Quảng Ninh: Lạ lùng thiết kế, thi công 2 tuyến đường ra xã đảo

02/05/2022, 06:31

Cứ mưa là sạt, trượt, rãnh thoát nước vừa nhỏ lại không đồng bộ, đổ thải xuống biển là hiện trạng về 2 tuyến đường ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh).

Mái taluy thường xuyên sạt trượt, rãnh thoát nước có cũng như không

Đầu tháng 4/2022, từ phản ánh của người dân địa phương về công trình giao thông trên đảo mới được đưa vào sử dụng nhưng xuất hiện nhiều bất cập trong thiết kế và thi công, PV Báo Giao thông đến xã Bản Sen, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh).

img

Đất đá bị trôi xuống biển trong quá trình thi công dự án đường bê tông ở xã Bản Sen

Trên tuyến đường bê tông từ cầu cảng vào thôn Nà Na – trung tâm của xã Bản Sen, PV đã được chứng kiến hàng loạt các đống đất, đá vừa mới được xúc, dọn sau trận mưa mấy hôm trước.

Anh tài xế xe ôm đưa PV vào xã Bản Sen than vãn: "Đường vừa mới đưa vào sử dụng mà đất, đá từ trên đồi, trên núi hễ cứ mưa to là đổ ập xuống".

img

Một điểm thường xuyên sạt lở khi mưa xuống nhưng chỉ được khắc phục bằng cách đắp đất

Quan sát tuyến đường, PV nhận thấy nhiều khu vực cần làm rãnh thoát nước dọc thì không làm, nhưng có chỗ không cần làm thì lại được làm khá "hoành tráng".

Điển hình, đoạn đường vượt qua đỉnh đồi vào thôn Nà Na xuyên qua ngọn đồi, 2 bên đầu có mái taluy rất cao, nhưng chỉ được làm bê tông một bên rãnh rọc, còn bên kia thì lại không làm bê tông, khiến đất, đá bị mưa lũ cuốn xuống làm ùn ứ một đoạn dài.

img

Người dân xã Bản Sen nghi vấn việc xử lý mái taluy kiểu này là không đúng thiết kế

Khi được hỏi về vấn đề đường cứ mưa là sạt lở gây cản trở giao thông, một cán bộ thôn Nà Na cho biết: "Từ lâu, bà con trong xã đã kiến nghị nhiều nội dung nghi vấn là thiết kế, thi công có vấn đề của dự án đường này. Nhất là các mái taluy dương, nếu mưa to là sẽ sạt lở nhưng chẳng ai quan tâm, xử lý".

img

Dù mái taluy cao, lưu lượng nước từ trên đổ xuống lớn, nhưng khu vực này, rãnh thoát nước chỉ được làm cho có

Trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông ngày 28/4, ông Vũ Quang Hưng, cán bộ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Vân Đồn cho biết: Tuyến đường này dài 12km, rộng 6,5km, mặt đường làm bê tông 20cm với tổng đầu tư trên 77 tỷ đồng.

Dự án được triển khai từ cuối năm 2018 và hoàn thành vào cuối năm 2020. Dự án do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại An thực hiện sau có điều chỉnh đến đầu tháng 3/2021.

img

Đơn vị thi công chỉ tiến hành bốc, xúc phần đất bị sạt xuống đường và không có giải pháp để đảm bảo mái taluy không tiếp tục sạt lở

"Cơ quan chức năng đã kiểm tra, việc thi công của doanh nghiệp là đúng thiết kế. Dự án cũng chưa được nghiệm thu và nhận bàn giao. Việc sau một số trận mưa lớn, mái taluy bị sạt lở, chủ đầu tư đã kiểm tra, yêu cầu đơn vị thi công khắc phục hoàn toàn thì mới nghiệm thu, nhận bàn giao công trình", ông Hưng khẳng định.

Đất thải dự án đổ thẳng đất xuống biển, xâm hại sinh kế của dân?

Người dân nơi đây cũng phản ánh về một tuyến đường khác cũng dài trên 12km ven biển qua thôn tái định cư mới rồi vòng về trung tâm thôn Nà Na đang được thi công.

img

Chất thải đổ thẳng xuống biển trong quá trình thi công đường không chỉ gây ô nhiễm môi trường khu vực nuôi trồng thủy sản mà còn ảnh hưởng nghiên trọng đến luồng vào cầu cảng Bản Sen

Qua quan sát của PV Báo Giao thộng, tại dự án đã đưa vào sử dụng này, không hiểu lý do gì, đơn vị thi công lại sử dụng phương tiện bốc, xúc đất đá tại những điểm bị sạt, trượt do mưa lũ rồi đổ thẳng xuống biển.

Đáng báo động là tại khu vực đang thi công tuyến đường qua khu vực tái định cư từ vùng "rốn lũ" năm 2015, cả một vùng rộng lớn đã bị đổ đất lấp xuống mép biển. Cách đó không xa là khu vực hàng ngàn mét vuông nuôi trồng thủy sản của bà con.

img

Một khu vực bãi triều rộng lớn vốn là nơi khai thác tự nhiên của người dân bị đất, đá thải nuốt trọn

Ông Thắng, người dân sống ở khu tái định cư xã Bản Sen cho hay: Người dân ra khu vực tái định cư này sinh sống, do không có đồng đất, nên một số hộ gia đình đã tận dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản, một số thì đánh bắt tự nhiên ở khu vực bãi triều.

"Vậy mà bây giờ, người ta đổ đất thẳng xuống biển như thế kia mà không có bờ kè, khi thủy triều lên đã cuốn đất, đá ra biển, ra bãi triều, khu vực bãi triều thì gần như bị đất san phẳng", ông Thắng cho hay.

img

Một phần diện tích đất rừng bị lấp kín do quá trình thi công

Mặc dù PV Báo Giao thông nhiều lần điện thoại, nhắn tin cho lãnh đạo doanh nghiệp thi công 2 tuyến đường này để phản ánh kiến nghị của bà con xã Bản Sen đều không thấy hồi âm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Quang Hưng cho biết: Sau khi cơ bản hoàn thành tuyến đường hơn 12km, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đại An tiếp tục được giao triển khai tuyến đường ven biển phía Bắc của xã. Tuyến đường này có tổng mức đầu tư trên 90 tỷ đồng được triển khai từ năm 2020 và dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2022.

"Việc đổ đất ra biển ở khu vực tái định cư là do một hộ dân làm đơn đề nghị chính quyền cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất do khu vực này trũng, canh tác khó khăn…", ông Hưng lý giải.

img

Đất đá, vật liệu được đổ lấn ra biển hưng không có bờ kè, nguy cơ làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi trồng thủy sản

"Đơn vị cũng đã nhận được phản ánh của người dân về vấn đề đơn vị thi công đổ đất ra biển nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường vùng nuôi trồng thủy sản, bãi triều khai thác tự nhiên. Tới đây, chúng tôi sẽ kiểm tra, yêu cầu đơn vị thi phải thực hiện theo phương án thi công đã được phê duyệt…", ông Hưng nói.

PV Báo Giao thông cũng đã liên lạc với lãnh đạo huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) về các nội dung kiến nghị của nhân dân xã Bản Sen thì được một vị Phó Chủ tịch UBND huyện trả lời sẽ cho kiểm tra, xử lý ngay nếu có vi phạm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.