Thời sự

Quốc hội tăng giám sát những vấn đề dân bức xúc

21/07/2016, 08:40

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kỳ vọng Quốc hội nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

- Chính phủ thể hiện tinh thần kiến tạo, liêm chính:

Toan canh le khai mac

Toàn cảnh lễ khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Lã Anh

Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 20/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  kỳ vọng Quốc hội nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, đặc biệt là tăng cường giám sát những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc.

Tiếp tục đổi mới hoạt động nghị trường

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những kết quả cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đem lại. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội cần tập trung xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi để cụ thể hóa Hiến pháp, phát huy quyền làm chủ của dân. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, đặc biệt là tăng cường giám sát những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc. Về hoạt động của Quốc hội, Tổng Bí thư đề nghị Quốc hội cần tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn theo hướng tăng tranh luận, qua đó làm rõ tình hình, nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm… tạo chuyển biến trên thực tiễn.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, 494 ĐBQH vừa được bầu sẽ là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để Quốc hội hoàn thành tốt các trọng trách được nhân dân giao phó. Theo Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp đầu tiên này diễn ra trong bối cảnh trong nước đan xen nhiều thuận lợi và khó khăn. Đặc biệt, sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. “Quốc hội chia sẻ khó khăn với đồng bào cả nước và yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nâng cao tinh thần trách nhiệm để giải quyết có hiệu quả, nhanh chóng những vấn đề liên quan đến sản xuất và đời sống của nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng bộ các giải pháp khắc phục sự cố cá chết

Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh che giấu việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung đã gây nhiều bất bình và bức xúc trong nhân dân và công luận.

tbttrong (Large)_YOYE

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Quốc hội

Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo xác minh, kết luận và công bố công khai nguyên nhân hải sản chết hàng loạt và chỉ rõ Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa đã vi phạm pháp luật về đầu tư và bảo vệ môi trường, gây ra sự cố môi trường biển chưa từng có ở Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó cũng đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục có các giải pháp tích cực, cụ thể để giải quyết hậu quả trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương; giám sát Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa thực hiện đầy đủ các cam kết, đồng thời chỉ đạo rà soát việc thực thi các quy định pháp luật về cấp phép đầu tư, đánh giá tác động môi trường, quản lý và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp. Cử tri và nhân dân cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, một số cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật vi phạm pháp luật, vi phạm quyền sản xuất, kinh doanh hợp pháp, gây bất bình trong nhân dân. Tình trạng bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các vị trí lãnh đạo mà không bảo đảm quy trình và các tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ năng lực, uy tín đã làm giảm niềm tin của nhân dân.

Đề nghị giữ nguyên cơ cấu 4 Phó chủ tịch Quốc hội

Chiều 20/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày Tờ trình về số Phó chủ tịch, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét giữ nguyên cơ cấu Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV gồm 18 người như khoá trước.

Cụ thể, cơ cấu gồm Chủ tịch Quốc hội, 4 Phó chủ tịch Quốc hội (phụ trách các lĩnh vực về dân tộc, đối ngoại, văn hoá, xã hội; kinh tế, tài chính, khoa học và môi trường; pháp luật, tư pháp; quốc phòng, an ninh) và 13 ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 13 thành viên này được phân công giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội.

Tiếp đó, các Đoàn ĐBQH tiến hành họp để bầu Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn và thảo luận về dự kiến số Phó chủ tịch, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.