Thời sự

Quốc hội nhất trí cao làm cao tốc Bắc - Nam

23/11/2017, 06:15

Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam

1

ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 - Ảnh: Đức Anh

Hoàn thành 654 km cao tốc vào năm 2021

Trước khi thông qua Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đại diện cơ quan thẩm tra đã báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về chủ trương đầu tư dự án, làm rõ một số băn khoăn của các ĐBQH. Theo cơ quan thẩm tra, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế cho đất nước đi qua 32 tỉnh, thành phố, các khu kinh tế của cả nước và đặc biệt kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung, miền Nam và Đồng bằng sông Cửu Long có tác động lan tỏa lớn, trong điều kiện chưa thể đầu tư ngay đường sắt tốc độ cao, việc sớm đầu tư tuyến đường bộ cao tốc sẽ đáp ứng nhu cầu cần thiết, cấp bách phục vụ phát triển đất nước.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, 654km đường cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông sẽ chia thành 11 dự án thành phần vận hành độc lập, với 8 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư, 3 dự án đầu tư theo hình thức đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước.

Để thực hiện dự án, Nhà nước đầu tư 55 nghìn tỷ đồng, huy động 63 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngân sách.

Về công nghệ, dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Đối với nhu cầu sử dụng đất và phương án GPMB, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án là 3.736ha, trong đó đất trồng lúa là 1.037ha. Thực hiện GPMB theo quy mô 6 làn xe trên tất cả các dự án thành phần, riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn theo quy mô 4 làn xe theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Tổng mức đầu tư của dự án là 118.716 tỷ đồng, bao gồm: 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước đầu tư tham gia thực hiện Dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Trường hợp GPMB rộng hơn mức quy định, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định về quy mô và sử dụng vốn từ nguồn vốn được bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia. Dự án dự kiến đầu tư để thực hiện từ năm 2017 và cơ bản hoàn thành năm 2021.

Đấu thầu không thành thì TVQH sẽ quyết định

Để thực hiện dự án, Quốc hội giao Chính phủ triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật và bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức thực hiện và quản lý dự án; bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; đối với các dự án thành phần đầu tư theo hình thức BOT cần khắc phục những hạn chế, bất cập đã nêu.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực tham gia đầu tư dự án. Ban hành tiêu chí, nguyên tắc, phân bổ vốn nhà nước đầu tư tham gia thực hiện Dự án hợp lý và cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Khắc phục bất cập, hạn chế của hình thức BOT

Để khắc phục những hạn chế, bất cập của hình thức đầu tư đối tác công - tư theo hình thức hợp đồng BOT trong thời gian vừa qua, cơ quan thẩm tra cho biết, Chính phủ đã xây dựng các cơ chế triển khai thực hiện dự án như: Lựa chọn dự án đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư một cách khách quan, khoa học trên cơ sở nhu cầu vận tải; đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư; Tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu 15-20% tổng vốn đầu tư dự án... Toàn bộ các dự án thành phần đã được rà soát, đánh giá cụ thể khả năng thu hồi vốn, trên cơ sở đó tính toán mức vốn Nhà nước cần tham gia đầu tư để đảm bảo dự án khả thi.

Đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, nghiên cứu, áp dụng phương án thu phí hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước; đối với các dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công tư, sau khi nhà đầu tư chuyển giao lại công trình, nghiên cứu tiếp tục thu phí để hoàn trả phần vốn đầu tư của Nhà nước.

Quốc hội yêu cầu giá sử dụng dịch vụ đường bộ của dự án được xác định theo nguyên tắc xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của nhà đầu tư và lợi ích Nhà nước. Bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá. Trường hợp dự án thành phần đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Cũng theo Nghị quyết, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án đường sắt quan trọng và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách.

Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh, cập nhật Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam bảo đảm tầm nhìn dài hạn theo hướng trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông thực hiện GPMB theo quy mô 6 làn xe, riêng đoạn từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Túy Loan (Đà Nẵng) theo quy mô 4 làn xe và một số đoạn cửa ngõ trung tâm kinh tế có lưu lượng xe lớn theo quy mô 8 làn xe. Trên cơ sở đó, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc triển khai tiếp các đoạn trên tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.