Bất động sản

Quy chuẩn an toàn mới trong hoạt động xây dựng thay đổi như thế nào?

30/12/2021, 09:10

Bộ Xây dựng vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 18:2021/BXD về An toàn thi công xây dựng, hiệu lực từ 6/2022.

Theo đó, Quy chuẩn QCVN 18:2021/BXD quy định các yêu cầu về kỹ thuật và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình cho người ở công trường xây dựng và khu vực lân cận công trường xây dựng.

img

Bổ sung quy chuẩn an toàn trong hoạt động xây dựng (ảnh minh hoạ)

Quy chuẩn mới này thay thế Quy chuẩn QCVN 18:2014/BXD ban hành kèm theo Thông tư 14/2014/TT-BXD. So sánh giữa 2 quy chuẩn trên có một số thay đổi:

Quy chuẩn mới ban hành đã bỏ quy định về các công tác hàn, công tác xây và công tác hoàn thiện. Giàn giáo, giá đỡ và thang được gom thành một loại công tác trong khi quy chuẩn cũ tác riêng thành 2 là: Giàn giáo và thang và Kết cấu chống đỡ tạm.

Quy chuẩn mới cũng bổ sung mục "Yếu tố có hại, sơ cứu và dịch vụ y tế nghề nghiệp" và “Phương tiện bảo vệ cá nhân”.

Theo mục 2.18 về yếu tố có hại, sơ cứu và dịch vụ y tế nghề nghiệp quy định, đối với các công việc mà người lao động có nguy cơ gặp phải các yếu tố có hại (xem 1.4.32), người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả để ĐBAT cho người lao động.

Người sử dụng lao động phải nhận diện và phân chia các yếu tố có hại theo các cấp độ khác nhau dựa trên mức độ ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe của con người để có các biện pháp ĐBAT tương ứng, phù hợp với đặc điểm của loại công việc, đặc điểm sử dụng, vận hành các loại máy, thiết bị thi công, đặc điểm của các chất, hóa chất và tình trạng bức xạ, phóng xạ tại công trường. (Yếu tố có hại có thể chuyển thành yếu tố nguy hiểm nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp ĐBAT hiệu quả và phù hợp với loại công việc, điều kiện, môi trường làm việc).

Theo đó, các biện pháp đảm bảo an toàn phải tập trung vào việc loại bỏ hoặc làm giảm nguy cơ từ nguồn phát sinh các chất, hóa chất nguy hiểm và đặc biệt lưu ý: Phải xem xét ưu tiên lựa chọn sử dụng các chất, hóa chất, vật liệu, sản phẩm xây dựng an toàn trong thiết kế xây dựng. Trong quá trình thi công, phải ưu tiên lựa chọn các máy, thiết bị thi công, các biện pháp thi công khó gây tổn thương hoặc nguy hiểm đến tính mạng của người lao động; Ngăn chặn, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp hoặc giảm thiểu tác động của các yếu tố có hại bằng việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức và quản trị; Có biện pháp giảm tiếng ồn, rung động do các máy, thiết bị thi công hoặc công việc thi công gây ra; Kiểm soát việc xả thải, phát tán các chất, hóa chất nguy hiểm vào môi trường; Đào tạo, huấn luyện về cách thao tác đúng (kể cả tư thế đứng), phương pháp thực hiện đúng hoặc quy trình phải tuân thủ để người lao động tránh được các chấn thương, tai nạn ngoài ý muốn, bệnh nghề nghiệp khi họ phải: Nâng, bốc, mang, vác các vật nặng hoặc sử dụng các thiết bị cầm tay; làm việc ở các vị trí cố định; thực hiện các thao tác, công việc có tính chất lặp đi lặp lại; Có biện pháp bảo vệ phù hợp để ứng phó với các điều kiện khí hậu có khả năng gây nguy hiểm cho người lao động;

Ngoài ra, người sử dụng lao động phải: Đào tạo, huấn luyện cho người lao động về tất cả những kiến thức, kỹ năng để loại bỏ hoặc giảm thiểu các yếu tố có hại; Cung cấp đầy đủ và yêu cầu người lao động sử dụng các PTBVCN phù hợp với từng loại công việc phải thực hiện, quy chuẩn viết.

Thông tư mới có hiệu lực từ 20/6/2022, thay thế Thông tư 14/2014/TT-BXD ngày 05/9/2014.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.