Hạ tầng

Quảng Ninh: Tràn lan cầu cảng tự phát, bến không phép

24/05/2021, 08:08

Những cầu cảng tự phát tồn tại nhiều năm nay tại huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh. Ngay cả các cảng bến được cấp phép cũng đều đã quá tải, xuống cấp.

img

Cầu cảng tự phát tại Cô Tô được làm bằng gỗ chông chênh, nguy hiểm khi lên xuống

Cầu cảng ở bến Bắc Vàng (xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô) làm bằng gỗ, nối từ bờ biển vươn ra mặt biển. Bề mặt cầu gỗ rộng chừng hơn 2m, dài vài trăm mét, gỗ ván ghép sơ sài cũ kỹ, nếu không cẩn thận rất dễ ngã xuống biển.

Đáng lo hơn là ở khu vực lên xuống tàu, thuyền ở ngoài đầu cầu cảng này chỉ được thiết kế bằng những chiếc cầu thang tạm dựng đứng, dài tới vài mét, nhưng không hề có lan can. Ở bậc cặp mạn tàu thuyền của chiếc cầu cảng, nhiều chỗ gỗ đã mục thủng...

Thấy PV, 2 người đàn ông đen nhẻm ngồi trên chiếc thuyền máy bé tẻo teo hỏi với lên: “Anh có sang Cô Tô con không, đi về giá chỉ 200 nghìn đồng thôi. Nếu muốn đi đò an toàn thì phải mất 700 nghìn đồng/chuyến cả đi lẫn về”.

Bác tài xế xe ôm tên T. nhà ở thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến cho biết, xã Đồng Tiến có nhiều bãi biển rất đẹp lại có rừng phi lao vài chục năm tuổi. Cô Tô ngày càng có nhiều khách du lịch biết đến, nhiều hôm đông nghịt bãi biển. Chiếc cầu cảng ở Bắc Vàn được dựng lên từ vài năm trước, phục vụ cho người sang đảo Cô Tô con, mỗi khách leo lên phải mất 10.000 đồng.

“Giờ đang Covid-19 nên Cô Tô vắng, chứ bình thường người đông lắm, mà cứ mỗi người trèo lên cái cầu để đi xuống thuyền, tàu sang Cô Tô con đều mất tiền. Nhưng đây là cầu cảng tự phát, dân tự làm để kinh doanh...”, ông T. nói.

Trao đổi với PV qua điện thoại, một người xưng là giám đốc một doanh nghiệp ở Cô Tô, là chủ của chiếc cầu cảng gỗ ở Bắc Vàn bộc bạch: “Hai năm trước, chúng tôi xây cầu cảng này với số tiền vài tỷ đồng để phục vụ phát triển du lịch.

Hiện doanh nghiệp phải sử dụng 5 người quản lý, thu phí với số tiền gần 10 triệu đồng/người/tháng. Thu chả đủ chi, chúng tôi cũng đang cân đối lại việc duy trì cây cầu”.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Phòng Kết cấu hạ tầng và ATGT, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến thời điểm hiện tại, đây là công trình tạm, không đảm bảo an toàn theo quy định. Do vậy, bến này không được Sở GTVT cấp phép.

Dù phương tiện và nhu cầu tham gia giao thông thuỷ phong phú, nhưng với 7 cảng bến hiện có ở Cô Tô thì chỉ có 3 cảng bến được cấp phép hoạt động, còn lại là hoạt động không phép.

Và ngay cả các cảng bến được cấp phép hoạt động cũng đều đã quá tải, xuống cấp. Ví như cảng Cô Tô ở thị trấn Cô Tô được đầu tư xây dựng từ năm 1996, hoàn thành năm 1998, đến nay nhiều lan can lên xuống phương tiện đã bị gãy, hỏng; mặt nước cảng bị bồi lắng, khi thủy triều xuống rất khó cho phương tiện ra, vào.

4 bến chưa được cấp phép hoạt động gồm: Bến cập tàu loại công suất 600CV tại Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc bộ, bến đò Cô Tô - Thanh Lân; bến Bắc Vàn - Cô Tô con (hiện chưa được đầu tư xây dựng) và Bến Vụng Tây Đảo Trần.

Một lãnh đạo huyện Cô Tô xác nhận, hệ thống cảng, bến, luồng tuyến thuỷ trên địa bàn đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do các cảng, bến này được đầu tư từ quá lâu, đã xuống cấp và hầu như không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.

“Huyện đang đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh sớm xem xét có kinh phí để hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng, bến trên địa bàn. Đồng thời huyện cũng sẽ chấn chỉnh, yêu cầu các cảng bến đảm bảo đúng quy định, ATGT”, vị lãnh đạo cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.