Thị trường

Quỹ bình ổn xăng dầu sắp cạn: Việc chi Quỹ có hợp lý?

01/12/2021, 18:30

Tính đến hết quý 3, mức chi Quỹ BOG bình quân đạt ngưỡng 31,1 tỷ đồng/ngày, cao hơn nhiều so với mức chi cả năm của các năm trước đó...

Chi Quỹ BOG bình quân 31,1 tỷ đồng/ngày

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết quý III năm nay, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) chỉ còn hơn 824 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ đồng so quý II/2021 và thấp hơn 8.400 tỷ đồng so số dư đầu năm. Đây đã là quý thứ 4 liên tiếp ghi nhận giảm số dư quỹ, kéo dài từ quý IV/2020 đến nay.

Trong đó, hai nhà bán lẻ xăng, dầu lớn nhất cả nước là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) ghi nhận số dư quỹ bình ổn giá âm lần lượt 192 tỷ đồng và 698 tỷ đồng.

img

Cơ cấu giá xăng phải “cõng” bốn sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 10% (tương ứng 1.430 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (tương ứng 1.430 đồng), VAT 10% theo giá bán (khoảng 2.434 đồng) và thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít...

Ngoài ra, số dư quỹ tại Công ty cổ phần Xăng dầu Tân Nhật Minh cũng đang âm 114 tỷ đồng; Công ty TNHH Hải Linh âm 73 tỷ đồng; Công ty TNHH TM&DV Long Hưng âm 67 tỷ đồng; Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ âm 46 tỷ đồng...

Theo tính toán, tính từ đầu năm, số tiền Quỹ BOG phải chi ra để bình ổn giá xăng, dầu trong nước là 8.410 tỷ đồng, tương đương mức chi bình quân 31,1 tỷ đồng/ngày.

Trong khi, năm 2020 trước đó, mức sử dụng Quỹ BOG của các doanh nghiệp vào khoảng gần 3.800 tỷ đồng, tương đương hơn 10 tỷ đồng/ngày trong cả năm. Còn năm 2019, tổng số tiền Quỹ BOG đã sử dụng để bình ổn giá xăng, dầu trong nước là 8.000 tỷ đồng, tương đương 22 tỷ đồng/ngày.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, liên bộ đã chi mạnh tay Quỹ BOG. Do đó, thời gian tới sẽ phải cân nhắc để trích lập lại Quỹ này.

“Quỹ bình ổn giá như cái sổ tiết kiệm trong gia đình, phải biết chi tiêu vào thời điểm nào và chi bao nhiêu thì phù hợp hoàn cảnh kinh tế. Lúc dịch bệnh phức tạp, người dân phải ở nhà, nhà máy đóng cửa, sản xuất đình trệ mà vẫn chi quỹ là không phù hợp”, một chuyên gia xăng dầu nói và đánh giá, số quỹ còn lại là rất ít. Hơn nữa, trong lúc các nhà máy trở lại hoạt động, người dân đi lại nhiều, việc trích lập quỹ bù sẽ gây thêm khó khăn cho nền kinh tế.

Chung quan điểm, một chuyên gia về giá cho rằng, thời điểm điều hành vừa qua cho thấy sự thiếu cân bằng trong việc điều tiết Quỹ bình ổn giá xăng dầu, suốt thời điểm từ tháng 7 đến tháng 10, nhiều địa phương giãn cách, người dân không đi lại, nhưng vẫn điều tiết chi mạnh quỹ.

"Điều này không những gây lãng phí quỹ do người dân không được hỗ trợ thiết thực, mà còn tạo kẽ hở cho các thương nhân gian lận số lượng để hưởng quỹ thời điểm đó”, vị chuyên gia này nói.

Giảm thuế không dễ

Trong khi, dư địa của Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện không còn nhiều. Bộ Công thương cũng đã đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc xem xét việc giảm các loại thuế, phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường. Bởi theo bộ này, hiện giờ trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu, các loại thuế, phí chiếm khoảng 42% đối với mặt hàng xăng và tỷ lệ này đối mặt hàng dầu là khoảng 24-30%.

Thế nhưng, điều đó không dễ dàng. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Bùi Ngọc Bảo, quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng: “Xăng là hàng hóa cấp thiết, tuy nhiên, khi gắn với thuế tiêu thụ đặc biệt thì có nghĩa mang thông điệp: Mặt hàng này không khuyến khích tiêu dùng.

Khi không khuyến khích sử dụng thì rõ ràng không có lý do gì mình phải hạ thuế xuống vì như thế là đi ngược với chủ trương này".

Xăng dầu đóng góp từ 5-7% ngân sách Nhà nước, với lượng tiêu thụ khoảng 20 triệu m3/tấn mỗi năm, nên lượng phát thải rất lớn. Đây là nguyên nhân đầu tiên mà ông Bảo cho rằng sẽ khiến cho việc giảm thuế không dễ dàng.

Nguyên nhân thứ hai phải kể đến là do không khuyến khích sử dụng nên thuế môi trường phải đặt cao hơn.

Trước đây, đã có thời điểm thuế này đưa ra Quốc hội xin lên 8.000 đồng/lít để hạn chế sử dụng. Như vậy, có thể thấy, việc đặt thuế cao hơn hẳn là hợp lý, phù hợp với các điều kiện và yêu cầu đặt ra.

Nguyên nhân thứ ba, TP.HCM và Hà Nội đang hạn chế phương tiện vào trung tâm, đơn cử như Hà Nội đề xuất thu phí nội đô. Vậy, càng không có lý do gì hạ giá thuế, phí khi người ta đang tìm mọi cách để ngăn ngừa việc phát thải.

Theo ông Bảo, Hiệp Hội cũng không đề xuất giảm phí thuế. Thuế Bảo vệ môi trường xăng dầu đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng vào ngân sách, việc giảm thuế trước hết phải được sự đồng thuận của Bộ Tài chính để trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.