Thị trường

Quất cảnh chơi Tết giá chục triệu đồng vẫn “cháy” hàng

27/01/2021, 06:43

Có cây quất giá bán lên tới hàng chục triệu đồng nhưng không phải ai có tiền cũng có thể mua được.

img

Tác phẩm cây quất cảnh ghép lũa “An Nhiên tự tại” của vườn quất Xuân Lộc

“Thổi hồn” để nâng tầm giá trị cây

Những ngày cận Tết, bãi quất cảnh Tứ Liên (làng nghề truyền thống Tứ Liên), nằm cuối ngõ 172 đường Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội trở nên tấp nập. Bất kể trời đông rét còn 9 - 10 độ, giữa bãi trồng quất hơn 400ha vàng rộ, hàng trăm nghệ nhân đang hăng say tô điểm cho những “đứa con tinh thần” của mình.

Trên những con đường đất bụi bặm, ngoằn ngoèo, những chiếc xe ba gác tự chế nối đuôi nhau chở quất về vườn, trại đã được quây kín sẵn bằng rào thép mắt cáo B40. Tại đây, cây sẽ được những nghệ nhân trau chuốt, uốn nắn cẩn thận trước khi đưa ra thị trường, phục vụ người dân đón Tết.

PV Báo Giao thông có mặt tại vườn quất Xuân Lộc của gia đình chị Ngô Trang - một trong những hộ được nhiều người trồng quất trong phường đánh giá là điển hình trong gìn giữ cây quất truyền thống và cũng là một trong những hộ áp dụng thành công cây quất tiểu cảnh, ghép lũa, nâng tầm giá trị cây quất Tứ Liên.

Trao đổi với PV, chị Trang cho biết đã gắn bó với nghề trồng quất hơn chục năm. Hiện tại, vườn trại của chị có khoảng hơn 1.000 gốc, chủ yếu là quất bon sai. Quất ghép lũa là một trong những sản phẩm mới, độc đáo, thu hút sự quan tâm của thị trường và đang mang lại giá trị kinh tế cao nhất.

Ghi nhận trong vườn nhà chị Trang, những cây quất được kết hợp với gỗ lũa trở thành những sản phẩm có một không hai. Như tác phẩm “An Nhiên tự tại”, trên chiếc ang dài khoảng 80cm, cây quất cao khoảng 50cm, được uốn tán xòe rộng.

Mẩu gỗ lũa hình dáng khù khoằm, rêu phong được ốp vào làm thân. Dưới gốc là tượng một ông cụ ngồi đọc sách. “Tác phẩm” này làm người xem liên tưởng hình ảnh một ông già an nhiên tự tại ngồi đọc sách dưới gốc cây đa cổ thụ, ở ngôi làng bình dị với cây đa, giếng nước, sân đình…

Hay với “tác phẩm” Khổng tước, cây quất tạo hình hai chú chim công đang xòe đuôi khoe sắc, biểu tượng của tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng bền chặt mà son sắt thủy chung...

Theo chị Trang, mỗi tác phẩm đều được lên ý tưởng và uốn nắn ngay từ khi cây chưa lớn. Công thức thì giống nhau nhưng giá trị mỗi tác phẩm phụ thuộc vào ý tưởng cũng như mức độ tỉ mẩn, kỹ thuật, nghệ thuật.

Chị Trang cho biết: Những cây quất bon sai bình thường có giá bán từ 900 nghìn đến 1,6 triệu đồng/cây. Riêng đối với quất ghép lũa thì có những cây lên tới 60 triệu đồng tại vườn. Tuy nhiên, số lượng hàng này không nhiều và hiện nay cũng không còn. “Chúng tôi phải luôn nghĩ, tìm kiếm ý tưởng mới mẻ để cho ra đời những tác phẩm “độc”, đẹp mà vẫn phải gần gũi với thị hiếu, thẩm mỹ của khách hàng”, chị Trang chia sẻ.

“Bán chất xám chứ không đơn thuần bán quất”

Là cán bộ UBND phường Tứ Liên và cũng là một trong những người đi đầu trong trồng quất bon sai, anh Bùi Thế Mạnh, chủ vườn quất Thế Mạnh vui vẻ kể, trước kia, người dân Tứ Liên 100% là trồng quất đất.

Từ năm 2005 đến nay, 100% hộ trồng quất chuyển sang trồng quất bon sai trong bình, lọ. Quất trồng đất vẫn còn nhưng tỷ lệ nhỏ, chiếm khoảng 15% diện tích trồng trong làng.

“Quất trồng trong bình, lọ kiểu bon sai lãi hơn nhiều so với trồng trực tiếp dưới đất. Trước kia, mỗi sào chỉ trồng được khoảng 200 gốc. Nhưng trồng bon sai, kê thành hàng, thành tầng có thể được 400 - 500 gốc. Giống quất trồng trực tiếp dưới đất có giá cao hơn, khoảng 100 - 150 nghìn đồng/cây, trong khi đó cây quất trong bình chỉ khoảng 50 - 60 nghìn đồng/cây. Cây quất bình thường bỏ ra khoảng 100 - 150 nghìn đồng thì sau một năm bán được giá khoảng 300 - 400 nghìn. Còn quất bon sai trong lọ thì lãi hơn từ 10 - 15%. Cây ghép lũa lại lãi hơn nhiều, có những cây đẹp, “độc”, tốn công giá bán lên tới cả chục triệu”, anh Mạnh chia sẻ.

Chia sẻ về việc chọn hướng kinh doanh dòng quất bon sai, quất lũa, chị Trang nhớ lại, thời gian đầu, vợ chồng chị không có kinh nghiệm nên mất rất nhiều công sức.

Chấp nhận “mang tiếng” nhập củi về nhà để trang hoàng cho những tác phẩm của mình, chị Trang tự hào rằng đó là sự sáng tạo ra sản phẩm bằng chất xám, bán chính chất xám của mình chứ không đơn thuần là bán quất cảnh. Đến nay, những tác phẩm của anh chị được thị trường đón nhận và không giới hạn địa bàn, dù không quảng cáo như những sản phẩm khác.

Tuy nhiên, anh Bùi Thế Mạnh cũng chia sẻ, đằng sau những tác phẩm đẹp xuất ra thị trường, công chăm sóc, uốn nắn mới chỉ đạt 20% giá trị, 80% quyết định lợi nhuận từ cây quất lại phụ thuộc vào “ông trời”.

“Như vào mùa khô tháng tư, tháng 5, người trồng quất cực kỳ vất vả. 7h sáng tưới tắm, 11h trưa nóng cây đã héo. Không ít người làm bị say nắng, sốc nhiệt. Mùa lạnh như thế này lại phải che chắn, tưới tắm từng cây, không có thời gian nghỉ ngơi. Cùng với đó, thị trường cũng đang dần bão hòa. Giờ không chỉ có Tứ Liên, nhiều các vùng khác họ cũng trồng quất, cạnh tranh như Văn Giang, Yên Sở, Mễ Sở”, anh Mạnh nói.

Tuy nhiên, anh Mạnh vẫn tin tưởng, với truyền thống làng nghề và tinh thần không ngừng học hỏi, người Tứ Liên vẫn luôn duy trì, gìn giữ và phát triển được sản vật “trời phú” của mình.

Bà Ngô Thị Ngà, Chủ tịch Hội Làng nghề phường Tứ Liên cho biết, với địa hình gần sông Hồng, quất Tứ Liên luôn đạt tiêu chuẩn, lá xanh, quả xanh, có lộc, có hoa. Gần đây, chính quyền địa phương đã hỗ trợ thiết kế logo, hỗ trợ vay vốn, tổ chức giới thiệu sản phẩm, giá trị cây quất được nâng tầm, từ đó thu nhập của người dân cũng dần được nâng cao.

Theo UBND phường Tứ Liên, trên địa bàn phường có hơn 400 hộ trồng quất cảnh và hoa màu các loại. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của phường là 83,3 tỷ đồng và tăng 96,4% vào năm 2019. Thu nhập bình quân của các hộ gia đình làm nghề trồng quất cảnh đạt 80 - 150 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với thu nhập chung của người trồng rau, hoa màu các loại (chỉ đạt 40 - 50 triệu đồng/năm). Mỗi năm, làng nghề đã xuất ra thị trường trên 135.000 cây quất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.