Hồ sơ tài liệu

Quan hệ Việt - Nhật đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất

07/06/2017, 13:33

Quan hệ Việt - Nhật đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.

22

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Nhật Bản

Hôm qua (6/6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục lịch trình làm việc dày đặc với các cuộc tiếp xúc cấp cao tại Nhật Bản trong chuyến thăm chính thức tại đất nước mặt trời mọc, nhằm làm sâu sắc và tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước sau 44 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. 

Lịch trình làm việc dày đặc

Sáng 6/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản trong không khí thân tình và đầm ấm. Tại đây, một lần nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu vào tháng 3 vừa qua là một dấu mốc quan trọng, mang tính biểu tượng trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Thành công của chuyến thăm sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng mời các thành viên Hoàng gia Nhật Bản thăm Việt Nam dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2018.

Đáp lại, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại Tokyo. Nhà vua và Hoàng hậu nhiều lần cảm ơn lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã đón tiếp rất trọng thị, thân tình trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vừa qua.

Cũng trong sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Date Chuichi và hội kiến với Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Tadamori Oshima. Tiếp tục lịch trình gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc hội đàm lần thứ 2 với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chỉ trong vòng nửa đầu năm nay. Điều đó một lần nữa củng cố những nhận định cho rằng, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ngoài ra, trong ngày, Thủ tướng còn có cuộc gặp gỡ tọa đàm với đại diện 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) Nhật Bản. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ kêu gọi và mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tập đoàn Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển con người.

Thủ tướng cũng cho biết, việc đi lại giữa Việt Nam - Nhật Bản ngày càng thuận lợi. Nếu trước đây, một tuần chỉ có 7 chuyến bay thì năm 2016, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, ANA của Nhật Bản đã tổ chức 70 chuyến/tuần.

Việt Nam cân nhắc các lựa chọn cho TPP

NQH_0082

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe có buổi gặp gỡ báo chí chung, thông báo những kết quả chính trong cuộc hội đàm của 2 nhà lãnh đạo. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. 

Trong thời gian tại Nhật, Thủ tướng đã nhận lời phỏng vấn với tờ Nikkei, trong đó cho biết, Việt Nam đang cân nhắc các lựa chọn cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để tìm kiếm lợi ích chung cho các nước thành viên của TPP sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định này.

Chia sẻ với báo Nikkei, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Việt Nam đã chỉ định Bộ trưởng Bộ Công thương đàm phán với các nước thành viên còn lại của TPP, nhằm tìm ra các lựa chọn cho con đường phía trước”. Thủ tướng nhấn mạnh thêm, mục tiêu của những lựa chọn đó là “tìm ra một phương án cân bằng và hòa hợp lợi ích các bên”. 

Trước đây, tờ Nikkei từng khen ngợi chiến lược ngoại giao của Việt Nam khi tiếp tục ủng hộ TPP dù không có sự tham gia của Mỹ. Mặc dù, khi TPP không có Mỹ, đồng nghĩa hiệp định này ít có nhiều ý nghĩa đối với Việt Nam. Bởi ban đầu, Việt Nam coi TPP như một cơ hội tăng xuất khẩu quần áo, giày dép, hàng da và nông sản sang Mỹ. 

Dù không trông đợi nhiều lợi ích từ TPP, nhưng Việt Nam sẽ tận dụng được sự ủng hộ của hiệp định trong các cuộc đàm phán tương lai với Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, trên thực tế, Nhật Bản cũng là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam.

Cùng với đó, Nhật Bản và Việt Nam cũng đang tăng cường quan hệ song phương. Trong lịch sử, Việt Nam vốn đã chứng tỏ chiến lược ngoại giao khôn ngoan với các nước lớn và lần này cũng vậy - tờ Nikkei nhận định. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.