Nghệ An sẽ có thêm 1 phó chủ tịch tỉnh
Sáng nay (26/6), với 453/461 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Đáng chú ý, theo Nghị quyết vừa được thông qua, UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 phó chủ tịch.
Báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Nghị quyết.
Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu cho rằng chỉ nên để bốn phó chủ tịch là hợp lý. Ý kiến khác đề nghị cân nhắc vì phải tương đồng về mặt dân số, về mật độ và tính phức tạp.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Nghệ An là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I, là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (gần 16.500 km2) và dân số đứng thứ 4 cả nước (trên 3,4 triệu người). Tỉnh này cũng có đường biên giới dài 419km trên bộ và đường bờ biển dài 82km.
Nghệ An hiện có 21 huyện, TP, thị xã (trong đó có 11 huyện, thị xã miền núi, núi cao) với hơn 510.000 người dân tộc thiểu số và nhiều tôn giáo đan xen…
Đây cũng là địa phương có địa hình đa dạng, trong đó địa bàn vùng miền núi chiếm trên 83% diện tích toàn tỉnh, địa hình chia cắt, hiểm trở. Thời tiết khắc nghiệt, lũ lụt, lũ quét, hạn hán thường xuyên gây nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Miền Tây Nghệ An có đường biên giới dài (giáp Lào) tiềm ẩn nhiều vấn đề an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
"Với đặc thù nêu trên, việc bổ sung thêm một phó chủ tịch để phụ trách chuyên về địa bàn vùng miền núi sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công việc, góp phần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn", ông Mạnh cho biết.
Một nội dung đáng chú ý khác, về tổ chức bộ máy đối với TP Vinh, Nghị quyết cho phép HĐND TP Vinh được thành lập ba ban, gồm: Pháp chế, Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội. TP Vinh có không quá hai phó chủ tịch và không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách.
Quốc hội cũng cho phép UBND TP Vinh có không quá bốn phó chủ tịch, căn cứ yêu cầu phát triển của thành phố khi mở rộng (nhập thị xã Cửa Lò và một số xã của huyện Nghi Lộc vào TP Vinh).
Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Nghệ An
Nghị quyết cũng quy định: Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với các địa bàn, nhiệm vụ cụ thể. Trường hợp hỗ trợ chung cho tỉnh Nghệ An thì việc phân bổ cho các địa bàn cụ thể do HĐND tỉnh quyết định, trong đó, ưu tiên cho huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An.
So với dự thảo, Nghị quyết đã tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội theo hướng mở rộng phạm vi địa bàn của tỉnh Nghệ An được nhận hỗ trợ từ các tỉnh, thành phố khác.
Về chính sách cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai khoáng… để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An. Có ý kiến đề nghị quy định không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản được áp dụng đầu tư trên toàn bộ địa bàn tỉnh Nghệ An.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Miền Tây Nghệ An là địa bàn đặc biệt khó khăn và cũng là địa bàn quan trọng của tỉnh, nhạy cảm về chính trị, quốc phòng, an ninh; trong khi đó, đầu tư về cơ sở hạ tầng cho khu vực này còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, rất cần tập trung hỗ trợ thêm nguồn lực từ ngân sách Trung ương.
Do vậy, việc đề xuất áp dụng cơ chế thí điểm này là cần thiết. Đồng thời, để bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tập trung nguồn lực cho địa bàn thực sự khó khăn, quy định thể hiện như tại dự thảo Nghị quyết là phù hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận