Đời sống

Quảng Nam: Căng sức mở đường, giúp dân vùng sạt lở tái thiết cuộc sống

15/12/2020, 14:12
image

Chính quyền Quảng Nam tập trung lực lượng mở đường phá thế cô lập, giúp dân tái thiết cuộc sống sau những đợt thiên tai, mưa lũ tàn phá.

img

Phương tiện máy móc, nhân lực được huy động khắc phục tuyến đường ĐH4 nối xã Phước Công-Phước Lộc vào sáng 15/12

Căng sức mở đường phá thế độc đạo

Sáng 15/12, những phương tiện cơ giới hạng nặng, máy múc, máy xúc lật bắt đầu "xung trận" khơi thông tuyến đường ĐH4 nối trung tâm huyện lỵ Phước Sơn đi xã Phước Công-Phước Lộc nhằm phá thế độc đạo vào các vùng sạt lở ở các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc.

Đúng 8h30, mặc dù những cơn mưa phùn phủ kín rừng núi nhưng đồng loạt trên các mũi thi công, các phương tiện cấp tập triển khai vận hành, di chuyển đất đá, những mét đường được khơi thông, nhích dần tiến về phía trước.

Nhiệm vụ đặt ra cho lực lượng thi công khắc phục tuyến đường là phải hoàn thành, thông đường trước thời điểm Tết Dương lịch.

Để đạt mục tiêu đề ra, ngoài phương tiện, máy móc, thiết bị được huy động đưa vào hiện trường thực hiện nhiệm vụ phải đảm bảo, vận hành tốt, các thiết bị, vật tư, thiết bị dự phòng cũng được đưa ngay vào chân hiện trường công trình, sẵn sàng đáp ứng trong mọi tình huống.

Theo ông Vũ Thế Hiệp, Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng (UBND huyện Phước Sơn, Quảng Nam), từ trước đến nay, chưa bao giờ đơn vị lại đảm nhận một nhiệm vụ đầy cam go như thế này.

Những cơn mưa vẫn không ngừng trút xuống tối trời, tối rừng núi. Khối lượng đất đát vùi lấp tuyến đường quá khủng khiếp. Gian nan, khó khăn nhất là trên tuyến có đến 5-6 điểm đứt đường. Địa thế thi công, khắc phục hiểm yếu. Những tình huống rủi ro, bất thường có thể xảy ra, khó lường...

"Nói như vậy, không phải chúng tôi ngại khó, ngại khổ, mà để khẳng định rằng, chúng tôi luôn sẵn sàng mọi phương án thông đường sớm nhất có thể.

Hiện nay, mọi phương tiện, máy móc, nhân lực đã được huy động tối đa, bố trí các mũi thi công trên toàn tuyến ĐH4. Mở thông tuyến đường càng sớm bao nhiêu, công tác giúp dân tái thiết cuộc sống sớm bấy nhiêu", ông Hiệp chia sẻ.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, sau những đợt mưa lũ, sạt lở núi, các tuyến đường ĐH1, ĐH2, ĐH4 từ trung tân huyện Phước Sơn đi các xã Phước Công, Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc bị tàn phá nặng nề.

Các tuyến đường, công trình cầu cống gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Hiện tuyến đường ĐH1, ĐH2 đã cơ bản thông tuyến bước 1 và được UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo phương án khắc phục theo chủ trương công trình khấp cấp.

Tuy nhiên, tuyến đường ĐH4, nối xã Phước Công đi xã Phước Lộc dài khoảng 10km hiện vẫn chưa được khắc phục, thông tuyến.

"Cho nên việc UBND tỉnh Quảng Nam giao nhiệm vụ cho UBND huyện Phước Sơn bằng mọi giá phải thông tuyến bước 1 tuyến đường ĐH4 vào xã Phước Lộc vào thời điểm trước Tết Dương lịch.

Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuyến đường được khơi thông sẽ phá thế độc đạo vào xã Phước Lộc, vào vùng sạt lở tìm kiếm 4 người dân đang mất tích.

Đặc biệt, đảm bảo công tác vận chuyển, tiếp tế, hỗ trợ, giúp dân vùng sạt lở sớm tái thiết cuộc sống, đồng thời là phương án đảm bảo kết nối giao thông phòng khi có tình huống xảy ra", ông Bửu nhấn mạnh.

img

Hàng chục hộ dân ở xã Phước Lộc mất trắng tài sản, nhà cửa phải ở nhờ trong các nhà tạm

Nỗ lực giúp dân tái thiết cuộc sống

Theo lãnh đạo các xã Phước Thành, Phước Lộc (huyện Phước Sơn), vấn đề cấp thiết và quan trọng nhất đối với người dân hiện nay là đường giao thông được đảm bảo, sớm được ổn định nhà cửa.

Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết: Trong đợt mưa lũ, sạt lở liên tiếp xảy ra, toàn xã Phước Thành có 49 căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn, cộng thêm 55 căn nhà khác hư hỏng một phần.

Hiện có hơn 100 gia đình ở xã này phải sống tạm. Trong những ngày bị cô lập vì giao thông bị chia cắt, xã đã khẩn trương dựng 27 nhà tạm cho dân.

"Sau khi tuyến đường ĐH1, ĐH2 được thông bước 1, ngoài số lượng dự trữ do chính quyền cung cấp tại chỗ, người dân được tiếp nhận thêm lương thực, thực phẩm, hàng cứu trợ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân từ thiện, đến nay, về cơ bản người dân đủ ăn, đủ mặc. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là công tác an cư lâu dài, ổn định cuộc sống cho người dân", ông Phức cho hay.

Theo ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, hiện nay các khu nhà tạm vẫn được chính quyền xã Phước Lộc duy trì cho người dân mất nhà trong các đợt thiên tai tá túc. Căn nhà tạm nằm trong khuôn viên trụ sở UBND xã vẫn tiếp tục được sử dụng cho hơn 50 người của thôn 3 (thôn 5A cũ).

"Sau hơn 1 tháng giúp dân ổn định cuộc sống, đến nay, vấn đề mà chính quyền địa phương dồn sức thực hiện là khảo sát, xây dựng mặt bằng tái định cư cho hơn 50 hộ dân bị mất nhà do đất đá vùi lấp và khẩn trương tìm kiếm 4 người dân còn mất tích.

Những khó khăn, thách thức còn ở phía trước, nhưng với những khả năng của mình, chính quyền địa phương đang có những phương án giúp dân tái thiết cuộc sống, nhằm đảm bảo giải pháp căn cơ trong phát triển kinh tế", ông Thoại bày tỏ.

Video: Ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc chia sẻ về hậu quả mưa lũ, sạt lở đất đá gây ra ở Phước Lộc

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.