Xã hội

Quốc hội cân nhắc việc duy trì cai nghiện ma túy tự nguyện tại nhà

24/03/2021, 14:57

Chiều nay (24/3), Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

img

Nhiều ý kiến cho rằng việc duy trì biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng thiếu hiệu quả, thậm chí còn làm gia tăng tình trạng nghiện ma túy và buôn bán ma túy

Vẫn tiếp tục thực hiện cai nghiện ma tuý tự nguyện tại nhà

Chiều nay (24/3), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Bà Thuý Anh cho biết: Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc duy trì biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng vì biện pháp này còn có nhiều bất cập, thiếu hiệu quả, thậm chí còn làm gia tăng tình trạng nghiện ma túy và buôn bán ma túy.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phù hợp với chủ trương đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, góp phần bảo đảm bình đẳng về cơ hội được cai nghiện ma túy tự nguyện đối với người nghiện ma túy khó tiếp cận cơ sở cai nghiện ma túy, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn; đồng thời, huy động sự tham gia và thể hiện trách nhiệm của gia đình, cộng đồng đối với người nghiện ma túy.

“Chính phủ đã bổ sung báo cáo đánh giá thực trạng công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho thấy những tồn tại, hạn chế chủ yếu liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách”, bà Thuý Anh cho hay.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: quy định rõ thời hạn cai nghiện ma túy từ đủ 6 tháng đến 12 tháng và người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng mà hoàn thành ít nhất 3 giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy thì được hỗ trợ kinh phí.

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện trong quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

4 trường hợp phải đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Đáng chú ý, Dự thảo Luật lần này cũng quy định rõ 4 trường hợp người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Các đối tượng này gồm người nghiện ma túy không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; Người nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện; Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể hồ sơ đưa người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cụ thể, Chủ tịch UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trường hợp người nghiện ma túy do cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật mà đối tượng từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc diện đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì cơ quan Công an đang thụ lý vụ việc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đó.

Hồ sơ đề nghị bao gồm biên bản vi phạm, bản tóm tắt lý lịch, tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó, bản tường trình của người nghiện ma túy hoặc của người đại diện hợp pháp của họ. Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thu thập các tài liệu và lập hồ sơ theo quy định.

5 năm, hơn 50 nghìn người cai nghiện ma tuý tại cộng đồng và gia đình

Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2016 - 2020, cả nước có 5.892 tổ công tác cai nghiện ma tuý với 42.804 lượt cán bộ tham gia. Tổ công tác đã huy động được 22.542 lượt người đăng ký cai nghiện tại cộng đồng, 22.260 lượt người đăng ký cai nghiện tại gia đình và tổ chức cai nghiện cho 28.151 lượt người tại cộng đồng và 22.697 lượt người tại gia đình; Cấp giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện cho 31.732 lượt người.

Cả nước có 4.450 điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng, đã tư vấn cho 103.022 lượt người nghiện và gia đình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.