Xã hội

"Quét sạch chủ nghĩa cá nhân" từ lời dạy của Bác đến thực tiễn

19/05/2022, 10:41

Tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" của Bác được xem như một tuyên ngôn của công tác xây dựng Đảng về đạo đức.

Một tư tưởng, tầm vóc vĩ đại

Cách đây hơn 50 năm, nhân kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân".

Tác phẩm được xem như một tuyên ngôn của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, thể hiện cả tầm vóc tư tưởng và giá trị chỉ dẫn thực hành đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

img

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta

Hơn nửa thế kỷ sau khi ra đời, đến nay tác phẩm vẫn vẹn nguyên giá trị đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với mỗi cán bộ, đảng viên.

Tác phẩm là di huấn, là lời căn dặn mà Người để lại cho các thế hệ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng rèn luyện, quyết tâm phòng, chống và đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân để nâng cao đạo đức cách mạng.

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", Bác tập trung phần lớn vào việc lên án chủ nghĩa cá nhân. Người chỉ rõ: "Giặc nội xâm - giặc ở trong lòng còn nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm - bởi vì nó phá từ trong phá ra".

Bác chỉ trích cả những người mắc bệnh công thần, tức là có một chút công trạng đã kể công với Đảng, đã đòi hỏi Đảng phải đối xử trọng đãi như thế nào?

Bác viết rất nghiêm khắc: "Có những đồng chí vì mắc chủ nghĩa cá nhân mà biến Đảng thành một chiếc cầu thang để leo lên từng bậc danh vọng".

img

GS.TS Hoàng Chí Bảo

"Những người mắc cơ hội chủ nghĩa, việc lớn không làm được, việc nhỏ thì không làm, học hành thì biếng nhác, công việc thì trễ nải, cuối cùng là vi phạm tổ chức kỷ luật của Đảng và mắc tội, trở thành chống Đảng", GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh lời dạy của Bác như một lời cảnh báo nghiêm khắc cho chúng ta trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần "tự soi, tự sửa"

PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức đã trở thành nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam trong công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên của Đảng trong hơn 90 năm qua.

Ở mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng, những nội dung cơ bản về đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đảng ta cụ thể hóa cho sát, hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đặt ra.

Vấn đề xây dựng Đảng vững mạnh về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và việc tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói riêng là một yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng hiện nay, nhất là trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền.

img

PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Theo PGS.TS Lê Quốc Lý, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò và những chuẩn mực cơ bản của đạo đức cách mạng.

Tiếp đến, cần đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần coi trọng việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng, xem đó là việc làm thường xuyên, liên tục.

Cùng với đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Đặc biệt cấp ủy, nhất là người đứng đầu cần kiên quyết xử lý nghiêm minh và kịp thời đối với cán bộ, đảng viên có hành vi thiếu đạo đức cách mạng, "không có ngoại lệ, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai, giữ chức vụ gì", đưa ra khỏi tổ chức những người không đủ phẩm chất, năng lực và uy tín.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.