Xã hội

Quảng Ninh: Bế tắc dự án nạo vét luồng sông, ngư dân khốn khổ

12/08/2021, 06:52

Khi thủy triều cạn, ngư dân phải lội bộ vào cảng, thậm chí ngư dân gặp nạn trên biển phải vòng sang địa phương khác để đưa người đi cấp cứu.

Dù qua nhiều cuộc khảo sát, làm việc nhưng bao năm qua, dự án nạo vét luồng vào cảng Đầm Buôn trên sông Đầm Hà vẫn đang nằm... trên giấy, khiến ngư dân khốn khổ mỗi khi ra, vào cảng Đầm Buôn.

img

Do luồng vào hẹp lại bù bồi lắng, khu vực cảng Đầm Buôn chỉ có loại tàu, thuyền nhỏ ra, vào

Gặp nạn trên biển, không thể về bờ cấp cứu

Hầu hết vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án, công trình trên huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đều xuất phát từ cảng Đầm Buôn. Cảng cũng nằm ở vị trí khá kín gió, phù hợp với việc tránh, trú bão cho tàu thuyền của toàn huyện và một số địa phương lân cận.

Thế nhưng, do luồng sông Đầm Buôn bị bồi lắng từ nhiều năm nay không được nạo, vét, nên mỗi tháng tàu tải trọng lớn chỉ vào được cảng Đầm Buôn trong gần chục ngày khi nước cao.

Những tàu có thể vào được thì chủ phương tiện cũng lo ngay ngáy việc đâm va vào bãi bồi, mắc cạn hoặc gãy chân vịt... Năm nào cũng có hàng chục trường hợp tàu, thuyền vào cảng gặp nạn, nhẹ thì gãy bánh lái, nặng thì bục mũi, bục thân...

Anh Hoàng Xuân Thu (ở thôn Đầm Buôn, xã Đầm Hà) cho hay: “Nhà tôi làm nghề nuôi trồng thủy sản ngoài biển, hôm nào thủy triều cạn hoặc ngoài khu lồng bè có sự cố thì chỉ còn cách lội bộ gần 5 cây số vào cảng. Ngư dân đánh được hải sản tươi, vào đến cửa sông mắc cạn, chờ mất nửa ngày có nước lên mới vào được cảng thì hải sản đã ươn hết… Có lúc, ngư dân gặp nạn trên biển phải vòng sang địa phương khác để đưa người đi cấp cứu”.

Ông Phạm Văn Luận, ở thôn Đầm Buôn kể, cách đây hơn 1 tháng, một phụ nữ ở thôn cùng chồng ra biển thì trở dạ. Thuyền vội quay về cảng, nhưng đến cửa sông thì thủy triều rút, tàu mắc cạn, vậy là mấy người phải xúm vào cáng sản phụ lội bùn mấy cây số vào đất liền đưa đi viện.

“May còn kịp, chỉ chậm một chút nữa là cả mẹ lẫn con nguy cấp. Hay có người đang đánh bắt hải sản thì bị đau dạ dày cấp, đành phải dong thuyền mất mấy tiếng sang huyện Hải Hà đưa đi cấp cứu…”, ông Luận kể.

Ông Lê Văn Việt, Phó chủ tịch UBND xã Đầm Hà lo lắng, mùa mưa bão đang đến gần, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Đầm Hà và nhiều địa phương lân cận rất lo gặp nguy hiểm khi khó vào cảng Đầm Buôn tránh, trú bão. “Bà con mong lắm quyết sách của tỉnh để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân”, ông Việt cho hay.

Loay hoay giải pháp

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đào Biên Thùy, Phó chủ tịch Thường trực HĐND huyện Đầm Hà cho hay về vệc nạo vét luồng vào cảng vào Đầm Buôn, địa phương đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết.

Theo ông Thùy, luồng sông Đầm Hà dài 7km được công bố là luồng cấp IV, theo quy hoạch đến năm 2030 sẽ nâng cấp kỹ thuật luồng đạt cấp III. Dự kiến, dự án nạo vét là 4,735km có chiều rộng 60m, chiều sâu chạy tàu 2,7m. Khối lượng nạo vét theo dự kiến là trên 757.504m3, hình thức thực hiện dự án là xã hội hóa không sử dụng tiền ngân sách.

Hiện, việc thực hiện dự án gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: Việc xác định kinh phí nạo vét và đơn giá vật liệu thu hồi sản phẩm nạo vét khó thực hiện do thiếu quy định, hướng dẫn; Chưa xác định cụ thể về thanh toán phần chênh lệch giữa kinh phí nạo vét và giá trị sản phẩm thu hồi, nên trong trường hợp chi phí nạo vét lớn hơn giá trị thu hồi thì sẽ không hoàn vốn được cho nhà đầu tư...
Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh

Từ năm 2019 đến nay, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành nhiều khâu, nhiều bước để thực hiện dự án.

Theo phương án đã được thẩm định, thông qua thì vật liệu nạo vét được từ dự án sẽ đổ vào dự án hạ tầng KCN cảng biển Hải Hà của Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam.

Tuy nhiên, ngày 8/4/2020, Công ty Texhong Việt Nam có văn bản chỉ đồng ý tiếp nhận chất nạo vét là cát sông và sỏi - loại vật liệu có thể sử dụng san lấp mặt bằng KCN với giá cả hợp lý.

Tới ngày 17/6/2020, doanh nghiệp này lại có văn bản xin được miễn giảm chi phí vật liệu nạo vét phục vụ san lấp KCN. Với đề xuất này, sẽ không thể triển khai được dự án nạo vét luồng vào cảng Đầm Buôn theo hình thức xã hội hóa, bởi thực tiễn ở luồng này không chỉ có cát, đá, sỏi mà còn khá nhiều vật liệu khác.

Từ những vướng mắc trên, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo, đề nghị UBND tỉnh cho phép triển khai dự án như những dự án xã hội hóa thông thường.

Tức là, không xác định vị trí đổ chất thải nạo vét vào KCN cảng biển Hải Hà và phương án tiêu thụ sản phẩm nạo vét do nhà đầu tư trúng thầu thực hiện.

Còn theo ông Đào Biên Thùy, UBND huyện Đầm Hà đã có nhiều văn bản đề nghị giao cho địa phương triển khai dự án này để kêu gọi doanh nghiệp nạo vét bằng nguồn vốn ngoài ngân sách và tận thu sản phẩm. Nếu được giao, huyện sẽ chủ động tìm doanh nghiệp sớm triển khai được dự án.

Tuy nhiên, đến nay cơ quan có thẩm quyền của tỉnh chưa có văn bản chính thức để giao dự án, khiến luồng sông Đầm Hà vào cảng Đầm Buôn ngày càng tắc do bồi lắng.

Liên quan đến việc UBND huyện đề nghị giao phân cấp, ủy quyền cho địa phương triển khai dự án, ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho rằng, nếu làm được việc phân quyền thì việc triển khai dự án sẽ rất thuận lợi.

Tuy nhiên, Nghị định số 159/2018 của Chính phủ lại không có quy định cụ thể về việc phân cấp, ủy quyền cho địa phương thực hiện. Do đó, cơ quan chức năng của tỉnh chưa có căn cứ để tham mưu mà cần phải xin ý kiến Trung ương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.