Xem - ăn - chơi

Quê ngoại

16/12/2018, 06:25

Không biết tự bao giờ cu Phong đã biết thở dài, lòng nặng trĩu.

35

Ảnh minh họa

Cu Phong khệ nệ bưng rổ khoai để lên trên giàn bếp kẻo nước mưa thấm vào làm khoai nảy mầm. Ngoài trời mưa rả rích, từng đợt gió hất nước mưa xạc xào mái lá. Vừa lúc sáng trời hãy còn hanh nắng, bầu trời trong veo, thế mà đến chiều trời bỗng đổ mưa. Thảo nào hồi trưa cu Phong đi ra đầu làng mua thuốc cho bà, trên đường đi cu Phong trông thấy đàn mối bay ra khỏi tổ lòa xòa trên tán cây. Ngoại nói: Mối bay ra khỏi tổ thì trời đổ mưa to. Đó là kinh nghiệm đoán thời tiết mà người xưa truyền lại cho thế hệ sau này, không biết trúng bao nhiêu phần trăm mà chiều nay miền quê bỗng dưng nổi gió, trời sẫm lại, mưa đổ ào ào lạnh như mùa đông rét mướt.

Ngoại nằm trong buồng, ho sù sụ. Nghe tiếng ho của bà, cu Phong vội vã chạy vào rót cốc nước, đỡ bà ngồi dậy tựa lưng vào chiếc gối kê ở thành giường rồi đưa cốc nước ấm cho bà nhấm nháp. Mấy hôm nay ngoại bệnh không ra cửa hàng, cu Phong chạy tới chạy lui để bà ở nhà một mình không yên tâm đành đóng cửa hàng lại ở nhà chăm sóc cho bà. Căn nhà nằm tận trong làng, sau nhà là đồng cỏ lau mênh mông có đường tàu chạy ngang qua, tiếng còi nổi lên vang động rồi hòa tan vào gió khi con tàu mất hút.

- Buôn bán ngoài ấy thế nào rồi cu?

Thằng nhỏ chép miệng thở dài:

- Lai rai ngoại ơi. Hai hôm nay con đóng cửa ở nhà chăm ngoại, ngoại bệnh con đi bán thì ai chăm.

Không biết tự bao giờ cu Phong đã biết thở dài, lòng nặng trĩu. Cậu bé thường ngồi lặng lẽ trong những buổi chiều chợ tan, nhìn những đứa trẻ khác đi học về ngang qua hàng của cậu, mắt thằng nhỏ thoáng buồn. Ngoại kể: Ngày xưa làng Son nghèo lắm, trẻ đi chăn trâu chứ không được đi học. Thầy cô từ tỉnh khác về làng dạy học, trường không có học sinh, thầy cô đi động viên mãi vẫn không lay chuyển được thành kiến của người làng Son: Học làm gì, trai gái lớn lên cũng phải dựng vợ gả chồng, lao vào cuộc mưu sinh mà kiếm miếng ăn. Người trí thức bỏ làng Son mà đi, ngôi trường bị bỏ hoang trở thành chuồng bò, chuồng trâu, ai đó tinh nghịch lấy nhọ nồi vẽ lên tường những hình thù vằn ngang vằn dọc.

Ngoại nhìn cu Phong vừa xuýt xoa vừa nói:

- Chăm bán mày ạ! Ngoại bệnh mặc ngoại, dăm hôm là khỏi. Đóng cửa hoài đói thì khổ.

Gió thổi, ngoại run lên bần bật.

- Nay mai ngoại khỏe con đưa ngoại ra đó vừa bán vừa chăm ngoại.

Ngoại gật đầu. Cu Phong rót nước chè vào cốc rồi uống. Hôm nay thằng nhỏ pha chè quá tay, nước chè hơi đậm và đắng, mặt nó đanh lại. Ngoại nuôi cu Phong lớn lên bằng đôi quang gánh. Những ngày mùa đông rét mướt, gió mùa đông bắc thổi lạnh và đất đai nứt nẻ, khô cằn, ngoại với chiếc áo mong manh vá chằng vá đụp quảy gánh đi tận làng xa bán chè, xôi, xoa xoa, kẹo mầm cho trẻ…

Người làng Son thường nhìn cu Phong rồi bảo: “Mày lớn quá Phong ạ! Mới ngày nào mày còn bé tẹo, mày ngồi trong cái thúng để bà cụ vừa gánh vừa bán hàng. Nhanh nhỉ?!”. Cu Phong cười cười. Nhờ vậy nó mới biết ngày xưa ngoại cơ cực như thế nào. Quanh quẩn vất vả mãi ngoại mới đủ tiền thuê lại cửa hàng ngoài chợ. Người chủ cửa hàng sau đó dọn ra Hà Nội sinh sống, bà bán rẻ cửa hàng lại cho ngoại. Cái cửa hàng nhỏ là nguồn sống chủ yếu của hai bà cháu, nhờ nó mà hai bà cháu đỡ cực nhọc hơn. Nhà cu Phong nghèo, mái lá, cột xiêu, nằm giữa đồng cỏ lồng lộng gió. Trước nhà có cây xoan, tới mùa xoan nở từng chùm hoa trắng xóa, gió đưa hoa rớt xuống sân nhà, đẹp mê li.

Đám trẻ làng Son hay tụ tập trước cổng làng chơi sậm chơi sụi. Cu Phong muốn được nhập cuộc nhưng ngại ngần. Bọn trẻ nhìn thằng bé một chốc rồi bảo: “Thằng mồ côi kìa tụi bây. Đuổi theo thằng mồ côi…”. Cu Phong hốt hoảng chạy băng bằng vào trong làng, đám trẻ đuổi theo một đoạn rồi ngừng lại đi chơi tiếp. Thằng nhỏ mệt quá ngồi dựa lưng vào gốc cây khóc mướt, nước mắt nước mũi chảy tèm lem. Nó chạy về hỏi ngoại: “Ba mẹ con đâu ngoại? Sao họ không nuôi con, ngoại nhỉ?”.

Ngoại xoa đầu rồi ôm nó vào lòng. Mặt thằng bé áp vào bầu ngực tom hóp của ngoại. Ngoại từ tốn: “Ba mẹ cu Phong đi làm xa, tận trong Nam, không nuôi được nên nhờ ngoại nuôi giúp. Hẳn cuối năm ba mẹ mày sẽ về thăm mày!”. Ngoại nói làm nó yên tâm, thế là nó đợi. Chiều ba mươi thằng bé chạy ra nhà ga ngồi chống tay lên cạnh hàm đợi đến tối mờ mịt. Ba mẹ không về. Sân ga chỉ toàn những người khách lạ huơ lạ hoắc. Cu Phong trông thấy mặt ba mẹ qua tấm ảnh cưới năm nào đó xa xôi lắm, tấm ảnh duy nhất ngoại còn giữ lại sau những cuộc chuyển dời. Cu Phong ngắm nghía, cố ghi khắc vào lòng hình ảnh thân thương của ba mẹ mình ngộ nhỡ có trông thấy trên đường còn biết mà gọi: Ba ơi, mẹ ơi, về với cu đi. Cu nhớ ba mẹ lắm!

Mùa đông năm cu Phong 8 tuổi, một buổi chiều thằng bé đang ngồi chơi cào cào dưới gốc cây xoan trước nhà đột nhiên trông thấy mấy người lạ hoặc men theo con đường làng vào nhà. Người phụ nữ mặc áo dạ thêu chỉ đỏ đi trước, hai người thanh niên theo sau. Cu Phong chạy vào trong gọi ngoại, người già từ trong buồng bước ra sai thằng nhỏ đi đun nước pha ấm chè nóng mang ra cho bà mời khách. Cu Phong ngoan ngoãn ra sau bếp nhóm lửa đun nước. Trời lạnh, cu đưa hai bàn tay lại gần bếp lửa cho ấm rồi xoa xoa lên đôi gò má.

Chè ngấm, cu Phong mang ấm chè ra gian trước. Ngoại kéo tay cu Phong lại gần rồi bảo:

- Người nhà họ nội của cháu đấy!

Thằng bé nhìn ngoại, sắc mặt có chút thay đổi. Nó nhìn người cô, khẽ gật đầu. “Họ nội” vốn là một khái niệm xa vời với thằng bé. Từ nhỏ nó chỉ biết bà ngoại, nó sống với bà dưới mái nhà đơn sơ sớm sớm chiều chiều nghe tiếng tàu xình xịch chạy ngang, bánh sắt cọ vào thanh ray làm thành âm thanh quen thuộc. Cu Phong chưa một lần được gặp ba, mẹ, kể cả trong giấc mơ.

Ngoại bảo ba mẹ nó đi làm ăn xa, nhưng thằng bé cứ ngờ ngợ ngoại nói dối. Xa đến bao nhiêu thì cũng phải về với nó, giả sử không về thì cũng viết thư, gọi điện để nó được yên tâm. Hơn mười năm biền biệt, ba mẹ bặt vô âm tín, hai bà cháu sống lầm lũi có nhau, ngày rong ruổi bán hàng, đêm nó nằm cạnh bà như một con mèo mướp để bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa cho nó nghe. Dần dần nó quên đi cội nguồn, nó quên mát trên cuộc đời vẫn còn tồn tại những người họ nội mà nó cùng chung dòng máu.

Người phụ nữ nhìn nó, mặc dù ánh mắt người họ nội cố tỏ ra gần gũi, ấm áp, nhưng sâu thẳm trong lòng nó vẫn thấy có ranh giới vô hình ngăn cách nó với người cô.

- Cu Phong càng lớn càng giống ba.

- Cô biết ba con à? - Cu Phong hỏi.

- Phải. Ba con…

Ngoại ngắt lời:

- Ba mày đi vào Nam làm ăn, ngoại nói rồi mày còn hỏi chi nữa?

Người phụ nữ nhìn ngoại đầy bất ngờ, nó cũng bất ngờ. Ngoại không cho phép bất kì ai gieo vào tâm hồn trẻ thơ những dư vị khổ đau, những cay đắng mùi đời. Cu Phong còn nhỏ quá để hiểu lẽ đời, thằng bé chưa đủ mạnh mẽ để biết được sự thật: Mẹ nó lấy sự sống của mình đổi lấy tiếng khóc chào đời của con thơ bé bỏng. Nó bình an lớn lên, người mẹ chìm sâu trong giấc ngủ thanh thản muôn thuở.

Cu Phong thường nói: “Chắc ba con hiền lắm ngoại nhỉ? Chắc ba cũng thương con, tại đường xa quá nên ba không về thăm con được, phải không ngoại?”. Ngoại gật đầu. Ba trong tưởng tượng của nó là người đàn ông bao dung, nhân hậu. Chính vì thế mà ngoại không muốn hình ảnh người ba trở nên xấu đi trong lòng nó, không muốn nó thất vọng khi biết rằng ba nó đã cưới người đàn bà khác làm vợ, rồi sinh con, rồi sống một cuộc đời hạnh phúc mà quên mất cu Phong. Mắt ngoại ươn ướt.

- Cụ ạ - Người đàn bà từ tốn - Thằng Phong thể nào nó cũng là người mang họ chúng cháu, cũng là cháu đích tôn nối dõi. Lưu lạc mãi cũng không được. Hay là…

Người phụ nữ ngập ngừng. Ngoại thoáng nhìn Phong, lòng ngoại buồn như chiều quê rơi rụng. Ngoại xoa đầu cu Phong rồi hỏi:

- Phong à! Ngoại hỏi này. Cháu có muốn về nhà nội hay không?

Ngay lập tức thằng nhỏ lắc đầu. Mặt nó mếu máo như sắp khóc. Nó bảo:

- Không! Cu muốn ở với ngoại cơ. Cu không đi đâu cả.

Ngoại ôm nó vào lòng, hai giọt nước hiếm hoi rỏ ra từ khóe mắt người già chảy ròng ròng trên gò má chi chít những nếp gấp thời gian.

- Thằng cháu tôi không chịu đi rồi, cháu ngoại của tôi thì tôi thương hết lòng, cháu đích tôn bên ấy thì bên ấy cũng cần. Nhưng quyết định là do thằng nhỏ thôi cô à.

Người cô nhìn Phong rồi cúi mặt lặng im. Uống ngụm nước chè cho ấm bụng rồi cô chào ngoại ra về. Trước khi về cô còn gửi lại cho cu Phong chút tiền quà, cô dặn:

- Cu Phong ở lại với ngoại ngoan nhé! Bao giờ muốn về nhà nội chơi thì viết thư gửi cho cô. Hà Nội vui lắm, về cô chở đi dạo Hồ Gươm, đi chơi phố cổ…

Cu Phong gật đầu rồi vẫy tay chào tạm biệt cô. Mùa đông, xoan nở trắng xóa, gió bay hoa rụng tơi bời.

Ngồi trước nhà ngắm hoa xoan nở rộ, tự dưng cu Phong nhớ cảnh ngày phiên chợ đông không thể tả, người nói cười rộn rã, hàng hóa trưng bày khắp cả lề đường. Nào thổ cẩm, nào trang sức, nông sản miền núi, miền xuôi… Nó nhớ mùi ngô nướng, mùi cơm lam bên đường. Ngày phiên, cửa hàng cu Phong bán đắt, ngoại chạy ra chạy vào sốt xắng lấy hàng đưa cho khách mà không quên nói lời cảm ơn.

Đêm dần buông, làng Son tĩnh lặng. Chuyến tàu chạy ngang qua đồng cỏ đẫm sương, còi tàu hú dài rồi tan nhanh trong đêm tối. Cu Phong ngồi trên chiếc ghế trước nhà, ngoại đã ngủ còn thằng bé thì mông lung suy nghĩ. Nó đếm đốt ngón tay lẩm bẩm tính. A, ngày mai chợ phiên. Nó chợt nhớ. Đôi mắt cu Phong long lanh. Sớm mai cu Phong sẽ đưa bà ra cửa hàng, ngoại nằm nghỉ còn cu Phong cặm cụi bán hàng, chợ phiên chắc cu Phong sẽ lại bán đắt như những phiên chợ trước.

Xa xa, ai đó thổi lá trong đêm, giai điệu thanh yên êm ả trôi trong không gian mát ngọt.

Đêm quê bình an như hơi thở. Cu Phong ngồi thêm chốc nữa rồi chốt cửa lại bước vào trong buồng nằm cạnh bà chìm vào giấc ngủ mộng mơ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.