Hồ sơ tài liệu

Quan hệ Iran-Syria: Cùng nhau làm chảy máu Mỹ

09/03/2015, 19:35

Liên minh Syria-Iran-Hezbollah đã đạt tới cực điểm của nó sau cuộc chiến Israel-Hezbollah năm 2006, kéo dài 34 ngày.

0.
Trong chiến lược của mình tại Trung Đông, Mỹ muốn loại bỏ tổng thống Syria Bashar al-Assad

Sau khi Hafez al-Assad qua đời vào tháng 6/2000 và người con trai trẻ Bashar của ông trở thành Tổng thống, liên minh chính trị giữa Syria và Iran đã dần trở nên mang tính chiến lược, và sự hợp tác quân sự, tình báo giữa họ đã gia tăng đáng kể. Cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003, cuộc rút quân bắt buộc của Syria khỏi Liban vào tháng 4/2005 và cuộc chiến tranh Israel-Hezbollah 34 ngày vào năm 2006 đã củng cố liên minh này.

Tuy nhiên, khác với người cha, Bashar đã không thể duy trì sự cân bằng giữa những lợi ích của Iran và người A-rập, đặc biệt là ở Saudi Arabia. Ông cũng không có được mối quan hệ tương đối tốt đẹp mà người cha đã phát triển với phương Tây. Càng tiến gần Iran, ông càng đi xa khỏi phần lớn các nước A-rập và phương Tây.

Việc Mỹ lật đổ chính phủ do người Sunni chiếm ưu thế của Saddam Husein ở Iraq và thay thế nó bằng một chính phủ Shiite thân thiện với Iran là một món quà chiến lược đối với Tehran, đặc biệt đã mở cửa cho Iran bước ra Cận Đông thông qua Iraq.

Nhưng mặt khác, sự kiện này cũng đã châm ngòi cho một cuộc chiến tranh phe phái giữa người Sunni và người Shiite, biến Iraq thành nơi sinh ra các nhóm Hồi giáo cực đoan như Salafi, Wahabi, Thánh chiến. Kết quả, Iran phải tiếp tục chi một số tiền đáng kể để chiến đấu chống các nhóm thù địch này. Đồng thời, Iran cùng Syria đã phối hợp làm cho Mỹ đổ máu và làm cho cuộc chiếm đóng của nước này ở Iraq trở nên đau đớn nhất có thể, thông qua việc hỗ trợ, đào tạo, cung cấp đất thánh cho các nhóm dân quân Shiite sát hại lính Mỹ.

Trong khi đó, Saudi Arabia bị thất thế do đã “mất” Iraq với tư cách là một đồng minh ngăn chặn Iran mở rộng sang phía đông, nay cố tìm cơ hội để làm suy yếu Iran và các đồng minh Syria và Hezbollah của nước này. Cơ hội đó đã đến vào tháng 2/2005 sau vụ ám sát Rafik Hariri, Thủ tướng Liban và là một đồng minh thân cận của Saudi Arabia. Bị tố là đã đạo diễn cuộc ám sát và dưới sức ép quốc tế, Syria buộc phải miễn cưỡng rút 18.000 quân và nhân viên tình báo khỏi Liban. Dù bị bẽ mặt và cô lập, song al-Assad thậm chí còn nhích lại gần hơn với Iran và Hezbollah.

img
Đại giáo chủ Iran Khamenei tin rằng nếu ông al-Assad bị lật đổ, điều này sẽ khuyến khích Mỹ đạo diễn thay đổi chế độ ở Iran

Liên minh Syria-Iran-Hezbollah đã đạt tới cực điểm của nó sau cuộc chiến Israel-Hezbollah năm 2006, kéo dài 34 ngày. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cuộc xung đột A-rập – Israel, một lực lượng A-rập đã không thất bại dứt khoát và nhanh chóng trước Israel. Hezbollah tuyên bố chiến thắng, và Nasrallah trở thành nhà lãnh đạo A-rập nổi tiếng nhất và là một biểu tượng của sự phản đối Israel; sức mạnh của Hezbollah đã tăng lên đáng kể khi họ tiếp tục nhận vũ khí từ Iran thông qua Syria.

Liên minh ba bên đã mang đến cho Iran chiều sâu chiến lược ở trung tâm thế giới A-rập. Trên thực tế, Tehran đã thiết lập một “hành lang kháng chiến” chống lại Mỹ và Israel, bao gồm Iran, Iraq, Syria và Liban kéo dài khoảng 1.500 dặm. Dưới tác động của Liên minh, Hezbollah đã rút khỏi Nội các Liban vào đầu năm 2011, dẫn đến sự ra đi của Thủ tướng Saeed Hariri (con trai Rafik Hariri), đồng minh của Saudi Arabia và thay thế bằng Najib Mikati thân thiện với Iran và Syria.

Thực tế, đã có những tiếng nói ở Iran kêu gọi thay đổi chính sách về Damascus. Những người này cho rằng al-Assad không có tính hợp pháp do sự đàn áp nhân dân tàn bạo của ông này. Họ hối thúc Iran dần tách mình khỏi chế độ al-Assad và thay vào đó ủng hộ cuộc nổi dậy. Họ cũng cho rằng Iran không có những lợi ích quốc gia sống còn ở Syria, và rằng ủng hộ al-Assad sẽ đưa Iran đến sai lầm lịch sử.

Tuy nhiên, những người theo đường lối cứng rắn kiểm soát chính sách đối ngoại của Iran (cho tới khi Hassan Rouhani giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 6/2013), tin rằng việc ủng hộ al-Assad trong thời điểm tuyệt vọng của ông này là một trách nhiệm đạo đức cũng như là một đòi hỏi an ninh quốc gia.

Họ lập luận rằng một chính phủ thù địch ở Damascus sẽ khiến Israel dễ dàng tấn công Hezbollah và sau đó là Iran hơn; rằng Syria là “mắt xích vàng” của dây chuyền kháng chiến chống Israel cần được bảo vệ. Một giáo sỹ có ảnh hưởng thậm chí đã tuyên bố thẳng thừng rằng đối với nước cộng hòa Hồi giáo, Syria có một tầm quan trọng chiến lược còn lớn hơn tỉnh Khuzesta giàu dầu lửa của chính Iran!

Đặc biệt, Đại Giáo chủ Khamenei, người nhiều năm can dự vào việc thiết lập chiến lược Cận Đông của Iran, luôn sẵn sàng dành một cách hào phóng những nguồn lực của mình để bảo vệ Hezbollah và rộng rãi hơn là Syria. Ông tin rằng nếu al-Assad bị lật đổ, điều này sẽ khuyến khích Mỹ đạo diễn thay đổi chế độ ở Iran. Đối với ông, nếu một phần của liên minh Syria-Iran-Hezbollah bị suy yếu hay bị tiêu diệt, hai phần ba còn lại sẽ hứng chịu hậu quả không thay đổi được.

Còn tiếp

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.