Xã hội

Quốc hội đồng ý giữ nguyên 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ

23/07/2021, 08:40

100% ĐBQH có mặt tại hội trường (470/470) đã bấm nút đồng ý thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

Sáng nay (23/7), Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với nội dung biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, 100% Đại biểu có mặt tại hội trường (470/470) đã bấm nút đồng ý thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

img

Quốc hội đồng ý cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 với 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ

Cụ thể, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giữ ổn định như khoá XIV có 22 cơ quan, gồm: 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ.

Các Bộ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và môi trường; Bộ Thông tin và truyền thông; Bộ Lao động - thương binh và xã hội; Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch; Bộ Khoa học và công nghệ; Bộ Giáo dục và đào tạo; Bộ Y tế.

Các cơ quan ngang Bộ gồm: Ủy ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ.

Chiều qua (22/7), sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đọc Tờ trình, Ủy ban Pháp luật đã có Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần xây dựng lộ trình tiếp tục thực hiện việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội.

Trong đó, có yêu cầu "một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính", "tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số Bộ, ngành, nhất là những Bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới…".

Thứ hai, việc "đẩy mạnh phân cấp, phân quyền" cần gắn với các điều kiện bảo đảm thực hiện, xóa bỏ cơ chế "xin - cho", đề cao trách nhiệm của các Bộ, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền.

Vấn đề này còn liên quan chặt chẽ đến các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do vậy, đề nghị Chính phủ lưu ý chỉ đạo rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện.

Thứ ba, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và rà soát kỹ các nội dung giao thoa giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ để sớm có phương án giải quyết triệt để, đồng thời, đẩy mạnh sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong các Bộ, đặc biệt là đối với các tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.