Hạ tầng

Quản lý kém sẽ "cắt" ủy thác quốc lộ

16/05/2014, 15:13

Tới đây, Bộ GTVT sẽ đánh giá lại toàn bộ gần 10.000km quốc lộ đang ủy thác cho các địa phương để nâng cao chất lượng quản lý bảo trì đường sá…

Chất lượng của nhiều tuyến quốc lộ ủy thác vẫn chưa đạt yêu cầu
Chất lượng của nhiều tuyến quốc lộ ủy thác vẫn chưa đạt yêu cầu


Chất lượng quốc lộ ủy thác còn nhiều vấn đề


Hiện nay có tới 50% chiều dài toàn bộ các tuyến quốc lộ với gần 10.000km được Tổng cục Đường bộ VN ủy quyền cho 49 Sở GTVT quản lý bảo trì. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ VN, chất lượng bảo trì không đồng đều và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương. Chất lượng tốt hay xấu phụ thuộc nhiều vào trình độ quản lý của cán bộ và sự quan tâm của tỉnh, thành phố đó.


Tổng cục Đường bộ VN cũng thừa nhận, việc chỉ đạo, quản lý của chính Tổng cục đối với công tác quản lý quốc lộ của Sở GTVT nhận ủy thác còn nhiều bất cập, hạn chế. Sau khi được ủy thác, giao vốn, duyệt dự án, duyệt giá sản phẩm bảo dưỡng thường xuyên, Sở GTVT tự thực hiện. Nhìn chung các tuyến quốc lộ ủy thác cho các Sở GTVT quản lý có mật độ giao thông không cao. Do đó, công tác quản lý bảo dưỡng quốc lộ ủy thác thuận lợi hơn so với các tuyến không ủy thác. Tuy nhiên, đáng nói là chất lượng của nhiều tuyến quốc lộ ủy thác lại thấp hơn các tuyến quốc lộ do Cục QLĐB quản lý.


Trước thực trạng trên, Tổng cục Đường bộ VN vừa đề nghị với Bộ GTVT sẽ đánh giá, phân loại kết quả thực hiện công tác ủy thác quốc lộ hàng năm, từ đó chấm dứt ủy thác đối với những Sở GTVT thực hiện không tốt, cũng như tăng thêm số lượng tuyến quốc lộ ủy thác cho Sở GTVT thực hiện tốt.

Thành lập ban QLDA vốn sự nghiệp chuyên trách 


Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý quốc lộ ủy thác, Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, cần tập trung quyết liệt triển khai thực hiện Đề án Đổi mới toàn diện công tác quản lý bảo trì đường bộ đã được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt. Đơn vị này sẽ yêu cầu các Sở GTVT quản lý quốc lộ ủy thác phải thành lập ban QLDA vốn sự nghiệp chuyên trách. Hiện mới có 20/49 Sở GTVT có Ban chuyên trách và có duy nhất một Sở GTVT trực tiếp quản lý. Cùng đó, phải đẩy nhanh tiến độ triển khai đấu thầu công tác bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) theo Đề án đổi mới đã được phê duyệt. 

Theo kiểm tra, đánh giá của Tổng cục Đường bộ VN, chỉ có 6/49 Sở GTVT thực hiện tốt công tác quản lý bảo dưỡng quốc lộ là: Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Đắk Lắk, Bến Tre. 8/49 Sở GTVT thực hiện chưa tốt cũng được nêu đích danh là: Sơn La, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Lâm Đồng, Kiên Giang. Các Sở còn lại chỉ thực hiện ở mức trung bình.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, sau thời gian thí điểm trên một số đoạn tuyến quốc lộ, năm 2014, Tổng cục Đường bộ VN đã có kế hoạch đấu thầu theo tiêu chí chất lượng đầu ra đối với 34 tuyến quốc lộ, sang năm 2015 sẽ nhân rộng trên toàn bộ hệ thống quốc lộ.

“Nhà thầu quản lý bảo trì đường sá có toàn quyền chủ động trong sử dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thật, huy động máy móc thiết bị, bố trí lao động, để thực hiện bảo trì đường sá đáp ứng các tiêu chí chất lượng đã ký kết và được thanh toán theo hợp đồng thầu. Như vậy, nhà thầu nào có tính chủ động cao trong phòng ngừa hư hỏng xuống cấp đường sá, nhiều sáng kiến, năng suất lao động cao, quản lý tối ưu, sẽ có lợi nhuận cao trên căn cứ giá bỏ thầu”- ông Cường nói.


Ông Nguyễn Văn Huyện - người vừa trúng tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết: Quản lý công tác bảo trì đường bộ là nội dung rất quan trọng của quản lý Nhà nước. Tách bạch công tác quản lý Nhà nước với hoạt động bảo trì đường sá, trong đó Tổng cục Đường bộ VN giữ vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ, hoạt động bảo trì do các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện. Quỹ Bảo trì đường bộ chịu trách nhiệm tài chính đối với hoạt động duy tu bảo trì đường sá, đã đưa đến sự thay đổi cơ bản trong công tác quản lý bảo trì đường bộ.


Cũng theo ông Huyện, để đáp ứng những thay đổi cơ bản đó, Tổng cục Đường bộ VN phải nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến công tác quản lý bảo trì quốc lộ nói chung cũng như quốc lộ ủy thác nói riêng. Thời gian qua, việc kiểm tra, kiểm soát công tác quản lý quốc lộ của các địa phương còn chưa quyết liệt mà nguyên nhân một phần do không có tiêu chí chất lượng, không có chế tài xử phạt.


Phương Anh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.