Xã hội

Quảng Ninh: Tàu cá bất an ở nơi tránh, trú bão trăm tỷ

15/04/2021, 06:56

Cả khu vực dự án chỉ có một tòa nhà nằm nép bên một góc, còn lại là cỏ mọc um tùm. Không ít hạng mục tại khu vực mặt cảng đã xuống cấp.

img

Khu vực quy hoạch để triển khai các dịch vụ hiện vẫn bỏ hoang sau nhiều năm đi vào hoạt động

Với mức đầu tư gần 500 tỷ đồng và đã đi vào hoạt động gần chục năm nay, song dự án Khu neo đậu tránh, trú bão và Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc bộ (huyện Cô Tô, Quảng Ninh) lại... chưa được cấp phép hoạt động. Nhiều hạng mục của dự án xuống cấp, bị bỏ hoang gây lãng phí.

Xuống cấp trầm trọng

Đứng ở mỏm đồi cao, ông Ng.V.V. (ở xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô) làm nghề xe ôm, thở dài: “Hồi nghe quy mô dự án, bà con trong huyện ai cũng phấn khởi nghĩ đến cảnh trên bến, dưới thuyền tấp nập.

Bởi trước đây, mỗi khi cần nhu yếu phẩm hay tiêu thụ sản phẩm, hầu hết các phương tiện phải vào sâu khu vực TP Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn. Thế nhưng, sau nhiều năm đi vào hoạt động, khu vực mặt cảng vốn dành để làm hệ thống dịch vụ cung ứng nhu yếu phẩm, xăng dầu cho tàu của ngư dân vẫn để không, cỏ mọc um tùm”.

Theo ghi nhận, cả khu vực dự án chỉ có một tòa nhà nằm nép bên một góc, còn lại là cỏ mọc um tùm. Không ít hạng mục tại khu vực mặt cảng đã xuống cấp.

Ngay ở gần khu vực bờ kè chắn sóng, nhiều chỗ hệ thống thoát nước đã xuống cấp, đất đá dồn ứ dòng chảy. Tại một số điểm, nắp kênh thoát nước đã bị vỡ hoặc bong tróc. Khu vực bờ kè vùng mặt nước tiếp giáp với đường ra mặt cảng phía ngoài bị sạt lở nhiều vị trí.

Bờ kè nơi tàu vào neo đậu dựng đứng, không có hộ lan. Khi sóng to, tàu cặp vào đã khó, nhưng người từ tàu lên mặt cảng càng khó khăn, nguy hiểm hơn. Dù là khu vực cảng để tránh, trú bão, nhưng hiện một số hộ làm lồng bè để nuôi trồng thủy sản gây cản trở cho phương tiện ra, vào cảng.

Theo tìm hiểu của PV, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc bộ trên đảo Cô Tô sẽ dành khoảng 11ha cho các tổ chức, cá nhân triển khai đầu tư xây dựng nhà xưởng, phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá. Thế nhưng, hiện tại khu vực này đang bị để hoang, còn khu neo đậu, tránh, trú bão thì cứ hễ có gió to là các phương tiện lại được... vận động di dời.

Đầu tư hàng trăm tỷ vẫn... không an toàn

img

Mỗi khi có mưa, bão lớn, lực lượng chức năng huyện Cô Tô đều phải vận động ngư dân di dời đến nơi an toàn

Theo UBND huyện Cô Tô, dự án Khu neo đậu tránh, trú bão và Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc bộ giai đoạn I tại huyện đảo Cô Tô được khởi công từ năm 2009, thực hiện trong 5 năm. Tổng mức đầu tư của dự án là 466,73 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn.

Năm 2012, giai đoạn I của dự án được hoàn thành, gồm: Khu neo đậu, tránh, trú cho các tàu khai thác thủy hải sản tại ngư trường Bắc Vịnh Bắc bộ. Đến cuối năm 2015, giai đoạn II của dự án tiếp tục được triển khai, với khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá, san tôn nền, hệ thống đường giao thông, thoát nước mặt, thu gom và bể xử lý nước thải, cấp nước, sân bãi tập kết, cấp điện; khu nhà quản lý, điều hành... Giai đoạn II này đi vào hoạt động cách đây gần 4 năm.

Dù được đầu tư với mục đích dành cho việc tránh, trú bão, thế nhưng, hiện nay mỗi khi có sóng to, gió lớn là cơ quan chức năng địa phương lại phải xuống vận động ngư dân đưa phương tiện đi nơi khác tránh, trú để... đảm bảo an toàn (?)

Vừa chằng lại dây neo tránh bão bị đứt, anh Vũ Văn Đông (trú tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) vừa cho hay: “Chúng tôi làm nghề khai thác thủy quanh vùng biển Cô Tô nhiều năm nay, nhưng khi mưa, bão chưa bao giờ vào khu vực này neo đậu. Sáng nay thấy trời yên, biển lặng mới rẽ vào định mua ít vật tư chuẩn bị cho chuyến đi mới. Chưa kịp lên bờ thì tàu đã bị sóng đánh làm đứt dây neo”.

Theo anh Đông, việc thiết kế khu vực tránh, trú bão cho phương tiện tại đây rất nhiều bất cập. Điển hình khu vực bờ kè lại xây hình chữ “U” quay ra hướng biển. “Thiết kế như vậy khác gì tạo cái phễu để sóng, gió từ ngoài ập vào, càng nguy hiểm hơn cho tàu thuyền neo đậu trong cảng”, anh Đông nói.

Đặc biệt, theo anh Đông, hệ thống phao đặt khu vực mặt nước thiết kế quá dày, chỉ cần có phương tiện neo đậu vào các phao tại đây thì sẽ không có tàu nào vào được khu vực phía trong.

Còn anh Hoàng Văn Hanh, quê ở xã Tiến Tới, huyện Hải Hà, chủ một phương tiện vỏ gỗ thì cho hay: “Xây dựng kè chắn sóng mà lại không khóa gọng từ 2 phía. Làm như vậy khác gì tạo luồng chảy xiết vào khu vực mặt nước cảng. Do không an toàn, nên cứ sóng to, gió lớn là chúng tôi phải đưa phương tiện đi nơi khác tránh, trú”.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Thành, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Cô Tô cũng cho biết: “Cứ mỗi khi có mưa, bão đổ về, lực lượng chức năng đều phải xuống từng tàu vận động bà con di chuyển. Cũng may là đến thời điểm này, tại đây chưa xảy ra vụ việc mất an toàn nghiêm trọng”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về hiện trạng Khu neo đậu tránh, trú bão và Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc bộ, ông Đặng Quang Ngạn, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cô Tô thừa nhận, từ khi đi vào hoạt động đến nay do còn nhiều bất cập, hạn chế, nên cảng vẫn chưa được cấp phép hoạt động. Hiện, huyện đang phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh khảo sát, đánh giá và tiếp tục đầu tư thêm các hạng mục và đề nghị cấp phép hoạt động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.