Góc nhìn

Quan hệ Việt - Mỹ: "Chuyển dịch không ồn ào nhưng sâu sắc"

08/07/2015, 19:45

Báo The Diplomat gọi chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “một bước ngoặt lớn".

ttxvn_20150708_vn_my
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ báo chí. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngày 8/7, chỉ vài giờ sau cuộc gặp lịch sử giữ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, báo chí thế giới đã có nhiều bài viết phản ánh sự kiện một cách sâu sắc và chân thực.

Một bước ngoặt lớn

Trên trang nhất tờ The Washington Times, một trong những tờ báo lớn của Mỹ, có trụ sở tại Thủ đô Wasington DC đã đăng bài viết với tiêu đề "Một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ -Việt: Chuyến thăm của người đứng đầu Đảng báo hiệu tầm quan trọng của quan hệ đối tác".

Theo bài báo, đất nước Việt Nam đang viết nên một câu truyện mới. Đây không còn là những nỗi buồn của chiến tranh mà là tương lai tương sáng tươi của đất nước. Thời kỳ mới đặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quỹ đạo của một khu vực châu Á-Thái Bình Dương biến đổi nhanh và năng động.

Cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đặt dấu mốc quan trọng cho một câu truyện mới đang được mở ra.

Dù có quá khứ có đau thương thế nào và tư tưởng có khác biệt ra sao, thì giờ đây Việt Nam và Mỹ đang sẵn sàng nắm lấy tay nhau cùng mở rộng quan hệ đối tác toàn diện.

Mối quan hệ đối tác mới và đang được mở rộng này thúc đẩy các sáng kiến nhằm tăng cường mối quan hệ Mỹ-Việt và nhấn mạnh chiến lược tái cân bằng đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Mối quan hệ đối tác đang phát triển tạo ra một cơ chế thúc đẩy hợp tác trong quan hệ chính trị và ngoại giao, thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và sức khỏe, các vấn đề về di chứng chiến tranh, quốc phòng và an ninh.

Trong khi đó, tờ The Diplomat của Nhật Bản gọi chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “một bước ngoặt lớn” khi đánh dấu một sự chuyển dịch trong quan hệ hai nước, dù không ồn ào nhưng rất sâu sắc. Hãng tin BBC (Anh) thì dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, “điều quan trọng nhất” là hai nước “đã trở thành bạn bè, đối tác toàn diện” và cuộc hội đàm diễn ra trong không khí thân thiện, xây dựng, tích cực và thẳng thắn.

Hãng AFP của Pháp thì mở đầu bài viết bằng hình ảnh hai nhà lãnh đạo Việt Nam – Mỹ mỉm cười và thoải mái khi ngồi cạnh nhau tại phòng Bầu dục sau cuộc hội đàm và nhận định: “Ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam tới thăm Mỹ và Nhà Trắng. Cuộc hội đàm giữa ông với Tổng thống Obama tại phòng Bầu dục là một ngoại lệ, bởi thông thường Tổng thống Mỹ chỉ tiếp đón các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các chính phủ tại phòng Bầu dục”.

Nhưng có lẽ đậm nét và đầy đủ nhất vẫn là thông tin từ các tờ báo của Mỹ. Nhiều tờ báo như The New York Times, Washingtonpost, Los Angeles Times… đã dẫn lại lời nói của Tổng thống Barack Obama với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng “Tôi mong chờ được đến thăm đất nước Việt Nam xinh đẹp” và khẳng định ông Barack Obama sẽ sớm đén thăm Việt Nam. Ca ngợi sự “tiến bộ vượt bậc” trong quan hệ Việt - Mỹ, hãng CNN gọi đây là cuộc gặp lịch sử. Tờ Washingtonpost thì nhấn mạnh rằng, chính quyền Washington muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam, xem Việt Nam có vai trò quan trọng ở châu Á.

Thương mại nhảy vọt

Trong khi đó, đài Đức Deutsche Welle (DW) nhận định rằng đây là một chuyến đi tăng cường nền tảng quan hệ Việt Nam - Mỹ. Deutsche Welle cho rằng hợp tác kinh tế song phương và các vấn đề an ninh khu vực dự kiến sẽ là những vấn đề hàng đầu trong sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ. Cả Việt Nam lẫn Mỹ đều nằm trong số 12 quốc gia đang thương thảo một hiệp ước tự do thương mại đa phương mang tên Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hợp tác kinh tế được cả Hà Nội lẫn Washington nhìn nhận là "nền tảng và động lực" cho quan hệ hai bên. Thỏa thuận TPP sẽ là trung tâm của sự hợp tác này. Thỏa thuận TPP bao gồm 12 quốc gia ven Thái Bình Dương bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam và chiếm 40% sản lượng kinh tế toàn cầu và 26% thương mại thế giới. Trung Quốc hiện đang không tham gia các cuộc đàm phán.

Theo The Washington Times, 20 năm trước, khi Việt Nam và Mỹ nối lại quan hệ song phương, kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ đạt 450 triệu ​USD. Năm ngoái, con số đó đã vọt lên con số gần 39 tỷ USD. Cũng trong thời kỳ đó, thu nhập của người dân Việt Nam cũng tăng lên 6 lần từ 560 ​USD vào năm 1988 cho tới xấp xỉ 3.354 USD như hiện nay, và làm tăng gấp đôi số người dân ở tầng lớp trung lưu trong vòng 5 năm kể về trước.

Hơn thế nữa, 17.000 du học sinh đang theo học tại Mỹ càng củng cố hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước.

Ngày nay, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa tới Mỹ nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào trong khu vực ASEAN. Mối quan hệ kinh tế này đã tạo ra hàng ngàn việc làm tại Việt Nam cũng như Mỹ. Với bức tranh kinh tế đầy hứa hẹn, người Việt Nam vẫn biết rằng tương lai của họ có mối gắn kết chặt chẽ với những truyền thống và lịch sử hết sức sâu sắc.

Những điểm nổi bật trong quan hệ hợp tác Việt - Mỹ

Theo tờ báo The Washington Times, nhận định và thống kê.

- Mỹ hiện nay là nhà đầu tư FDI hàng đầu cũng như là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

- Năm ngoái (2014) Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất vào ​Mỹ trong số 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 39 tỷ ​USD.

- Trao đổi ngoại giao cấp cao hiện đã trở thành chuẩn mực.

- Về mặt an ninh, các tàu của Hải quân ​Mỹ đã thực hiện hơn 15 chuyến thăm tới cảng từ năm 2003 và tiến hành đợt huấn luyện hải quân chung với Việt Nam vào năm 2010.

- Cả Mỹ và Việt Nam tiếp tục hợp tác với nhau trong việc giải quyết các di chứng từ cuộc chiến tranh Việt Nam - khó khăn nhất trong số đó là ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin và việc loại bỏ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trong đất của Việt Nam.

- Hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của hai quốc gia sẽ là tiêu chuẩn cho mối quan hệ quốc phòng Mỹ - Việt.

- Việt Nam và Mỹ hiện đang đàm phán về chương trình Peace Corp trong đó bao gồm việc cho phép các tình nguyện viên của Peace Corp tới dạy tiếng Anh ở những vùng nông thôn của Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.