Xã hội

Quy định họ, tên không quá 25 chữ cái là áp đặt?

12/05/2015, 14:13

Có ý kiến cho rằng khống chế họ, tên, chữ đệm không quá 25 chữ cái là vượt quá Hiến pháp và áp đặt.

2
Phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 12/5 dành thời gian thảo luận về Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Sáng 12/5, Ủy ban thường vụ Quốc hội dành thời gian nghe và cho ý kiến về Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Trình bày báo cáo của Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, tính đến ngày 28/4/2015, qua 86 báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân của các Bộ, ngành, địa phương và kết quả lấy ý kiến khác, đã có khoảng 7,5 triệu lượt người tham gia góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đa số các ý kiến đều đánh giá cao vì dự thảo Bộ luật được xây dựng công phu, thể chế hóa được đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013; kế thừa, phát triển được các quy định còn phù hợp của pháp luật dân sự hiện hành và các giá trị văn hóa, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực nêu trên thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng một số quy định có nội dung chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tiễn giao dịch dân sự.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nhấn mạnh, so với Bộ luật Dân sự hiện hành, dự thảo bổ sung thêm phần “chữ đệm” trong quy định về họ tên. Ủy ban đề nghị cân nhắc vì việc sử dụng “Họ và tên” từ trước đến nay đã trở thành thông dụng. Việc thay đổi liệu có cần thiết không và có dẫn tới việc phải thay đổi các loại giấy tờ, văn bản hành chính hay không?

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm và cho ý kiến về quyền của cá nhân đối với họ, tên, xác định dân tộc. Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng đề xuất quy định giới hạn họ, tên, chữ đệm dưới 25 ký tự là hợp lý.

“Do nhiều người đặt tên cho con quá dài đã ảnh hưởng đến việc sau này làm hồ sơ và đưa vào các danh mục rất phức tạp, khó trong quá trình giao dịch” – ông Hiển phân tích.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng việc quy định về họ, tên nên dựa trên cơ sở duy trì nề nếp văn hóa Việt Nam.

Ông Giàu cũng bày tỏ thắc mắc: “Tôi thấy có một điều rất lạ là khi Việt kiều về nước thì dùng tên Việt Nam như Thanh Bùi, Phi Nhung, nhưng người Việt Nam ở Việt Nam lại có tên tiếng Việt kèm theo tiếng Tây”.

Tuy nhiên, trái ngược với các ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lại nhấn mạnh: "Quy định họ tên không quá 25 chữ cái là vượt qua Hiến pháp. Tên dài có ảnh hưởng gì tới đạo đức xã hội, ý thức cộng đồng đâu! Nên khuyến khích đặt họ tên ngắn chứ không nên áp đặt”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.