Thời sự

Quốc hội xem xét, quyết định nhân sự cấp cao

20/07/2016, 08:01

Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 6 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước.

 - Xem xét trách nhiệm để xảy ra sai sót trong BLHS 2015:

hop-bao
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại buổi họp báo

Dành 6 ngày xem xét, quyết định nhân sự cấp cao

Báo cáo về chương trình kỳ họp, Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Minh Thông cho biết, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIV được khai mạc trong sáng nay (20/7), dự kiến kéo dài đến hết ngày 29/7. Đây là kỳ họp có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho hoạt động của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung phần lớn thời gian để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước; Xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 6 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước: Bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; Bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước; Quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; Phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Phê chuẩn danh sách Phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh.

Quốc hội cũng sẽ nghe Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và kết quả xác nhận tư cách ĐBQH được bầu.

BLHS sai sót: Sẽ xem xét trách nhiệm

Đề cập đến sai sót của BLHS sửa đổi, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng đây là điều rất đáng tiếc bởi một bộ luật lớn chưa có hiệu lực thi hành mà đã phải dừng lại để xem xét sửa tới hơn 90 điều. “Các ĐBQH sẵn sàng nhận trách nhiệm về việc này. BLHS tuy sai nhiều điều nhưng không phải do quy trình thủ tục sai”, ông Phúc khẳng định và cho biết thêm, hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Chính phủ có báo cáo giải trình về việc này, giao Ủy ban Tư pháp cùng các Ủy ban liên quan thẩm tra lại các sai sót này rồi báo cáo lên Quốc hội. Dự kiến nếu tháng 9 tới đây trình vấn đề này ra được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì nhanh nhất là Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XIV sẽ bàn về BLHS.

Về trách nhiệm liên quan đến sai sót của bộ luật này, ông Phúc cho hay, sau khi xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng, Quốc hội sẽ xem xét trách nhiệm của tập thể và cá nhân ở trong từng quy trình một.

Rút ra bài học khi hiệp thương giới thiệu người ứng cử

Đó là điều ông Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý khi nhắc tới trường hợp của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường, người vừa bị Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết định không công nhận tư cách ĐBQH khoá XIV vì có những vi phạm, không đảm bảo tiêu chuẩn ĐBQH.

Trước đó, tại Quốc hội khoá XIII cũng có 2 đại biểu nữ là doanh nhân bị miễn nhiệm tư cách ĐBQH là bà Đặng Thị Hoàng Yến và bà Châu Thị Thu Nga, nên dư luận đặt vấn đề về chất lượng của ĐBQH khối doanh nhân. Lý giải điều này, ông Phúc cho rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tuy nhiên, ông cũng cho biết khá bất ngờ về trường hợp của bà Nguyệt Hường, là đại biểu tái cử, đã tham gia khoá XII và XIII và là doanh nhân thành đạt. “Hồ sơ của bà Hường rất đẹp nên việc cử tri lựa chọn bầu cho bà Hường cũng là đương nhiên, chưa kể họ còn dựa vào sự vận động của ứng cử viên để bầu”, ông Phúc nói.

Về vụ việc Formosa xả thải gây sự cố môi trường nghiêm trọng ở 4 tỉnh miền Trung, ông Phúc thông tin, Chính phủ chuẩn bị báo cáo về vấn đề này để gửi các ĐBQH.

Trả lời câu hỏi làm sao xác định trách nhiệm của các cá nhân, tập thể trong sự cố liên quan đến Formosa, ông Phúc khẳng định sau khi làm rõ nguyên nhân, hậu quả, Chính phủ chắc chắn sẽ có quy trình đánh giá, xác định trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan.

Những điểm mới trong nghi lễ tuyên thệ

Theo Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, về cơ bản, các nghi lễ tuyên thệ sẽ được giữ nguyên như kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIII vừa diễn ra cách đây 3 tháng. Theo đó, bốn chức danh lãnh đạo sẽ tiến hành tuyên thệ khi nhậm chức là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án TAND Tối cao.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính trang nghiêm, khi lãnh đạo cấp cao tiến hành nghi lễ tuyên thệ sẽ mời toàn thể ĐBQH phía dưới đứng lên, khi đứng không quay phim, chụp ảnh. Đoàn Chủ tịch khi ấy cũng đi xuống phía bên dưới. Khi tuyên thệ xong sẽ không tặng hoa, khi Chính phủ ra mắt cũng không tặng hoa.

Tại kỳ họp mới này, thay vì nói câu: “Đứng trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc”, các lãnh đạo khi tuyên thệ sẽ sửa câu nói đó thành “Dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc”... Lời tuyên thệ của các lãnh đạo lần này sẽ ngắn, còn phát biểu nhậm chức sẽ dài hơn. Sau lễ tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, sẽ có một cuộc họp báo do Chủ tịch Quốc hội mới được bầu chủ trì.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.