Xã hội

Quốc hội cảnh báo rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp

22/07/2021, 12:59

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội e ngại, doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng thời gian qua.

Sáng nay (22/7), báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp 6 tháng cuối năm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã đề cập đến những rủi ro từ việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, liên quan đến tình trạng đầu cơ đất.

img

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, trong 6 tháng đầu năm, nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất, đầu cơ đất, nhiễu loạn thông tin quy hoạch đất, nhất là các khu vực vùng ven các đô thị lớn.

"Đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng bong bóng tài sản và những rủi ro đến kinh tế vĩ mô. Phân tích kỹ hơn tình trạng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian qua với lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro", ông Thanh cho hay.

Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, trong 28.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong tháng 5, có tới 76% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm (chủ yếu của các ngân hàng, công ty chứng khoán).

Trong các trái phiếu lĩnh vực bất động sản, xây dựng, 26% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu. Lãi suất phát hành trái phiếu bất động sản chủ yếu dao động trong khoảng 9,5-11%/năm.

Theo Ủy ban Kinh tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khiến kinh tế phục hồi không chắc chắn, nguy cơ bất ổn tài chính tại một số nước do nợ công tăng cao… tiềm ẩn nguy cơ về bong bóng tài sản khi một số quốc gia lớn thực hiện chính sách “siêu nới lỏng” về tài chính và tiền tệ, gây áp lực lạm phát, rủi ro lớn trong trung và dài hạn.

Cơ quan này đề nghị Chính phủ trong thời gian tới xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu, kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể.

“Giám sát, kiểm soát dòng vốn có xu hướng dịch chuyển sang các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Theo dõi, dự báo tình hình nợ xấu để có giải pháp phù hợp, đặc biệt là nợ được cơ cấu lại…”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho thấy trong 6 tháng qua, tình trạng thất thu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn diễn ra phổ biến, nợ đọng thuế tăng cao hơn so với cùng kỳ.

Số nợ thuế nội địa tính đến ngày 30/6 ước gần 116.000 tỷ đồng, tăng 20.800 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020.

“CPI bình quân 6 tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016, sức cầu trong nước yếu, tuy nhiên CPI tháng 5, tháng 6 tăng lần lượt 2,9% và 2,41% so với cùng kỳ, cùng với tình trạng bong bóng tài sản, tình hình giá cả thế giới có xu hướng tăng cao có thể gây áp lực lạm phát cho những tháng tiếp theo; tình trạng sốt nóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô”, ông Thanh nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.