Xã hội

Chủ tịch Quốc hội: Xây là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, cấp bách

27/09/2022, 11:19

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách.

Giám sát góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”

Sáng 27/9, Hội nghị triển khai Chương trình giám sát Quốc hội năm 2023 đã được diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Đây là lần thứ hai Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai chương trình giám sát, sau thành công của hội nghị đầu tiên diễn ra vào ngày 4/11/2021.

img

Hội nghị triển khai Chương trình giám sát Quốc hội năm 2023

Tại Hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.

Báo cáo nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và xung đột chính trị giữa các nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiên trì thực hiện mục tiêu "đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Trong đó, đã chú trọng công tác hoàn thiện thể chế; đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức thực hiện trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã đạt được một số kết quả nổi bật.

img

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tại Hội nghị

Trong năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, các hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”, mang tính thời sự, giải tỏa bức xúc trong xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân; đồng thời giúp giảm tải áp lực đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc cụ thể hóa những đổi mới trong hoạt động giám sát khi ban hành một số văn bản mới như kết luận của Đảng Đoàn Quốc hội về đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội; Quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát văn bản quy phạm pháp luật; Hướng dẫn giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đã cho thấy hoạt động giám sát của Quốc hội khóa XV ngày càng sâu sát, chặt chẽ, thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước...

Giám sát đúng, trúng vấn đề

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cho hay, năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã tích cực tham gia 2 đoàn giám sát: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 - 1/7/2021”.

Thông qua công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đã đánh giá và nêu ra những sai phạm phổ biến trên một số lĩnh vực như: quản lý đầu tư, xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quản lý tài chính, ngân sách; quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp, thuế, bảo hiểm. Đồng thời, nêu rõ hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

"Nội dung giám sát được lựa chọn đúng và trúng các chuyên đề được dư luận xã hội và cử tri, nhân dân cả nước quan tâm. Đoàn giám sát đã truy tới cùng việc làm lãng phí trong đầu tư công, sử dụng ngân sách", ông Minh nói.

Bên cạnh nhất trí với các chuyên đề mà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn giám sát trong năm 2023, Thanh tra Chính phủ kiến nghị tăng cường hoạt động giám sát đối với các lĩnh vực mà dư luận xã hội, cử tri và Nhân dân quan tâm, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh.

"Cần đi sâu vào một số đối tượng cụ thể đối với một lĩnh vực hoặc một nhóm lĩnh vực để tối ưu hóa kết quả giám sát, tránh dàn trải", ông Trần Văn Minh nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thuỷ thì đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì tiến hành giám sát trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động, linh hoạt điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn, bảo đảm chất lượng các kết luận và báo cáo kết quả giám sát. Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa đến công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

"Việc lựa chọn nội dung giám sát, nhất là giám sát chuyên đề cần tập trung vào những vấn đề bất cập, bức xúc có tính thời sự của đất nước, được cử tri, nhân dân quan tâm; đồng thời, cần xác định rõ trọng tâm trong từng nội dung giám sát", bà Thủy kiến nghị.

Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, đặc biệt là năm 2022 đã đánh dấu sự tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã triển khai đồng bộ các hoạt động giám sát theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là vấn đề đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện và thể hiện thông qua những thay đổi trong tư duy và cách làm nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội, giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách.

Phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước.

"Quốc hội luôn tự đổi mới chính bản thân mình, do vậy, mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri để thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động Quốc hội” như kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.