Thị trường

Quản lý thị trường xăng dầu: Ngừng đổ lỗi để "bắt tay" thay đổi chính sách

06/03/2023, 16:14

Theo TS Nguyễn Đình Cung, đến thời điểm hiện tại, các bên không nên mổ xẻ trách nhiệm và đổ lỗi qua lại, mà cùng nhau thay đổi chính sách.

Tại toạ đàm “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc” do Báo Tiền phong tổ chức sáng nay 6/3, một lần nữa, các vấn đề về chiết khấu, chi phí kinh doanh xăng dầu, thị trường xăng đầu… được cả doanh nghiệp, giới chuyên gia và cơ quan quản lý tranh luận sôi nổi.

Loạt câu hỏi cần lời đáp từ 2 bộ Công thương, Tài chính

Vấn đề thua lỗ do bị “ăn chặn” chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ (DNBL) xăng dầu khiến tình trạng tạm dừng bán hàng bắt đầu khởi nguồn từ cuối năm 2021, tại TP.HCM.

Đại diện cho hàng trăm DNBL, ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bảo Dương (TP.HCM) đặt 3 câu hỏi cho các cơ quan quản lý: Doanh nghiệp bán lẻ có vai trò như "làm thuê cho nhà cung cấp - là các thương nhân đầu mối", nhưng không được nhận lương bằng thù lao (chiết khấu), mà phải bỏ tiền túi trả lương cho người lao động. Vậy thương nhân đầu mối không "trả lương" cho nhà bán lẻ có bị coi là vi phạm pháp luật không, liên Bộ Công thương – Tài chính có biện pháp xử lý? Thương nhân đầu mối để cho DNBL thù lao thấp, chỉ được 100-200 trăm đồng/lít, hoặc âm chiết khấu, phải đóng cửa tạm thời có vi phạm pháp luật không? Người lao động không được nhận lương tự nghỉ việc có vi phạm pháp luật không? Trường hợp này thì cơ quan quản lý phải làm sao?”, ông Báu nêu vấn đề.

img

Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh). Ảnh: Như Ý

Đại diện cho nhiều DNBL ở Trà Vinh, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc cũng chỉ ra những bất thường cần được cơ quan quản lý đánh giá.

Theo ông Tây, tình trạng bị bóp nghẹt chiết khấu đã diễn ra hơn một năm qua, đã làm cho DNBL lỗ nặng nề, bị kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ.

Trong khi, Bộ Công thương luôn giải thích chiết khấu là do “thoả thuận để tạo công bằng, cạnh tranh”. Rõ ràng, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. “Vậy, Bộ Công thương có giải pháp gì nếu tình trạng chiết khấu âm vẫn tiếp diễn?”, ông Tây đặt câu hỏi.

Không chỉ vậy, ông Tây còn nghi vấn, có sự bất thường ở khâu phân phối chiết khấu. Bởi theo ông, sau ngày 14/2/2023, hội nghị góp ý sửa đổi Nghị định 95 về xăng dầu được tổ chức ở VCCI thì chiết khấu xăng dầu bắt đầu tăng lại từ 1.000-1.500 đồng/lít, tùy khu vực.

“Đây là hiện tượng không bình thường. Vậy chiết khấu này từ đâu mà có? Trong khi Nghị định thì chưa sửa lại và diễn biến thị trường không hề thay đổi”, ông Tây nhấn mạnh.

Đừng để doanh nghiệp thua lỗ bởi can thiệp hành chính

Trước những vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định, thời gian qua, Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc công bố thông tin về tính giá cơ sở (trong đó bao gồm chi phí định mức và chi phí kinh doanh - phần để nơi cấp nguồn chiết khấu cho DNBL).

Theo ông Tiến, hiện nay, công thức giá cơ sở gồm: Giá thế giới chiếm 60-70%; chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, chi phí đưa từ nhà máy lọc dầu về cảng, từ nước ngoài về Việt Nam khoảng 9%; các loại thuế từ 11-20%. Còn lại chi phí lợi nhuận định mức và chi phí trong lợi nhuận xăng dầu. Chi phí được công khai ở Nghị định 95.

img

​​Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính

Riêng chi phí định mức (đưa từ nhà máy lọc dầu đến cảng…) được công bố định kỳ. Chi phí định mức công bố 1 năm/1 lần. Các chi phí còn lại công bố 6 tháng/lần.

“Các chi phí được tính toán, phản ánh từ khâu bán buôn, lưu thông, dự trữ đến người tiêu dùng”, ông Tiến nói và cho biết, số liệu này trên cơ sở của thương nhân đầu mối tính toán. Trên cơ sở thống kê chi phí, hoạt động cơ quan quản lý nhà nước công khai minh bạch trong quản lý xăng dầu.

Về chiết khấu của DNBL, theo ông Tiến, giá chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố như dự báo giá, hàng tồn kho… Khâu đánh giá chi phí với chiết khấu theo chuỗi từ bán buôn đến bán lẻ. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Công thương về chi phí chiết khấu cho bán lẻ.

Về phía Bộ Công thương, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước không trả lời thẳng câu hỏi của các DNBL mà đặt ngược lại câu hỏi là: Tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra? Chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho... Chúng ta phải đặt câu hỏi có nước nào quy định chiết khấu tối thiểu không? Nhà nước có nên can thiệp hoạt động các doanh nghiệp không? Nếu có thì tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, khoa học…

img

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương)

“Nếu đưa chiết khấu vào là thể hiện yếu tố tăng thêm chi phí thì giá xăng dầu tăng lên thì quyền lợi người tiêu dùng thế nào? Kiểm soát CPI nhà nước làm sao? Như vậy có công bằng không trong nền kinh tế? Chúng ta phải xem xét thấu đáo các vấn đề. Câu chuyện chiết khấu các doanh nghiệp có thời kỳ lên 1.500- 2.000/lít. Tại sao chúng ta không tính chiết khấu bình quân? Tại sao doanh nghiệp bán lẻ không tìm cách chiết khấu đàm phán hợp đồng”, ông Đông nói.

Nghe ý kiến từ các DNBL, đại diện 2 bộ Công thương – Tài Chính, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nói thẳng: “Các bên không nên đổ lỗi cho nhau, không chia chiến tuyến”.

Ông Cung cho rằng, đến thời điểm hiện tại, các bên không nên mổ xẻ trách nhiệm và đổ lỗi qua lại cho nhau vì thị trường vốn bất định.

“Doanh nghiệp bán lẻ không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp nhập khẩu, cung ứng xăng dầu và ngược lại”, ông Cung nói và nhấn mạnh điều cần thiết phải làm hiện này là: Nhà nước đừng để doanh nghiệp bị thua lỗ bởi sự can thiệp hành chính, bởi cơ chế và chính sách!.

TS Nguyễn Đình Cung khẳng định, những công cụ quản lý của nhà nước đối với thị trường xăng dầu hiện tại đã không còn phù hợp, mà hệ quả là sự thua lỗ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Do đó, cần phải ngồi lại, cùng nhau đưa ra vấn đề để hướng tới thay đổi chính sách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.