Giao thông

Quỹ Bảo trì góp phần kéo tai nạn giao thông giảm sâu

26/09/2017, 11:15

Sau 5 năm hoạt động, Quỹ Bảo trì đường bộ đã góp phần kéo tai nạn giao thông giảm sâu.

9

Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương Trương Quang Nghĩa chủ trì Hội nghị sáng 26/9 tại Hà Nội

Góp phần giảm TNGT cả 3 tiêu chí

Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến Tổng kết đánh giá 5 năm hoạt động của  Quỹ Bảo trì đường bộ sáng nay (26/9), Thứ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương Lê Đình Thọ khẳng định, Quỹ đã góp phần kéo giảm sâu TNGT cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Theo Thứ trưởng, việc ra đời Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) là giải pháp quan trọng tạo nguồn lực bảo trì trên 500.000km đường bộ, trong đó đường quốc lộ chiếm 23.000 km. Mặc dù hệ thống đường sá thời gian qua đã được đầu tư xây dựng mới bằng nhiều nguồn vốn nhưng xây xong rồi để duy trì, giữ được chất lượng khối tài sản khổng lồ này cần nguồn lực rất lớn.

Khi có nguồn vốn bảo trì đường bộ, hư hỏng mặt đường đã được sửa chữa kịp thời, góp phần quan trọng trong kéo giảm TNGT. Trước khi có Quỹ, năm 2012, số người chết do TNGT khoảng trên 12.000 người, sau khi thành lập Quỹ bảo trì kết hợp với các nguồn lực đầu tư, xây dựng mới các tuyến đường, tăng cường đảm bảo giao thông, đến nay đã kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí, số người chết do TNGT chỉ còn dưới 8.000 người.

 

2

Nhờ nguồn vốn từ Qũy Bảo trì đường bộ, hàng ngàn km đường đã được sửa chữa thảm bê tông nhựa, giúp cho tuyến đường được êm thuận, đảm bảo ATGT.

30.000 tỷ đồng giải quyết các điểm nóng giao thông

Báo cáo kết quả sau 5 năm hoạt động của Quỹ BTĐB, Chánh Văn phòng Quỹ Lê Hoàng Minh cho biết, trước khi thành lập Quỹ, năm 2012, hệ thống đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài gần 280.000 km, trong đó quốc lộ gần 16.800 km. Nhiều tuyến đường đường hẹp, bán kính đường cong nhỏ, mặt đường không êm thuận, số lượng cầu yếu, tải trọng thấp, chưa đồng bộ với cấp đường còn nhiều.

Trong gần 16.800 km được bảo trì năm 2012 có gần 10.000 km quá thời hạn sửa chữa lớn 8 năm và trên 2.500 km quá thời hạn sửa chữa vừa 4 năm nhưng chưa được đầu tư do thiếu vốn. Còn hàng nghìn cầu yếu và gần 3000 km quốc lộ có chất lượng xấu và rất xấu cần được sửa chữa.

Trước khi thành lập Quỹ BTĐB, trong giai đoạn 2010-2012, hàng năm Tổng cục đường bộ VN được phân bổ trung bình khoảng 2.000 tỷ/năm cho toàn bộ công tác bảo trì đường quốc lộ. So với định mức và quy trình bảo trì đường bộ do Bộ GTVT ban hành chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu bảo trì tối thiểu. Tổng nguồn vốn cho công tác bảo trì đường bộ của các địa phương cũng chỉ tương đương con số này.

Năm 2013, Quỹ  BTĐB được thành lập theo Luật GTĐB năm 2008 và Nghị định số 18/2012. Việc tổ chức thu, nộp và quản lý sử dụng Qũy BTĐB đến nay đã đi vào ổn định, hầu hết được các đơn vị, doanh nghiệp và đông đảo người dân đồng thuận. Khi Quỹ BTĐB đi vào hoạt động, ngân sách trung ương và ngân sách các địa phương được chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng cho ngân sách trong việc cân đối bảo trì đường bộ.

Nguồn thu của Quỹ tăng qua các năm, cụ thể năm 2013 thu được trên 5.400 tỷ đồng. Đến năm 2017, dự kiến sẽ thu được trên 7.000 tỷ đồng. Nguồn thu tăng nên chi cho công tác bảo trì quốc lộ tăng đáng kể, nếu như năm 2013 chi trên 5.000 tỷ đồng thì đến năm 2017, con số tăng lên trên 8.000 tỷ đồng. Quỹ BTĐB Trung ương đã giao kế hoạch chi các năm và chuyển vốn cho Tổng cục Đường bộ VN thực hiện trên 30.000 tỷ đồng. Trong 5 năm hoạt động, Quỹ BTĐB TW đã phân chia về các Quỹ địa phương trên 10.000 tỷ đồng để hòa chung với nguồn ngân sách của địa phương thực hiện công tác bảo trì đường bộ.

Từ nguồn vốn này, trong 5 năm, Tổng cục Đường bộ VN đã sửa chữa trên gần 77.000 m2 mặt đường; khắc phục trên 1.000 cây cầu yếu, xử lý trên 600 điểm đen, điểm mất ATGT; bổ sung, thay thế trên 13.000 biển báo hiệu đường bộ; sửa chữa cải tạo 137.000m cống và 1.372.410m rãnh thoát nước. Đặc biệt, đã gia cố lề, mở rộng trên 1.000 km mặt đường 3,5m-5 m thành mặt đường  đường lớn hơn 5,5 m.

Quỹ Trung ương đã phối hợp các cơ quan báo chí tạo ra các kênh thông tin để các cơ quan Nhà nước và nhân dân giám sát các hoạt động, bảo đảm hoạt động của Quỹ được công khai, minh bạch, không bị thất thoát, sử dụng sai mục đích. Thanh tra của Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước đã giám sát chặt chẽ và kết luận thời gian qua Quỹ được quản lý và sử dụng đúng quy định.

Những kết quả trên đã giúp kéo dài thời gian khai thác công trình đường bộ, sửa chữa kịp thời các hư hỏng, bảo đảm hệ thống đường bộ thông suốt, an toàn và phát huy hiệu quả. Về cơ bản đến nay, công tác bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch được ưu tiên tập trung giải quyết hàng năm đảm bảo kết nối đồng bộ mạng lưới giao thông của đất nước.

Sau 2022: Ngân sách không phải cấp bù chi phí bảo trì đường bộ

Theo Chánh văn phòng Quỹ Lê Hoàng Minh, tuy nguồn thu Quỹ Bảo trì đường bộ năm sau cao hơn năm trước nhưng ngân sách Nhà nước vẫn phải cấp bù cho công tác này. Thực tế, tổng nguồn thu mới chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu bảo trì hệ thống quốc lộ. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự đối với nguồn địa phương.

Giai đoạn 2017 – 2022, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế chính sách thì mục tiêu đáp ứng đủ nhu cầu về vốn và quản lý hiệu quả nguồn vốn cho công tác bảo trì hệ thống kết cấu giao thông đường bộ tiếp tục là nhiệm vụ then chốt. Do vậy, Hội đồng Qũy Bảo trì đường bộ Trung ương sẽ tập trung xây dựng Đề án tăng nguồn thu cho Quỹ BTĐB (ngoài nguồn thu phí SDĐB và nguồn ngân sách cấp), phấn đấu đến sau giai đoạn 2017-2022 ngân sách Nhà nước sẽ không phải cấp bổ sung cho Quỹ BTĐB và Quỹ BTĐB sẽ chủ động tự cân đối trong công tác bảo trì hệ thống kết cấu đường bộ. 

Tại hội nghị, Hội đồng Quỹ cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi các quy định tại Thông tư 293/2016, Thông tư 60/2017 phù hợp với Luật GTĐB, Luật phí, lệ phí, Nghị định số 18/2012 và Nghị định số 120/2016 theo đúng mục đích ban đầu thành lập Quỹ BTĐB để đảm bảo tính chủ động và kịp thời trong công tác bảo trì đường bộ. Bên cạnh đó, trình Chính phủ cho phép sửa đổi Nghị định số 18/2012 đối với  nội dung về phương án phân chia tỷ lệ 65% và 35% nguồn thu phí sử dụng đường bộ để đảm bảo sát với thực tế và nhu cầu bảo trì đường bộ trong từng giai đoạn. Đồng thời, tăng cường công tác thanh kiểm tra và phối hợp với các cơ quan Thanh tra chuyên ngành, kiểm toán Nhà nước giám sát chặt chẽ hoạt động Quỹ BTĐB.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.