Bạn cần biết

Quan niệm sai lầm khiến ung thư thành “tử thần”

29/05/2017, 07:00

Những quan điểm sai lầm về ung thư khiến nhiều người bỏ lỡ cơ hội điều trị, để ung thư thành “tử thần”.

19

Phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh nhân ung thư có nhiều cơ hội sống

“Đã ung thư là không đụng dao kéo”

Theo chia sẻ của GS. TS. Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc BV K T.Ư, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, hiện có quá nhiều quan niệm sai lầm về căn bệnh ung thư khiến người bệnh bỏ lỡ cơ hội hay còn gọi là “thời gian vàng” để điều trị ung thư. Ông Đức cũng cho hay, không ít các bệnh nhân đến thăm khám, khi phát hiện ung thư và được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị như phẫu thuật đã từ chối chỉ vì quan niệm “đụng dao kéo thì càng đi nhanh hơn”.

“Là bác sĩ, chúng tôi phải biết rõ khả năng cứu chữa bệnh nhân đến đâu khi đưa ra phác đồ điều trị, hơn ai hết, chúng tôi mong muốn bệnh nhân được chữa khỏi bệnh”, ông Đức cho biết.

"Tôi luôn lên án hành vi trục lợi trên nỗi đau người bệnh. Các bệnh nhân cần biết bác sĩ được đào tạo, máy móc hiện đại còn chưa chắc sẽ điều trị được 100%, nói gì đến thày lang, bà mế. Chính vì vậy, bệnh nhân ung thư cần tỉnh táo, tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của bác sĩ”.

Chị Trần Cẩm Bào
bệnh nhân ung thư vú, di căn xương đã 4 năm

Cũng chính vì quan niệm “đã ung thư là không đụng dao kéo” mà không ít bệnh nhân bỏ qua phẫu thuật, tìm đến các phương pháp điều trị chưa được minh chứng khoa học và chỉ đến khi không chống chọi lại được với bệnh tật mới quay lại bệnh viện. “Những trường hợp như vậy đã qua mất cơ hội điều trị. Chúng tôi chỉ có thể can thiệp bằng cách giảm nhẹ đau đớn do ung thư mang lại để họ có thể sống nhẹ nhàng hơn mà thôi”, ông Đức cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Bá Đức, có những quan niệm chỉ ở VN mới có như: “Ung thư là do số phận, ăn ở không ra gì”, “không nên hóa trị, xạ trị” hay quan niệm “phải ăn uống không đạm, chỉ gạo lức, muối vừng sẽ diệt tế bào ung thư”…

Lý giải cho những quan niệm phi khoa học nói trên, ông Đức cho rằng, khi nghe, tin và làm theo những quan niệm này, người bệnh tự tước đi quyền lợi chữa bệnh ở "giai đoạn vàng". Chỉ đơn cử với quan điểm “phải ăn uống kiêng khem”, người bệnh ung thư vốn đã suy sụp về tinh thần nay lại thêm thiếu hụt về dinh dưỡng… bệnh nhân có thể chết vì suy kiệt thể lực trước khi chết vì bệnh. “Phải khẳng định, việc ăn uống không đủ dinh dưỡng hay nhịn đói không thể giúp tiêu diệt tế bào ung thư… Mà người bệnh, cần được ăn uống đủ dinh dưỡng để có đủ sức khỏe thực hiện các phác đồ điều trị”, ông Đức cho biết.

Cùng quan điểm GS. TS. Đào Văn Phan, nguyên Trưởng bộ môn Dược lý, trường ĐH Y Hà Nội cũng cho rằng: “Một số bệnh có quy định chế độ ăn riêng tránh ảnh hưởng quá trình điều trị, ví như viêm cầu thận kiêng ăn mặn tránh giữ nước, phù tim; Bệnh tiểu đường khuyến cáo không ăn chất đường; Bệnh suy gan… số bệnh phải có chế độ ăn kiêng là rất ít, hầu hết người bệnh cần phải ăn đủ chất đường, đạm mỡ, calo và dinh dưỡng để đủ sức chịu đựng các biện pháp điều trị. Với bệnh nhân ung thư cũng vậy, nếu có kiêng chỉ vì kiêng khi có bệnh kèm theo (như tiểu đường, suy gan, thận, huyết áp…). Họ cần phải ăn đủ chất dinh dưỡng. Quan niệm nhịn để tế bào ung thư không phát triển là hoàn toàn sai lầm”.

“Kỳ thị bệnh nhân ung thư là một tội ác”

Tại cuộc tọa đàm “Ung thư không phải dấu chấm hết” vừa được tổ chức, TS. BS. Phạm Việt Hương chia sẻ: “Tôi từng được chứng kiến có những bệnh nhân đã phải chịu sự kỳ thị từ chính người thân trong gia đình. Một nữ bệnh nhân đã từng bị mẹ chồng hắt hủi, chửi rủa chỉ vì lý do chị bị ung thư và gia đình chồng đã phải bỏ ra nhiều chi phí để chữa trị cho chị”. Hay cũng không ít bệnh nhân phải chịu sự kỳ thị khi phải nghe người xung quanh nhận xét “mắc ung thư là do kiếp trước ăn ở không ra gì…” “Nên coi ung thư như các bệnh khác, bất kỳ ai cũng đều có thể mắc một bệnh ung thư nào đó. Do vậy, cần thông cảm và thấu hiểu với những bệnh nhân ung thư. Và cũng khẳng định ung thư không phải là căn bệnh lây nhiễm”, BS. Hương cho biết.

Theo BS. Hương, trong hơn 200 bệnh ung thư, hiện có nhiều loại ung thư có thể chữa được với phương pháp điều trị hiện có. Quan trọng nhất là phát hiện sớm, điều trị kịp thời. “Điều đáng tiếc là trong thời đại văn minh, y học phát triển, dễ tiếp cận mà còn có quan niệm, bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm mới xuất hiện u đã tự coi ung thư là án tử… bỏ qua thăm khám, điều trị”, BS. Hương khuyến cáo.

Dẫn chứng cho điều này, BS. Hương cho biết, trường hợp một bệnh nhi sống ở TP Hải Dương, mắc u nguyên bào thần kinh, bỏ điều trị trước đó tại BV Nhi T.Ư. Khi đến với Khoa Nhi, BV K T.Ư, bệnh nhi được tiên lượng xấu vì di căn nhiều bộ phận trên cơ thể. Tuy nhiên, với nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, đến thời điểm này, sau khi trải qua 7 đợt truyền hóa chất, khối di căn gan của bệnh nhi đã hết, khối u di căn chiếm ổ bụng nhỏ lại và đã được lấy ra. Bệnh nhi được tiên lượng gần thoát án tử 7 tháng. “Với căn bệnh này, nếu từ đầu được điều trị bài bản, thì bệnh nhi còn có khả năng hết bệnh”. BS. Hương chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.