Quản lý

Quản trung tâm đăng kiểm xã hội hóa thế nào?

04/06/2020, 07:22

Dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới đường bộ đang trong giai đoạn xã hội hóa đầu tư mạnh mẽ, đặt ra những yêu cầu mới về quản lý hoạt động đăng kiểm.

img
Tổ kiểm tra chuyên ngành của Cục Đăng kiểm VN phúc tra kết quả kiểm định xe ô tô tại một trung tâm đăng kiểm phía Bắc

Gắn trách nhiệm nhà đầu tư

Đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, trước năm 2019, hầu hết các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đều là đơn vị sự nghiệp Nhà nước, chỉ một số đơn vị được thí điểm đầu tư, hoạt động theo mô hình xã hội hóa.

Song từ năm 2019, quy định về phát triển trung tâm đăng kiểm theo quy hoạch vùng, địa phương được gỡ bỏ, tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào lĩnh vực này. Từ đó đến nay, số lượng trung tâm đăng kiểm mới được DN, nhà đầu tư cá nhân thành lập gia tăng nhanh chóng.

Riêng năm 2019 có 32 trung tâm mới ra đời và hàng chục đơn vị khác đăng ký thành lập, bằng với con số 3 - 4 năm trước cộng lại. Bên cạnh đó, nhiều trung tâm đăng kiểm Nhà nước chuyển thành DN cổ phần hóa Nhà nước không giữ vốn, một số trung tâm mở rộng đầu tư “lấn sân” sang các địa phương khác, tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ.

Dịch vụ đăng kiểm cũng không còn là độc quyền, nhiều trung tâm thay vì chờ khách đến như trước đã nhắn tin, gọi điện nhắc khách đến hạn đăng kiểm, tư vấn sửa chữa xe miễn phí… Tuy nhiên, mặt trái là gia tăng hiện tượng trung tâm đăng kiểm kiểm định dễ dãi, khuyến mãi vật chất để thu hút xe. Thậm chí có cả trường hợp chỉ vì lợi ích kinh tế mà cấp khống giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện.

“Tháng 4/2019, Cục Đăng kiểm VN thu hồi giấy phép, đóng cửa hoạt động của một trung tâm đăng kiểm tại Bắc Giang do đơn vị này cấp khống giấy chứng nhận, tem kiểm định cho một số xe ô tô ở tỉnh khác. Việc cấp khống được thực hiện bằng cách đưa xe giống kiểu loại vào dây chuyền đăng kiểm để làm giả thông tin, kết quả kiểm định cho xe biển số khác. Đây là lần đầu tiên xuất hiện kiểu gian lận này trong lĩnh vực đăng kiểm”, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cũng bị đình chỉ do đăng kiểm thực tế (đăng kiểm lần đầu trước khi cấp biển số) một xe nhưng cấp chứng nhận, tem đăng kiểm cho một số xe cùng kiểu loại.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư trung tâm đăng kiểm cũng phát sinh chuyện nhà đầu tư lách luật, không tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp khi thành lập trung tâm đăng kiểm mới.

Khắc phục tình trạng này, Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) bổ sung quy định: “Chủ đầu tư, cá nhân, DN thành lập trung tâm đăng kiểm chịu trách nhiệm đối với hoạt động của trung tâm đăng kiểm” nhằm luật hóa trách nhiệm của chủ đầu tư và lãnh đạo cao nhất của trung tâm đăng kiểm.

Theo ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN: “Quy định trên nhằm luật hóa trách nhiệm của chủ đầu tư trung tâm đăng kiểm cả trong hoạt động đầu tư và quá trình hoạt động kiểm định xe cơ giới. Không để xảy ra tình trạng nhà đầu tư phó mặc việc quản lý, kiểm soát chất lượng đăng kiểm cho người được thuê làm giám đốc trung tâm đăng kiểm”.

Thúc đẩy tự động hóa, ứng dụng công nghệ số

Liên quan đến cơ sở vật chất và hoạt động của đơn vị đăng kiểm, Dự thảo Luật GTĐB quy định trung tâm đăng kiểm phải đáp ứng quy chuẩn về cơ sở vật chất (mặt bằng, nhà xưởng, thiết bị kiểm định…), nhân lực và hệ thống công nghệ thông tin.

Đáng chú ý, trung tâm đăng kiểm phải sử dụng thiết bị kiểm tra, ứng dụng CNTT để tự động hóa quá trình kiểm định phương tiện và phục vụ quản lý, giám sát trực tiếp của cơ quan quản lý đăng kiểm (truyền dữ liệu, hình ảnh, kết quả kiểm định trực tiếp). Người đứng đầu trung tâm đăng kiểm và đăng kiểm viên trực tiếp thực hiện việc kiểm định phải chịu trách nhiệm về việc xác nhận kết quả kiểm định.

Theo đại diện Cục Đăng kiểm VN, hiện ngành đăng kiểm đang áp dụng các biện pháp quản lý trực tuyến như phần mềm quản lý kiểm định, kết nối camera trực tuyến, lưu trữ video hoạt động kiểm định. Việc quy định trong Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý định hướng, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số, tự động hóa trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới và quản lý trung tâm đăng kiểm, giảm dần sự can thiệp của con người vào hoạt động kiểm định.

“Khi luật hóa việc ứng dụng công nghệ số nhằm tạo nền tảng để số hóa, định danh từng phương tiện, tăng tự động hóa trong kiểm định và giám sát kiểm định, dùng công nghệ chống gian lận, vi phạm chất lượng đăng kiểm”, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết.

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, định hướng ứng dụng công nghệ số, tự động hóa trong lĩnh vực đăng kiểm là giải pháp tích cực, phù hợp với xu thế phát triển chung của quốc tế, đất nước.

Ở góc độ khác, từ thực tế hoạt động kiểm định xe cơ giới, đại diện một số trung tâm đăng kiểm cho rằng, dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) nên bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ của trung tâm đăng kiểm để không gặp vướng mắc khi thực hiện các nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước.

“Thực tế thời gian qua, trung tâm đăng kiểm ngoài chức năng kiểm định chất lượng xe cơ giới đường bộ còn là đầu mối thu hộ phí sử dụng đường bộ cho ngân sách Nhà nước, tham gia giám định xe tai nạn, tham gia với lực lượng chức năng liên ngành kiểm tra điều kiện kỹ thuật xe tham gia giao thông, “chặn đăng kiểm” xe theo yêu cầu của cơ quan chức năng… Vì vậy, Luật GTĐB cần bổ sung quy định trên để tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động của trung tâm đăng kiểm”, lãnh đạo một số trung tâm đăng kiểm cùng nêu ý kiến.

Gắn trách nhiệm để ngăn đầu tư ồ ạt

Theo ông Phan Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 15-01V và một số lãnh đạo trung tâm đăng kiểm khác, thực tế thời gian qua có những nhà đầu tư chỉ cần liên doanh, liên kết với đơn vị có nhà xưởng, khu đất được quy hoạch dùng cho mục đích khác cũng mở được trung tâm đăng kiểm. Do đó, cần gắn trách nhiệm nhà đầu tư nhằm hạn chế việc đầu tư ồ ạt, đầu tư ngắn hạn, thiên về mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận trong lĩnh vực đăng kiểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.