Ngày 26/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Theo đó, 407/451 đại biểu tham gia tán thành, đạt tỷ lệ 84,97% tán thành.
Với Luật Thuế giá trị gia tăng mới, hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%. Luật này bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.
Trước đó, các hoạt động này chịu mức thuế 5%. Từ những phiên thảo luận tại nghị trường về Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), nhiều đại biểu đã lên tiếng không đồng thuận với đề xuất này.
Cụ thể, trong phiên thảo luận ngày 29/10, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã đề xuất không nên tăng mức thuế lên 10% đối với các hoạt động nói trên. Ông cho rằng nên duy trì mức thuế như luật hiện hành.
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, chúng ta không thể chỉ nhìn 1, 2 bộ phim của Trấn Thành, Lý Hải có doanh thu vài trăm tỉ đồng mà tưởng rằng toàn bộ nền điện ảnh Việt Nam tươi sáng vì đang có hàng chục bộ phim đang lỗ ròng.
Chúng ta cũng không thể chỉ nhìn thấy 1, 2 chương trình âm nhạc, vài ba nghệ sĩ sống xa hoa mà tưởng rằng cả nền nghệ thuật Việt Nam giàu có vì hàng trăm chương trình, hàng ngàn nghệ sĩ đang sống trong cảnh khó khăn.
"Nếu khoa học khai mở cho xã hội tri thức về tự nhiên thì văn học, nghệ thuật khai mở cái thiện, cái đẹp và tình yêu thương cho con người", ông Sơn nhìn nhận.
Đại biểu Trần Thị Thu Đông (đoàn Bạc Liêu) cũng đề nghị giữ mức thuế suất 5% cho các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim.
Đại biểu Đông cho rằng việc tăng thuế lên 10% sẽ làm giảm khả năng tiếp cận các sản phẩm văn hóa và thể thao của nhân dân, đặc biệt là những hoạt động mang tính công cộng như bảo tàng, thư viện, và các sự kiện văn hóa cơ sở.
Theo nữ đại biểu, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực văn hóa.
Nhìn ra quốc tế, phần lớn Chính phủ các quốc gia trên thế giới đều hỗ trợ phát triển lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao thông qua các chính sách hỗ trợ trực tiếp (phân bổ từ ngân sách Nhà nước) và hỗ trợ gián tiếp (các hỗ trợ về thuế, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng).
Đơn đề xuất cần xem xét lại việc tăng thuế VAT từ 5% lên 10% của các doanh nghiệp điện ảnh.
Trước đó, 30 doanh nghiệp điện ảnh đã ký tên và đóng dấu vào văn bản khẩn, kiến nghị về việc điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng trong Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Trong văn bản được gửi đi ngày 12/11 đến Chính phủ và Quốc hội, có những cái tên đáng chú ý như: Thu Trang, Đức Thịnh, Hoàng Quân, BHD, CJ CGV, Lotte Cinema, Thiên Ngân, Mega GS, HK Film, ABC Pictures, Chánh Phương phim, Beta Media, CJ HK…
Giới làm phim Việt cho biết: "Họ không xin Nhà nước đầu tư tài chính, không xin cơ sở vật chất, đất đai, nhân lực, mà chỉ xin cơ chế và chính sách đãi ngộ hợp lý để vừa đảm bảo đóng góp cho ngân sách, cho xã hội mà vẫn phát triển doanh nghiệp ổn định". Trong đó có vấn đề thuế VAT.
Nhà sản xuất Vũ Quỳnh Hà, Giám đốc Sản xuất - CJ HK Entertainment chia sẻ thêm: "Hoạt động sản xuất phim vẫn còn nhiều khó khăn, hy vọng Nhà nước sẽ tạo cơ hội để ngành điện ảnh phát triển hơn nữa, để có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước".
Ông Trinh Hoan, nhà sáng lập hãng phim HKFilm bày tỏ: "Việc tăng thuế là một cú đánh mạnh vào ngành sản xuất phim vốn còn non yếu và nhiều rủi ro, làm giảm sức cạnh tranh của phim Việt trên thị trường phim nội địa và quốc tế".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận