Vận tải

Quy định chặt chẽ, vì sao khó xử lý xe khách trá hình?

Ghi nhận thực tế sau 4 tháng Nghị định 10/2020 có hiệu lực, tình trạng xe “núp mác” hợp đồng vẫn thản nhiên lộng hành.

img
Xe Hoàng Đức limousine đón khách trên đường Pasteur Đà Nẵng

Được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý trong việc dẹp vấn nạn xe hợp đồng trá hình lách luật hoạt động như tuyến cố định, song những quy định tại Nghị định 10/2020 vẫn chưa đi vào thực tiễn.

Mới chỉ thực hiện dán cố định cụm từ “Xe hợp đồng”

Ghi nhận thực tế sau 4 tháng Nghị định có hiệu lực, trên nhiều tuyến đường tại các tỉnh thành, tình trạng xe “núp mác” hợp đồng vẫn thản nhiên lộng hành. Sau khi Nghị định 10 và Thông tư 12 có hiệu lực, các nhà xe này mới chỉ thực hiện dán cố định cụm từ “Xe hợp đồng” ở kính phía trước. Tuy nhiên, về hình thức, những xe này vẫn hoạt động không khác gì trước đó.

Sáng 17/7, PV Báo Giao thông vào website của nhà xe Hoàng Đức (Hoàng Đức limousine) đặt vé từ Đà Nẵng đi Huế. Tại website, việc đặt vé xe được lập trình khá chuyên nghiệp, khách chỉ cần chọn ngày đi, hành trình thì sẽ hiển thị giờ xe chạy, vị trí ghế ngồi với giá tiền 180 nghìn đồng/chặng.

Sau khi hoàn thành việc xác nhận đặt chỗ, PV được xe BKS 75B-017.48 đón trên đường Pasteur, trên xe đã có sẵn 4 hành khách. Xe đi được hơn 1km, tài xế tấp xe vào lề đường và đưa ra một bản hợp đồng vận chuyển hành khách để những người trên xe ghi họ tên vào bên thuê xe còn bỏ trống vào nhằm đối phó lực lượng chức năng.

Theo tìm hiểu, xe này được cấp 2 phù hiệu xe hợp đồng và xe vận chuyển khách du lịch nhưng vô tư bắt khách lẻ, xác nhận đặt chỗ. Kết thúc hành trình tại TP Huế, tài xế trực tiếp thu tiền của hành khách. Tài xế cho biết, trung bình mỗi ngày người này chạy 2 chuyến trên chặng Đà Nẵng - Huế và ngược lại.

Ghi nhận tại tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đã niêm yết “Xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính sau xe theo Nghị định số 10/2020.

Tuy nhiên, tình trạng hoạt động trá hình vẫn khá phổ biến. Thống kê của Đội xe buýt Huế - Đà Nẵng cho thấy, có trên dưới 300 đầu xe trá hình hoạt động, phá tuyến cố định, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật nhưng không được xử lý.

Tại Thanh Hóa, nhiều hãng xe limousine như: Vân Anh, Hoa Dũng, Đại Nam, Vĩnh Quang, Ngọc Mai, Hoàng Đông… chạy lộ trình Thanh Hóa - Hà Nội lâu nay được biết đến là “xe hợp đồng” nhưng thực chất chạy như tuyến cố định, vẫn có điểm đầu, điểm cuối, chỉ khác mỗi “bản hợp đồng” tự kê của các nhà xe.

Anh N.V.N, một hành khách thường xuyên đi Hà Nội cho biết: “Tôi thường đặt vé nhà xe Đại Nam, qua điện thoại họ lấy tên tuổi, hỏi đón ở đâu xong họ hẹn khung giờ để đến tận nhà chở lên công ty có xe chờ sẵn. Sau khi gom khách xong thì xe di chuyển. Ra đến Hà Nội, tại văn phòng làm việc của nhà xe này có 1 xe ô tô khác chờ sẵn đưa đến địa điểm đã đăng ký từ trước”.

Doanh nghiệp “giỏi” đối phó hay lực lượng chức năng không muốn xử lý?

Theo Nghị định 10 và Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT vừa ban hành (có hiệu lực thi hành từ 15/7), xe hợp đồng phải được dán cố định cụm từ “Xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu là 6 x 20cm.

Nghị định số 10/2020 có hiệu lực vào 1/4/2020, Thông tư 12/2020 có hiệu lực vào ngày 15/7/2020. Sau khi các văn bản trên được ban hành, Tổng cục Đường bộ VN đã tổ chức tập huấn và hướng dẫn cho các Sở GTVT địa phương, các đơn vị kinh doanh vận tải trên cả nước vào tháng 7/2020.
Những nội dung ý kiến thắc mắc đã được Tổng cục Đường bộ VN tổng hợp và báo cáo Bộ GTVT hướng dẫn chỉ đạo. Đến thời điểm hiện nay, những quy định trên đã được các Sở GTVT và các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm túc, nhiều Sở GTVT đã triển khai công tác tập huấn riêng cho các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe. Thông qua đó, đến nay nhiều quy định về quản lý hoạt động vận tải (đặc biệt là những quy định về quản lý xe hợp đồng) đã được các đơn vị kinh doanh vận tải hiểu và thực hiện áp dụng theo đúng quy định; chưa có tình trạng thắc mắc, khiếu kiện.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN


Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách; Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác...

Để xác định trùng lặp địa điểm, Nghị định 10 bổ sung quy định, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển về cơ quan quản lý; trên cơ sở các thông tin của hợp đồng vận chuyển, kết hợp với thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, hệ thống sẽ xác định các trường hợp xe hợp đồng, xe du lịch thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để kịp thời xử lý theo các quy định hiện hành.

Đáng chú ý để xác định điểm đầu, điểm cuối theo bản chất của xe hợp đồng, Thông tư 12 quy định: Điểm đầu (vị trí đón khách đầu tiên ghi trong hợp đồng vận chuyển), điểm cuối (vị trí trả khách cuối cùng ghi trong hợp đồng vận chuyển) trùng lặp trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch được xác định là vị trí nằm trên mặt đường hoặc tại vị trí có địa chỉ gắn với tên tuyến phố (tên tuyến đường), tên ngõ (hẻm) trong đô thị.

Như vậy, rõ ràng việc gom khách và vận chuyển theo phương thức của các nhà xe trên đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, Thông tư 12/2020 và Nghị định số 10/2020 được đánh giá là chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 10 vẫn còn những hạn chế so với “thực tiễn đối phó” của vấn nạn “xe hợp đồng” trá hình biến tướng phức tạp hiện nay.

Ông Võ Hoài Nam, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đối với quy định “tích hợp” giữa hợp đồng gửi qua email cho Sở GTVT và thiết bị giám sát hành trình, muốn làm được, phần mềm “chuyên biệt” quản lý xe hợp đồng, máy chủ hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất được nhanh, lực lượng chức năng vào được và khi cần truy nhập vào có ngay thông tin trong thời điểm đó, xe này hợp đồng đã được thông báo đến cơ quan quản lý hay chưa, số lượng hành khách, hành trình...

Đồng quan điểm, ông Vũ Minh Thuận, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, đã có văn bản gửi các cấp, ngành địa phương tăng cường công tác phối hợp để chấn chỉnh, xử lý nghiêm xe hợp đồng, xe cá nhân nhưng chạy dịch vụ. Thực hiện Nghị định 10, Sở GTVT Thanh Hóa đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê có nhu cầu cả chuyến xe; chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm ghi trong hợp đồng. Trong thời gian một tháng, mỗi xe không được thực hiện chở quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu, điểm cuối trùng lặp.

“Chúng tôi đã giao cho TTGT tăng cường việc kiểm tra, xử lý các phương tiện chạy hợp đồng vi phạm và báo cáo về Sở GTVT trước ngày 15/8/2020. Ngoài ra, danh sách các xe chạy hợp đồng được gửi về từng địa phương để cùng giám sát, quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, hiện nay, số phương tiện chạy hợp đồng lớn, đa phần là các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ nên việc quản lý gặp không ít khó khăn. Tới đây, khi phần mềm kết nối kinh doanh vận tải đi vào hoạt động, chúng tôi yêu cầu các đơn vị cập nhật hàng ngày. Như vậy sẽ quản lý được, còn bây giờ thông qua thiết bị giám sát hành trình để khẳng định số % xe chạy rất khó, vì không chứng minh được có chở khách hay không. Việc này vẫn đang nằm trong lộ trình”, ông Thuận cho hay.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, quy định rất chặt chẽ nhưng trên thực tế rất khó xử lý và cơ quan chức năng cũng không đủ sức xử lý. “Cơ quan chức năng chưa đủ sức làm, hơn nữa đâu đó vẫn còn hiện tượng tiêu cực thì chưa thể giải quyết được”, ông Thanh nói.

Lý giải thêm, ông Thanh cho rằng, một phần do các doanh nghiệp không thực thi được, trong khi cơ quan quản lý cũng không “có sức” để cập nhật các số liệu. Cụ thể, như xe hợp đồng cần cập nhật các số liệu như thế nào về Tổng cục Đường bộ VN, những xe đón trả khách ổn định thì bao nhiêu chuyến/tháng... Trong khi thực tế hiện nay, xe Limousine đang ngày một “phình to” vì nó đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu ngày một cao của người dân.

“Đây là cuộc tranh cãi còn chưa có hồi kết, vì các nhà xe truyền thống, chạy theo luồng tuyến thì buộc phải vào bến; trong khi các nhà xe hợp đồng cho rằng phục vụ tốt cho người dân, thì lại không chịu sự kiểm soát hoặc kiểm soát không được”, ông Thanh nêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.