoán là do tỷ phú Rupert Murdoch - một ông trùm truyền thông - đã “lật kèo”
Ngoài ra, việc hợp tác với các doanh nghiệp ngoài ngành, thậm chí là với các đối tác nước ngoài cũng dễ dàng và không vướng quá nhiều rào cản kể cả về chính trị lẫn pháp luật.
Tuy nhiên, việc tư nhân hóa báo chí không phải không có những điểm hạn chế, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh quốc gia.
Ở các nước phương Tây, việc thao túng báo chí là điều hoàn toàn dễ dàng, đặc biệt là đối với các thế lực vừa mạnh về tài chính vừa có ảnh hưởng chính trị. Minh chứng rõ nhất là qua một số cuộc bầu cử ở Mỹ và một số nước khác ở châu Âu.
Khi đã cho phép một cá nhân có thể sở hữu nhiều tờ báo, nhiều đài truyền hình, nhiều hệ thống truyền thông (chẳng hạn như trường hợp của tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch), nguy cơ bị thao túng thông tin ở quy mô lớn luôn hiện hữu.
Hay như trường hợp tỷ phú Jeff Bezos, người sở hữu hệ thống bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới Amazon, chỉ bỏ ra một phần tài sản nhỏ trong tổng số tiền hơn 130 tỷ USD là đã có thể sở hữu cả tờ Washington Post.
Ai có thể khẳng định, ông Bezos không dùng Washington Post để truyền thông, lobby cho doanh nghiệp, thậm chí là sự nghiệp chính trị có thể xuất hiện sau này của vị doanh nhân?
Cũng chính vì tự do báo chí ở Mỹ nên đã xảy ra các tình huống một số tờ báo nổi tiếng tại nước này nhận đăng các bài viết của các nhà nghiên cứu, chuyên gia Trung Quốc. Các bài viết đó thể hiện lập trường, quan điểm của Bắc Kinh về các vấn đề liên quan đến chính trị, đòi hỏi chủ quyền hay tranh cãi ngoại giao gây bất lợi cho chính sách, quan hệ và hình ảnh của Mỹ trên thế giới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận