Văn hóa - Giải Trí

Quảng cáo lộ liễu trong MV ca nhạc

01/03/2017, 09:45
image

Nhiều MV ca nhạc hiện nay không còn là sản phẩm riêng của nghệ sĩ mà trở thành “con chung” với nhà tài trợ.

14

MV “Em thì không” của Mỹ Tâm được cho là có quảng cáo cho một hãng điện thoại mà cô làm gương mặt đại diện

Bị chi phối ít nhất 50%

Việc nghệ sĩ hợp tác với các nhà tài trợ trong sản phẩm ca nhạc vốn không còn là chuyện mới mẻ. Nhưng thời gian gần đây, xu hướng này ngày càng phát triển mạnh với nhiều MV bị khán giả phản ứng vì quảng cáo lộ liễu, gây phản cảm. Thực tế, việc hợp tác nào cũng luôn có những ràng buộc, chi phối từ nhà tài trợ mà không phải lúc nào nghệ sĩ cũng có thể cho ra sản phẩm như mình mong muốn.

Ngay khi ra mắt, hai MV Đi để trở về và Phía sau một cô gái của Soobin Hoàng Sơn đã gây thất vọng và bị chỉ trích lạm dụng quảng cáo tới mức khó chấp nhận. Nếu Đi để trở về vốn là MV được thực hiện nhằm mục đích quảng cáo cho một nhãn hàng giày dép thì Phía sau một cô gái lại là sự thất vọng vì đây là ca khúc đã giúp Soobin “đổi đời”, vì thế, công chúng thực sự kỳ vọng MV sẽ tiếp tục giúp ca khúc thêm thăng hoa. Thế nhưng cuối cùng, chàng ca sĩ gốc Hà Nội đã cho ra một sản phẩm âm nhạc với nội dung khó hiểu và sự có mặt “đồng hành trên mọi nẻo đường” của một nhãn hàng, với những cú quay cận cảnh sản phẩm nhiều lần.

Trong khi đó, Sơn Tùng M-TP cũng mở màn năm 2017 với hai MV liên tục đạt kỷ lục về số người xem là Lạc trôi và Nơi này có anh. Vốn là ca sĩ chịu khó mang nhãn hàng mình đang làm gương mặt đại diện vào sản phẩm ca nhạc, hai MV này của giọng ca gốc Thái Bình cũng không ngoại lệ. Lạc trôi cán mốc 40 triệu lượt xem sau 10 ngày ra mắt và gây nhiều chú ý không chỉ bởi sức hút từ cái tên Sơn Tùng M-TP mà còn bởi những tranh cãi xung quanh một sản phẩm khá “lạ mắt”: Đôi giày thời hiện đại trong bối cảnh MV cổ trang. Ngay sau đó, MV Nơi này có anh cũng tràn ngập hình ảnh của các nhãn hàng. Tuy nhiên, các chi tiết quảng cáo trong MV này lại được bố trí trong những phân cảnh khá tinh vi. Nhiều người nhận xét Sơn Tùng rất biết cách “làm hàng” bởi những màn quảng cáo của anh đều ở mức chấp nhận được và ít khiến khán giả khó chịu.

Là người từng thực hiện nhiều MV có tài trợ, đạo diễn Vũ Lâm tiết lộ, nhà tài trợ thường có quyền quyết định 50% trong video. Khi đó, vai trò của đạo diễn bị giảm xuống thấp hơn ê-kíp nhà sản xuất. “Vai trò của đạo diễn lúc này là phải... ngoan, vì họ bỏ tiền ra thì phải được thứ họ muốn. Tôi từng rất khổ vì vấn đề này khi một số hãng đề nghị phải quay logo này, ở góc máy nào theo ảnh mẫu… Hầu như không có cửa thoát. Nhiều khi cũng nản lắm nhưng phải nhận thôi. Vả lại đôi khi, những thứ mình cho là tốt nhất nhưng khách hàng lại không hài lòng”, anh tâm sự.

Đạo diễn Vũ Lâm cho biết thêm, thực tế, bản thân nhãn hàng có khi cũng không biết tương lai của video đó ra sao, nên họ luôn tìm cách bảo vệ bằng được sản phẩm của mình. Nghệ sĩ nhiều khi cũng cảm thấy bị xúc phạm, bị ảnh hưởng vì thương hiệu chi phối quá nhiều. Nhưng chỉ cần mỗi người có cái tôi cao thì sản phẩm sẽ thất bại. Do đó, chỉ có hai cách làm việc: Một là nhà tài trợ nới ra để đạo diễn làm, hai là ca sĩ nghe theo nhà tài trợ. Hiện tại, nhiều nhà tài trợ chọn đạo diễn họ thích để thuê làm việc, nhằm giảm bớt sự rủi ro.

“Quảng cáo không xấu!”

Đó là khẳng định của nhà sản xuất - ca sĩ Ông Cao Thắng. Theo Ông Cao Thắng, sự đồng hành của nhà tài trợ sẽ giúp nghệ sĩ có điều kiện tốt hơn thực hiện sản phẩm của mình. Hơn nữa, khán giả cũng có thể nhờ những quảng cáo trong MV mà có thêm sự lựa chọn cho mình trong các sản phẩm hàng hóa. Chỉ có điều, sự kết hợp này cần bàn tay khéo léo của đạo diễn để làm sao MV đi theo đúng hướng của mình nhưng vẫn có thể tìm được nhà tài trợ đồng hành phù hợp.

“Từng khung hình, nội dung bài hát nếu có kết hợp quảng bá sản phẩm thì vẫn phải phù hợp với hình ảnh, đi theo hướng tự nhiên nhất là điều khó khăn. Tôi nghĩ quảng bá nhãn hàng lộ liễu hay không do nhận định của mỗi người, vì thực tế, nhu cầu quảng cáo của nhãn hàng và nhu cầu có kinh phí thực hiện của nghệ sĩ rất bình thường”, Ông Cao Thắng chia sẻ.

Đồng quan điểm với Ông Cao Thắng, đạo diễn Vũ Lâm nhìn nhận, việc nghệ sĩ kết hợp cùng nhãn hàng thì nghệ sĩ có lợi hơn rất nhiều, nhất là trong việc chạy truyền thông. Đặc biệt, nếu không có nhà tài trợ thì khó có nhiều MV hay, bởi không phải nghệ sĩ nào cũng có điều kiện để làm.

Ở một góc nhìn khác, anh Thanh Đường - đại diện truyền thông của Công ty Truyền thông Gia An phân tích, việc dùng MV của người nổi tiếng để làm truyền thông có nhiều rủi ro, trong đó rủi ro nhất chính là người nổi tiếng. Bởi lẽ, có thể xảy ra scandal mà chính nghệ sĩ cũng không lường trước được. Điều này làm ảnh hưởng hình ảnh của nghệ sĩ và nhãn hàng.

“Hiện tại, có nhiều nhãn hàng truyền thông bằng cách tài trợ cho MV nhưng ít đạt được hiệu quả, dù MV đạt vài triệu view khi phát hành. Có thể bởi giữa MV và nhãn hàng không liên quan với nhau về tính cách thương hiệu nên không tạo được sự liên kết chặt chẽ. Vậy nên thường chỉ MV đạt thành công dù nhãn hàng đổ rất nhiều tiền vào”, vị đại diện này cho hay.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.