Đưa nhiều mỏ cát trong quy hoạch ra khai thác?
Trước thực trạng doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khốn đốn vì giá cát quá cao, các sở ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành đơn giá tính thuế mới nhằm đưa giá cát về đúng thực tế.
Theo đó, sẽ đưa giá tính tiền thuế từ 230 nghìn/m3 xuống 150 nghìn đồng/m3.
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, kéo giảm giá cát về đúng như năm 2023 là rất cần thiết.
Do đó, sở quyết tâm bảo vệ quan điểm giảm tiền tính thuế và đây là biện pháp căn cơ để tạo sự cạnh tranh về giá cát tại mỏ cũng như các sản phẩm từ cát.
Song lãnh đạo Sở Tài chính Quảng Ngãi cho rằng nguyên tắc giảm giá tính thuế để kéo giảm giá cát chưa thể là giải pháp tốt nhất, bởi hình thái cung cầu trên thị trường mới quyết định thị trường cát như thế nào.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Luyện cho rằng, thuế tài nguyên là một trong những yếu tố cấu thành nên giá cát.
Tuy nhiên, thuế suất tài nguyên là 15% trên giá đóng thuế tài nguyên. Trước đây, chúng ta tính thuế ở mức 150 nghìn đồng/m3 và hiện nay đang tính ở mức 230 nghìn đồng/m3.
Với 15% thì từ 22 nghìn đồng lên 34 nghìn đồng/m3 để kết cấu vào cấu thành giá là không cao.
"Như vậy, nguyên nhân giá cát đấu giá các mỏ tăng cao là do cung cầu trên thị trường.
Hiện nay cát trên địa bàn tỉnh nhiều nhưng đấu giá các mỏ cát đưa ra thị trường chưa đủ lớn để đáp ứng yêu cầu, kể cả các công trình trọng điểm sử dụng vốn đầu tư công. Từ đó đẩy giá cát lên", ông Luyện nói.
Cũng theo ông Luyện, đối với mỏ đấu giá tính thuế tài nguyên thì giá kết cấu không lớn, nhưng trong phiên đấu giá hệ số K tính tiền thuế, các doanh nghiệp đấu tăng lên trên 100 lần, cá biệt có mỏ tăng 180 lần so với giá khởi điểm.
Từ đó, việc tính thuế tài nguyên đối với mỏ đấu giá tăng lên cao khiến doanh nghiệp bỏ mỏ hoặc có khai thác thì cũng phải bán với giá cao.
"Rõ ràng việc doanh nghiệp đấu giá mỏ cát cao thì ngân sách sẽ thu nhiều, nhưng cũng đồng nghĩa giá cát trên thị trường tăng", ông Luyện nói và cho rằng, giải pháp để hạ giá cát như đề xuất của các cơ quan khác là giảm giá tiền tính thuế tài nguyên cũng chưa chắc sẽ giảm được giá cát.
Nếu hệ số K tăng quá lớn trong các phiên đấu giá thì dù có hạ giá tính tiền thuế thì giá cấu thành của mỗi m3 cát tại mỏ vẫn cứ cao.
"Để hạ giá cát cần đồng bộ nhiều giải pháp. Đầu tiên là đáp ứng cung cầu bằng cách đưa nhiều mỏ cát trong quy hoạch vào khai thác.
Tiếp đến là kiểm soát giá trong quá trình khai thác cát tại các mỏ", ông Luyện kiến nghị.
Kiểm soát chặt vận hành từng mỏ cát, triệt tiêu cát tặc
Tại buổi họp báo quý III/2024 vào chiều 18/10 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho rằng đề xuất kéo giảm giá cát, đưa giá cát về đúng thực tế là rất cần thiết.
Ông Tuấn lưu ý Sở TN&MT đẩy mạnh các giải pháp, tham mưu UBDN tỉnh trong việc tổ chức bán đấu giá các mỏ cát trên các sông lớn nằm trong quy hoạch để đưa ra khai thác nhằm đáp ứng nguồn cung trên thị trường.
Khi nguồn cung lớn, cầu ở mức vừa thì thì ắt các chủ mỏ phải cạnh tranh giá bán. Từ đó, góp phần kéo giảm giá cát bán ra trên thị trường.
Một chuyên gia về khoáng sản cho rằng, cách tốt nhất để kéo giảm giá cát trên thị trường ngoài đẩy mạnh việc đấu giá mỏ cát, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đưa nhóm mỏ mới được cấp phép để đi vào khai thác thì cần siết chặt công tác quản lý đầu ra, đầu vào của mỏ.
"Cát xây dựng cũng là một mặt hàng trên thị trường và tăng giảm theo cung cầu.
Song, đây là tài nguyên khoáng sản và tiêu thụ nhiều nhất vẫn là các dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách, đặc biệt là về giao thông.
Do đó, cơ quan chức năng cần có giải pháp để tạo nguồn cung dồi dào, đáp ứng yêu cầu xây dựng, khi đó giá cát ắt sẽ tự giảm", vị này nói.
Trong khi đó, một nguyên lãnh đạo Sở TN&MT đã nghỉ hưu cho rằng muốn kéo giảm giá cát trên thị trường, cần thiết nhất là công tác tham mưu, quản lý nhà nước phải kịp thời, tròn vai trong bối cảnh thị trường giá diễn biến phức tạp.
"Chúng ta phải làm việc với các chủ mỏ, xác định biên lợi nhuận phù hợp sau khi đã khấu trừ các chi phí. Đồng thời, tất cả mọi chi phí kê khai, hóa đơn chứng từ phải được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch.
Trong đó, chính quyền phải giữ vai trò quan trọng nhất trong điều hành, vận hành và giám sát giá khi phát hiện các mỏ bán giá cao hơn giá niêm yết, bán cát không xuất hóa đơn… thì kịp thời xử lý.
Bên cạnh đó, tỉnh cần giao cơ quan công an theo dõi kỹ diễn biến các phiên đấu giá mỏ cát để nắm thông tin, nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào như làm giá, thao túng thị trường... kịp thời ngăn chặn.
Có như vậy mới triệt tiêu được các sai phạm. Từ đó, thị trường cát sẽ vận hành ổn định lâu dài", vị cán bộ này nêu ý kiến.
Cũng theo vị lãnh đạo này, đối với các mỏ cát đã khai thác phải thường xuyên giám sát kỹ đầu ra của từng mỏ, nhất là tình trạng bán cát nhưng không xuất hóa đơn, vì bản chất cát không hóa đơn là cát lậu.
Nếu nguồn cát này bị tuồn ra sẽ khiến cho thị trường cát "hỗn loạn" và Nhà nước mất nguồn thu thuế.
Thêm nữa, cần giám sát, xử lý nghiêm hành vi khai thác cát lậu trên các sông suối. Có như vậy mới làm minh bạch thị trường cát xây dựng và kéo giảm được giá cát.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận