Chất lượng sống

Quốc bảo để hành lang, nghìn cổ vật bị xếp xó

01/04/2017, 14:26

Hai khẩu thần công được công nhận là Bảo vật Quốc gia nằm “chơ vơ” ở hành lang Bảo tàng Hà Tĩnh.

6

Hai khẩu súng thần công đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia nhưng đang phải bỏ ngoài hành lang Bảo tàng Hà Tĩnh

Đã từ lâu, du khách mỗi khi vào Bảo tàng Hà Tĩnh không khỏi xót xa khi chứng kiến hai khẩu thần công được đúc năm Minh Mệnh thứ Hai (Tân Tỵ 1821) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia nhưng phải chịu cảnh nằm “chơ vơ” ở hành lang. Hàng nghìn cổ vật khác cũng dần bị lãng quên do phải chịu cảnh chất đống ở nhà kho chung.

“Nước mắt” bảo vật

Theo quan sát của PV, hiện 2 khẩu súng thần công được đặt trên giá kê bằng gỗ tạm bợ ở hành lang, gần với khu vực nhà tắm, nhà vệ sinh tầng một của Bảo tàng Hà Tĩnh. Trên bề mặt hai khẩu súng có nhiều chữ Hán và hoa văn nhưng đã rất mờ nét, nhiều chỗ bị rỗ và xuất hiện tình trạng gỉ sét. Nhìn cảnh này, ít ai có thể ngờ rằng, đây là… bảo vật quốc gia có giá trị.

Qua hồ sơ lưu ở bảo tàng, tháng 8/2003, trong quá trình khai thác hải sản ở vùng biển gần Đảo Mắt (Nghệ An), cách Cửa Hội 35km về phía Đông, ngư dân xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên và xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện và trục vớt được ba khẩu súng thần công nằm trong một con tàu cổ bị đắm.

Sau đó, Bảo tàng Hà Tĩnh đã vận động người dân giao nộp để đưa về trưng bày và bảo quản. Mỗi khẩu nặng hơn 1,2 tấn, dài 2,43m, đường kính thân súng 40cm, đường kính nòng súng 11cm. Ba khẩu thần công là hiện vật độc bản mang cùng tên, cùng chất liệu, đúc cùng một năm, cùng một triều vua nhà Nguyễn, cùng kích thước hình dáng, trọng lượng, được phát hiện, sưu tầm cùng một năm. Đây là những khẩu thần công bằng đồng hiếm có, có giá trị nổi bật, tiêu biểu quốc gia vào loại bậc nhất, đúc dưới triều đại nhà Nguyễn và các triều đại phong kiến Việt Nam được lưu truyền trong các bảo tàng ở nước ta hiện nay. Năm 2013, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định công nhận 3 khẩu thần công này là Bảo vật Quốc gia.

Hiện, khẩu thần công thứ 2, mệnh danh là Bảo quốc An dân Đại tướng quân tam vị chi nhị (dịch là: Vị thứ hai trong ba vị Bảo quốc An dân Đại tướng quân) được Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nạm bạc lại phần hoa văn bị bóc bạc để tái hiện hình dáng, giá trị vốn có của cổ vật, giờ được cất giữ... trong kho. Hai khẩu còn lại thì bị bỏ ngoài hành lang với lý do: Bảo tàng không còn kho và cũng không có điều kiện để bảo quản.

Ngoài hai Quốc bảo trên thì dưới hành lang còn có 2 vỏ bom bi được bảo tàng sưu tầm về cũng chung số phận… nằm phủ bụi ở góc cầu thang. Một xác máy bay được bảo tàng mua lại của người dân năm 2016, cũng nằm im trong bể xử lý dù công tác xử lý đã xong. Nó được bảo quản chỉ bằng một tấm bạt mỏng.

10.000 hiện vật bị lãng quên

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết: “Lý do hai khẩu thần công đặt ngoài hành lang là do bảo tàng không còn kho nào cả và cũng không có điều kiện để bảo quản”. Ông Sơn cũng thừa nhận, việc đặt bảo vật quốc gia ngoài hành lang là sai quy định của Nhà nước. Ngoài giá trị hiện vật bị xem nhẹ, nó còn ảnh hưởng rất lớn đến bản thân hiện vật.

“Chúng tôi rất đau lòng nhưng không thể làm được gì. Đáng ra hiện vật phải bỏ vào kho chưng khoản nhưng bảo tàng không còn kho nào cả và cũng không có điều kiện để bảo quản. Bảo tàng cũng đã nhiều lần đề xuất lên UBND tỉnh xin kinh phí làm giá súng nhưng đến nay vẫn chưa được. Chỉ còn cách để hành lang, rồi hàng ngày, tôi cho anh em lau chùi bằng dầu chuyên dụng”, ông buồn rầu.

Cũng theo ông Sơn, Bảo tàng Hà Tĩnh được thành lập từ năm 1992 đến nay nhưng vẫn chưa có nhà trưng bày. Hiện tại, trong kho của bảo tàng có khoảng 10.000 hiện vật, tư liệu và con số này sẽ ngày càng tăng lên. “Tư liệu ngày càng nhiều lên khiến kho lưu giữ không đủ diện tích. Chưa hết, việc bỏ tư liệu, hiện vật trong kho chung là chưa đúng kỹ thuật cất giữ. Tài liệu, hiện vật có rất nhiều loại: Sắt, đồng, vải, giấy, gốm… Theo đúng chuẩn thì mỗi chủng loại cất giữ trong một kho riêng vì tính chất của mỗi chủng loại khác nhau, để chung rất dễ gây hư hỏng cổ vật”, ông Sơn nói.

Được biết, để giải quyết thực trạng này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt quy hoạch xây dựng bảo tàng ở một vị trí mới. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Bảo tàng Hà Tĩnh thì ít nhất 5 năm nữa, bảo tàng mới có thể đi vào hoạt động. Đến lúc đó, Bảo tàng Hà Tĩnh cũng có thêm ít nhất 2.000 hiện vật. Và để giải quyết vấn đề trước mắt, bảo tàng đã kiến nghị với UBND tỉnh cho cải tạo thư viện cũ bỏ không để làm trụ sở làm việc, đưa toàn bộ các phòng làm việc ở bảo tàng thành kho. Tuy nhiên, phương án này vẫn rất khó khăn, bởi kinh phí UBND tỉnh cấp cho rất thấp, chỉ 200 triệu đồng. Trong khi đó, nhu cầu cần phải cả tỉ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.