Thế giới

Quy chế đặc biệt cho miền Đông Ukraine bị phản đối

19/03/2015, 18:21

Quy chế tự quản mà Kiev vừa thông qua đã bị cả Nga và phe ly khai phản đối

112

Thỏa thuận khí đốt giữa Nga - Ukraine hết hạn vào cuối tháng này

EU không muốn Mỹ can dự sâu hơn

Hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên tiếng phản đối dự luật “về danh sách các khu vực thuộc vùng Donbass được hưởng quy chế tự quản đặc biệt” vừa được Quốc hội Ukraine thông qua. Theo đó, một số khu vực nhất định tại miền Đông sẽ được hưởng quy chế đặc biệt trong ba năm, sau khi tổ chức bầu cử địa phương theo đúng quy định của luật pháp Ukraine và có sự giám sát của quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Lavrov thì đạo luật đi quá xa thỏa thuận Minsk. Ngoại trưởng Nga cũng kêu gọi Pháp và Đức gây sức ép với Ukraine để thỏa thuận Minsk được thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh. Hai nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Luhansk (LPR) và Donetsk (DPR) cũng lên tiếng phản đối đạo luật nói trên. Ông Denis Pusilin, đại diện DPR nói rằng, đạo luật được thông qua với những sửa đổi mà đại diện LPR và DPR không được tham gia thảo luận nên nó sẽ không có giá trị pháp lý. LPR và DPR sẽ không công nhận đạo luật này, vì nó đã vi phạm thỏa thuận Minsk. Theo thỏa thuận Minsk, cải cách hiến pháp và soạn thảo luật bầu cử Ukraine với sự tham gia của đại diện LPR và DPR, nhưng Kiev đã tiến hành mà không có hai đại diện này.

Hôm nay (19/3), các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh EU. Tuy nhiên, hiện có 7 nước EU (Italia, Hy Lạp, Cyprus, Hungary, Slovakia, Áo và Tây Ban Nha) không muốn kéo dài lệnh trừng phạt này. Chuyên gia phân tích Steven Blockmans thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu nhận định rằng, “điều này cho thấy họ gia tăng niềm tin đối với Nga”.

Trước đó, ngày 17/3, Nga tuyên bố sẽ không trao trả Crimea cho Ukraine, bất chấp việc Mỹ và EU cảnh báo sẽ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan tới việc này. Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, Washington sẽ vẫn duy trì trừng phạt kinh tế nếu Crimea vẫn nằm dưới sự cai trị của Nga”. Tuy nhiên, ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) cho biết: Việc Mỹ can dự vào cuộc xung đột Ukraine sâu hơn EU là không thể chấp nhận được.

Vòng đàm phán khí đốt mới

Trong khi đó, ngày mai (20/3), các cuộc hội đàm liên quan đến năng lượng, khí đốt diễn ra cùng ngày tổ chức Hội nghị thượng đỉnh EU, cũng được tổ chức tại Brussels (Bỉ). Thỏa thuận năng lượng Nga - Ukraine sắp hết hạn và hai nước sẽ đàm phán với sự trung gian của EU. Bộ Năng lượng Nga cho biết: Thương lượng ba bên Nga - EU - Ukraine sẽ được tổ chức tại Brussels. Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Anna-Kaisa Itkonen cũng xác nhận thông tin này, theo AFP.

Thỏa thuận năng lượng hiện tại giữa Nga - Ukraine có hiệu lực tới cuối tháng 3 này. Trước đó, hai bên nổ ra những cuộc tranh cãi về việc thanh toán tiền khí đốt và Công ty Gazprom đe dọa sẽ cắt nguồn cung cho Ukraine, chuyển hướng cung cấp cho phe ly khai ở miền Đông. Điều này sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung của châu Âu.

Liên quan đến khí đốt, hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan có cuộc điện đàm về dự án khí đốt mới - Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ thay thế cho dự án Dòng chảy phương Nam. Dự án Dòng chảy phương Nam trị giá 40 tỷ USD bị hủy do EU phản đối, theo Reuters. Vì vậy, Nga đang hy vọng dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (nối từ Nga qua Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu) sẽ vận hành vào cuối năm 2016. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.