Hạ tầng

Quảng Nam cấp thiết đầu tư 3 dự án giao thông lớn, kết nối nội vùng

14/03/2021, 13:26

Khi công trình dự án hoàn thành sẽ hiện thực hóa bước đột phá kết nối hạ tầng giao thông, động lực phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Nam.

img

Hình ảnh tổng thể 3 dự án

Sáng 14/3, trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Sở GTVT Quảng Nam cho biết, tỉnh đang tập trung các bước để có thể sớm được HĐND thông qua, xây dựng 3 dự án đường nối QL14H đi QL14B và cầu Phú Thuận, cầu Văn Ly và đường dẫn, đường vành đai phía bắc Quảng Nam sẽ được triển khai trong năm 2021.

Đây là những công trình kết nối liên vùng 3 địa phương huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn và cả tỉnh Quảng Nam, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và là một trong những bước đi cần thiết nhằm hiện thực hóa nhiệm vụ đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ cho tỉnh Quảng Nam.

Nói về tầm quan trọng của các dự án cầu đường này, ông Trần Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho biết: Tuyến đường ĐT.610B có chiều dài 14,8m, là trục giao thông chính từ QL1 (tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) đến các xã khu vực Gò Nổi, thị xã Điện Bàn. Hướng tuyến có thể đi tiếp về phía Tây nối vào ĐT.609C tại ngã ba giao giữa ĐT.609B với ĐT.609C, và đi về phía Đông nối vào ĐT.605 tại ngã ba giao giữa ĐT.609 với ĐT.605.

"Tuy nhiên, do có sông Thu Bồn chạy qua khu vực, cho nên, các hướng tuyến này chưa thể kết nối được. Chủ trương đề xuất kéo dài tuyến ĐT.610B bằng việc xây dựng cầu Văn Ly qua sông Thu Bồn và hai đường dẫn như đã nêu ở trên sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch của tỉnh Quảng Nam, nối thông các tuyến QL1, QL.14B, đường cao tốc, ĐT.605, ĐT.609, ĐT.609B, ĐT.609C và ĐT.610B nhằm cải thiện điều kiện đi lại, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Tây của tỉnh Quảng Nam", ông Thanh nhấn mạnh.

img

Ông Trần Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam báo cáo đề xuất và nêu tính cấp thiết đầu tư các công trình dự án với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường (thứ 3 bên trái ảnh) và đoàn khảo sát thực địa vào ngày 12/3.

Theo ông Thanh, đường vành đai phía Bắc tỉnh Quảng Nam có hướng Đông - Tây được quy hoạch nối từ đường ven biển ĐT.603B (Quảng Nam) đến QL.14B (Đà Nẵng), tổng chiều dài 18,7Km.

Trong đó, đoạn qua tỉnh Quảng Nam khoảng 17,5Km và đoạn qua thành phố Đà Nẵng (từ cầu vượt sông Yên đến QL.14B) khoảng 1,2Km. Đây là trục giao thông kết nối vùng Đông với vùng Tây ở khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Nam và cũng kết nối với TP. Đà Nẵng.

Cụ thể, về giao thông đường bộ, công trình sẽ kết nối với các trục giao thông quan trọng như ĐT.603B, ĐT.607, QL.1, ĐT.605 và QL.14B; kết nối các cụm, khu công nghiệp trong vùng như Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Cụm công nghiệp Trảng Nhật.

Còn về đường thủy nội địa, tuyến đường vượt qua các sông: Cổ Cò, Vĩnh Điện và Yên. Do vậy, có thể kết nối giao thông với các sông này thông qua hệ thống cảng thủy nội địa trong tương lại.

"Tuy nhiên, hiện trạng tuyến đường đoạn đầu từ ĐT.603B đến Cụm công nghiệp Trảng Nhật (dài 10,7km) còn một số đoạn đang triển khai xây dựng nằm xen kẽ với những đoạn đang khai thác, không đồng bộ và nhiều vị trí, khu vực chưa có đường kết nối.

Vì thế, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng đoạn còn lại của tuyến đường là cần thiết nhằm tạo ra tuyến đường giao thông thông suốt từ đường ven biển đến QL.14B, hoàn thiện trục đường theo Quy hoạch đã duyệt, thu hút đầu tư và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho khu vực", ông Thanh nhìn nhận.

Cùng theo ông Thanh, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đang thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, liên kết phát triển vùng, chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, do địa bàn rộng, các huyện miền núi có địa hình phức tạp, các huyện đồng bằng, trung du thuộc lưu vực hai sông Thu Bồn và Vu Gia hiện nay hạ tầng giao thông kết nối hai bên bờ còn thiếu nhiều nên khó khăn cho việc đi lại.

Trong đó, đoạn sông Thu Bồn qua các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn chỉ có cầu Giao Thủy và cầu Nông Sơn cách nhau theo đường bộ khoảng 18km và theo đường sông khoảng 23km. Vì vậy, trên đoạn tuyến còn nhiều bến đò ngang như: Trung Phước, Tịnh Yên, Bến Dầu, Phú Thuận, Mỹ An, Thuận Mỹ.

Các bến đò này là nơi qua lại chủ yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân bằng ghe, xuồng thô sơ, nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy và thực tế cũng đã xảy ra những vụ tai nạn chết người đầy thương tâm.

"Từ thực trạng nêu trên, việc nghiên cứu đầu tư hệ thống cầu qua sông Vu Gia, Thu Bồn và đường kết nối theo hướng Bắc Nam là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại, phục vụ sản xuất của nhân dân, từng bước xóa bỏ các bến đò ngang, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", ông Thanh đề xuất.

Để có cơ sở đề xuất đầu tư công 3 dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, ngày 12/3, ông Phan Việt Cường, Bí Thư Tỉnh Ủy Quảng Nam, cùng lãnh đạo chính quyền các địa phương, ngành, ban chuyên môn đã có chuyến khảo sát thực tế 3 dự án trong kế hoạch chuẩn bị đầu tư công năm 2021, gồm đường nối quốc lộ (QL) 14H đi QL14B và cầu Phú Thuận, cầu Văn Ly và đường dẫn, đường vành đai phía bắc Quảng Nam.

Kết thúc chuyến khảo sát, ông Phan Việt Cường cho biết, cuộc khảo sát, đánh giá lần này là bước đi đầu tiên và cần thiết để có cơ sở đề xuất đầu tư công 3 dự án trong giai đoạn 2021 - 2025. Nếu được HĐND tỉnh chấp thuận thông qua, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo lựa chọn nhà tư vấn có tâm, có tầm, nhất là phải tham vấn ý kiến cộng đồng, người cao tuổi tại địa phương để nắm chính xác mức độ lũ lụt trước đây, từ đó có thiết kế phù hợp, chất lượng.

Đồng thời, ông Phan Việt Cường chỉ đạo 3 địa phương phải quản lý chặt chẽ hiện trạng, tránh chuyện người dân nghe thông tin làm cầu, làm đường rồi xây dựng nhà trái phép… Bí thư Thị ủy, Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban chỉ đạo GPMB thi công công trình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.