Đấu bằng mọi giá rồi trả mỏ
Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đấu giá nhóm 5 mỏ cát làm vật liệu xây dựng với tổng trữ lượng dự báo hơn 415.000m3. Bốn doanh nghiệp được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận kết quả trúng đấu giá.
Ghi nhận tại các phiên đấu giá cho thấy, một số doanh nghiệp tham gia với ngưỡng rất cao, tăng từ 216 - 287% so với giá khởi điểm.
Tuy vậy, chỉ một thời gian ngắn sau đó, có đến 4/5 chủ mỏ đồng loạt xin trả mỏ với nhiều lý do. Cá biệt, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sao Việt cùng lúc xin trả cả hai mỏ cát ở huyện Tư Nghĩa.
Doanh nghiệp trả mỏ biện minh, cách tính tiền thuế mới quá cao khiến tiền cấp quyền đội lên. Song, Sở TN&MT Quảng Ngãi cho rằng, lý do đó không hợp lý, bởi các doanh nghiệp sau khi trúng đấu giá đã chậm trễ hoàn tất thủ tục và nộp thuế để được cấp quyền khai thác theo đơn giá cũ, đến khi có đơn giá mới lại lấy cớ trả mỏ.
Trước đó, Công ty TNHH Xây lắp và Thương mại Phú Cường cũng trả lại mỏ cát Xuân Đình (huyện Nghĩa Hành) với lý do trữ lượng cát thực tế quá ít so với dự báo. Song, qua kiểm tra, ngành chức năng Quảng Ngãi xác định trữ lượng cát ở mỏ cát Xuân Đình đúng như dự báo. Lý do Công ty Phú Cường đưa ra là không có cơ sở. Tỉnh Quảng Ngãi hủy kết quả trúng đấu giá, không hoàn trả số tiền 57 triệu đồng doanh nghiệp này đặt cọc.
Mỏ cát Ngân Giang (huyện Sơn Tịnh), theo hồ sơ trữ lượng dự báo khoảng 122.000m3, diện tích trên 6ha, giá khởi điểm hơn 839 triệu đồng. Mỏ cát này được đẩy giá lên 44,3 tỷ đồng, tăng gần 47 lần so với giá khởi điểm và Công ty CP Đầu tư và Phát triển TCH Quảng Ngãi được công nhận kết quả trúng đấu giá.
Thời gian ngắn sau phiên đấu giá, công ty này đã có đơn xin trả lại mỏ cát với lý do tài chính không đảm bảo.
Tăng mức đặt cọc lên tiền tỷ
Nhiều chuyên gia về khoáng sản cho rằng, những doanh nghiệp đấu trúng mỏ rồi chủ động trả mỏ cho thấy kẽ hở của pháp luật về đấu giá còn lớn.
"Bốn doanh nghiệp trả mỏ vừa qua mỗi đơn vị chỉ bị phạt 15 triệu đồng. Số tiền không thấm vào đâu trong khi lợi nhuận đằng sau trong trường hợp có mỏ cát gần đó hoặc đang độc quyền thị trường cát tại địa phương sẽ rất lớn", ông T.Đ.H, một chủ doanh nghiệp chuyên về khai thác cát trên địa bàn chia sẻ.
Theo đại diện Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, để minh bạch trong đấu giá mỏ khoáng sản và đưa vật liệu ra thị trường, chống tình trạng doanh nghiệp đấu giá rồi trả mỏ, tỉnh Quảng Ngãi đã nâng tiền đặt cọc lên mức 20% so với giá khởi điểm, tăng gấp nhiều lần so với trước đây.
Qua đó, nhiều mỏ cát sắp đưa ra đấu giá, doanh nghiệp muốn tham gia phải đóng tiền cọc vài trăm triệu đồng, thậm chí là cả tỷ đồng.
Đơn cử, mỏ cát thôn Diên Niên, huyện Sơn Tịnh có diện tích khai thác hơn 25ha, giá khởi điểm hơn 5,2 tỷ đồng. Trong quyết định phê duyệt giá khởi điểm, bước giá… tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu tiền đặt cọc hơn 1 tỷ đồng.
Hay mỏ cát thôn Xuân Phổ Đông, huyện Tư Nghĩa, có diện tích khai thác khoảng 22,7ha, giá khởi điểm gần 8 tỷ đồng và số tiền đặt cọc để đấu giá quyền khai thác gần 1,6 tỷ đồng.
Ngoài tăng tiền cọc, tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị xây dựng chế tài đối với các doanh nghiệp quyết nâng giá, đấu thắng rồi trả mỏ vì lý do không hợp lý.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành khoáng sản cho rằng, việc tăng tiền cọc các mỏ cát để đưa ra đấu giá sắp tới là cần thiết. "Việc họ làm hỏng các phiên đấu giá còn ngăn chặn nhiệm vụ đưa khoáng sản ra thị trường, làm thất thu nguồn thuế của Nhà nước", giám đốc một doanh nghiệp nói.
Vẫn cần giải pháp căn cơ
Theo Quyền giám đốc Sở TN&MT Quảng Ngãi Nguyễn Đức Trung, việc nâng tiền đặt cọc đối với doanh nghiệp tham gia đấu giá mỏ khoáng sản chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần phải có những giải pháp hữu hiệu.
Trong đó, cần điều chỉnh Luật Khoáng sản và Luật Đấu giá, có quy định cụ thể về phương pháp xác định khối lượng, chất lượng khoáng sản. Quy định rõ ràng hơn về thời gian thực hiện đấu giá, cấp phép và các tiêu chí cụ thể về năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp tham gia đấu giá… Từ đó, mới tạo sự công bằng và minh bạch trong đấu giá khoáng sản và triệt tiêu tình trạng đấu giá ảo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận