Xã hội

Quảng Ngãi mạnh tay tạm ứng tiền tỷ: Nhà thầu ôm tiền tỷ bỏ chạy

19/09/2022, 17:16

Tỉnh Quảng Ngãi “mạnh tay” tạm ứng cho nhà thầu thi công các dự án, nhưng nhà thầu không thi công như cam kết mà ôm tiền bỏ chạy.

Nhà thầu chấp nhận… đi tù

Theo hồ sơ phóng viên có được, năm 2010, huyện Tây Trà (nay là huyện Trà Bồng) quyết định đầu tư đường Trà Phong - Gò Rô - Trà Bung với tổng vốn đầu tư hơn 47 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 30a, nhằm tạo điều kiện cho 153 hộ dân ở 3 thôn Trà Bung, Trà Na và Trà Reo, xã Trà Phong có điều kiện đi lại dễ dàng hơn.

Theo đó, tuyến đường có chiều dài 6km được chia thành 2 gói thầu xây lắp, dự kiến hoàn thành từ tháng 12/2011. Trong đó, gói thầu số 8 do liên danh Công ty TNHH Thiên Vũ và Công ty TNHH Thương mại Đại Trung đảm nhiệm thi công với kinh phí trên 22,8 tỉ đồng. Riêng gói thầu do công ty Thiên Vũ đảm trách trị giá hơn 18,7 tỷ đồng.

img

Nhiều tuyến đường ở huyện miền núi Trà Bồng Sau khi nhà thầu "ôm tiền bỏ chạy", huyện phải vất vả "đòi nợ" nhưng sau 12 năm đến giờ vẫn chưa thể thu về được nghìn nào.

Ngay sau khi khởi công, huyện Tây Trà đã mạnh tay tạm ứng cho công ty Thiên Vũ hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn tập kết vật tư, máy móc thi công với khối lượng khoảng 30% giá trị gói thầu thì Công ty Thiên Vũ dừng thi công và ôm tiền tạm ứng bỏ chạy. 10 năm nay, huyện Tây Trà mòn mỏi đòi tiền tạm ứng nhưng vô vọng.

Cũng tại huyện Trà Bồng, vào thời điểm trên địa phương này đầu tư tuyến đường Trà Phong - Trà Ka nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông. Trong số các nhà thầu được ký hợp đồng thi công và chi tiền tạm ứng thì Công ty TNHH Hoàn Vũ được tạm ứng hơn 2,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó nhà thầu nhà “mất dạng”, bỏ lại dự án dang dở.

Theo UBND huyện Trà Bồng, sau sự việc nhà thầu “ôm tiền” bỏ chạy, địa phương đã tìm nhiều cách “đòi nợ” Thậm chí, huyện cử người đến địa chỉ đăng ký công ty của nhà thầu để “làm việc”, song nhà thầu không tiếp, thậm chí chấp nhận… đi tù vì không có khả năng thanh toán.

Đại diện UBND huyện Trà Bồng cho biết, các nhà thầu nợ tiền tạm ứng đa phần mất khả năng thanh toán, công ty phá sản và huyện cũng tìm mọi cách để "cứu vãn", song gần như bất lực. Huyện phải nhờ đến cơ quan công an, tòa án nhưng đến giờ công tác thu hồi nợ tạm ứng còn "khó hơn lên trời".

Tương tự, tại huyện miền núi Sơn Hà, năm 2008, địa phương này đầu tư tuyến đường Giá Gối - Mô Níc tại Quyết định số 1879/QĐ-UBND ngày 29/10/2008, với chiều dài 3,2km, tổng mức đầu tư 21,1 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách huyện và vốn hỗ trợ có mục tiêu theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Theo tài liệu phóng viên có được, ngày 15/10/2009, đại diện chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng xây dựng với nhà thầu là liên doanh các công ty Công ty CP Giao Thủy, Công ty TNHH Minh Tuấn và Công ty TNHH Thiên Vũ để thi công. Theo đó, để đảm bảo tiến độ dự án, huyện Sơn Hà đã mạnh tay chi tạm ứng cho các nhà thầu số tiền khoảng 70% tổng chi phí xây lắp.

img

Phương tiện cơ giới Công ty TNHH Thiên Vũ bỏ lại trên công trường dự án đường Giá Gối-Mô Níc (Ảnh chụp năm 2012)

Trong đó, Công ty TNHH Thiên Vũ trúng gói thầu trị giá hơn 5,5 tỷ đồng, thời gian thi công và hoàn thành công trình là 17 tháng kể từ ngày 1/11/2009. Sau khi ký hợp đồng, nhà thầu Thiên Vũ đã tạm ứng số tiền 2,92 tỷ đồng, tương đương hơn 53% giá trị hợp đồng.

Tuy nhiên, kịch bản cũ xảy ra khi nhà thầu này chỉ thi công khoảng 14,5% giá trị hợp đồng, tương ứng với 27% số tiền tạm ứng và mất dạng sau đó, bỏ lại công trường dang dở. Mãi đến hơn 2 năm sau, huyện Sơn Hà mới tìm được nguồn vốn khác để bù đắp vào khoản tạm ứng cho Công ty Thiên Vũ và tổ chức thi công công trình.

Để dự án không “chết yểu”, UBND huyện Sơn Hà đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Công ty Thiên Vũ thực hiện hợp đồng, nhưng nhà thầu này vẫn phớt lờ. 14 năm trôi qua việc đòi nợ vẫn như “mò kim đáy bể”.

Các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm!

Tương tự, năm 2009, huyện Ba Tơ khởi công dự án đường Ba Tơ - Ba Lế, với 4 gói thầu. Rêng gói thầu số 8 trị giá 6 tỉ đồng, do liên doanh Công ty TNHH Hưng Phát và Xí nghiệp xây dựng An Huy thi công.

Triển khai được sản lượng 740 triệu đồng, các nhà thầu trên có đơn gửi UBND huyện Ba Tơ xin tạm ứng số tiền 4,24 tỉ đồng, tương ứng 70% giá trị gói thầu, nhưng huyện Ba Tơ vẫn đồng ý duyệt chi tạm ứng. Chỉ thời gian ngắn sau khi nhận tiền tạm ứng, Công ty TNHH Hưng Phát không tổ chức thi công theo cam kết mà ôm số tiền tạm ứng “bỏ chạy”.

img

Tuyến đường Ba Tơ- Ba Lế do huyện Ba Tơ làm chủ đầu tư, đến nay sau 13 năm huyện vẫn chưa thể đòi được khoản nợ 3,5 tỷ đồng mà nhà thầu tạm ứng xong "bỏ chạy".

Theo UBND huyện Ba Tơ, sau hơn 10 năm “đòi nợ” bất thành, đoạn tuyến nhà thầu “bỏ lại” nhếch nhác, hư hỏng. Năm 2020 địa phương đã tìm nguồn vốn khác tổ chức thi công hoàn thành toàn đoạn tuyến còn lại. Đối với khoản nợ tạm ứng hơn 3,7 tỉ đồng, huyện xoay xở đủ cách để thu hồi nhưng đến giờ vẫn “chìm trong vô vọng”.

Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ngãi, tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ tạm ứng hơn 1.103 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tạm ứng quá hạn hơn 165 tỷ đồng. Riêng nợ tạm ứng quá hạn do vướng mắc cơ chế tái định cư hơn 33 tỷ đồng, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 115 tỷ đồng.

Đặc biệt là khoản nợ tạm ứng quá hạn khó đòi lên đến hơn 17,5 tỷ đồng (nợ do các Ban quản lý giải thể là 279 triệu đồng, nhà thầu phá sản gần 17 tỷ đồng và dự án hoãn không thực hiện hơn 350 triệu đồng).

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng, đối với các chủ đầu tư có dự án nợ tạm ứng quá hạn khó có khả năng thu hồi do Nhà thầu phá sản, dư nợ tạm ứng quá hạn đối với dự án do đình hoãn không thực hiện được; dư nợ tạm ứng quá hạn đối với dự án do Ban quản lý dự án giải thể… yêu cầu các Chủ đầu tư tổng hợp, đề xuất biện pháp thu hồi nợ quá hạn theo quy định của pháp luật.

Đối với dư nợ tạm ứng quá hạn, khó có khả năng thu hồi do Ban quản lý dự án giải thể, Kho bạc nhà nước Quảng Ngãi khẩn trương tiếp tục phối hợp với Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án rà soát, xác định rõ nguyên nhân, giải pháp cụ thể, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý thanh toán hoặc thu hồi dứt điểm để quyết toán dự án công trình.

img

Tính đến ngày 30/6/2022, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tổng dư nợ tạm ứng quá hạn khó đòi chủ yếu là các dự án giao thông lên đến hơn 17 tỷ đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi Phạm Hữu Thịnh, việc chậm thu hồi nợ tạm ứng quá hạn cho thấy các chủ đầu tư chưa tích cực trong việc thu hồi tiền tạm ứng. Đây là trách nhiệm của các chủ đầu tư, Kho bạc nhà nước tỉnh Quảng Ngãi.

Do đó, phải làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và tiếp tục đôn đốc hoàn tiền tạm ứng. Đối với Kho bạc nhà nước tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đôn thúc các chủ đầu tư thu hồi nợ.

Để sớm thu hồi số tiền tạm ứng quá hạn, nhất là đối với các khoản tạm ứng mà nhà thầu mất khả năng hoàn ứng, các cơ quan liên quan phải báo cáo cụ thể biện pháp xử lý. Đối với nợ quá hạn chưa thu hồi mà chưa xử lý đề nghị các chủ đầu tư khởi kiện nhà thầu ra tòa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.