Theo Thông tư 53/2024, xe cơ giới bao gồm xe ô tô, rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe mô tô, xe gắn máy và các xe tương tự các xe quy định trên.
Như vậy, so với quy định hiện hành, xe cơ giới được bổ sung thêm một số loại phương tiện khác như: Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ. Ngoài ra, bỏ xe máy kéo để quy định ở nhóm xe chuyên dùng.
Trong đó, xe ô tô gồm: Nhóm ô tô chở người; nhóm ô tô chở hàng; ô tô chuyên dùng; ô tô đầu kéo; ô tô kéo moóc; rơ-moóc; sơ-mi rơ-moóc; xe chở người bốn bánh có gắn động cơ; xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; xe mô tô: Xe gắn máy và các xe tương tự các xe quy định trên.
Thông tư nêu rõ, ô tô chở người là các loại ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở người, hành lý mang theo. Ô tô chở người cũng có thể kéo theo một rơ - moóc.
Các loại ô tô chở người gồm: Ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), ô tô chở người trên 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), ô tô chở người chuyên dùng;
Ô tô chở hàng là các loại ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở hàng; có thể bố trí tối đa hai hàng ghế và chở không quá 6 người kể cả người lái trong cabin. Ô tô chở hàng cũng có thể kéo theo một rơ - moóc. Các loại ô tô chở hàng gồm: Ô tô tải thông dụng; ô tô tải chuyên dùng.
Ô tô chuyên dùng là các loại ô tô có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức năng, công dụng đặc biệt khác với các loại ô tô nêu trên.
Ô tô đầu kéo là ô tô được thiết kế để kéo sơ - mi rơ - moóc và có các trang, thiết bị gồm: cơ cấu mâm kéo, cơ cấu kết nối và điều khiển hệ thống đèn tín hiệu, hệ thống phanh của sơ - mi rơ -moóc; có thể trang bị cần cẩu, máy phát điện, cơ cấu móc kéo để kéo rơ - moóc;
Ô tô kéo moóc là ô tô được thiết kế dành riêng hoặc chủ yếu dùng để kéo rơ moóc và không bao gồm: ô tô chở hàng có trang bị cơ cấu móc kéo; ô tô đầu kéo trang bị thêm cơ cấu móc kéo.
Trong khi đó, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ được phân loại gồm: Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ tham gia giao thông công cộng và xe chở người bốn bánh có gắn động cơ hoạt động trên đường chuyên dùng.
Xe mô tô được phân loại gồm: Xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh chở người; xe mô tô ba bánh chở hàng; xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.
Tương tự, xe gắn máy cũng được phân loại gồm: Xe gắn máy hai bánh; xe gắn máy ba bánh chở người; xe gắn máy ba bánh chở hàng; xe gắn máy ba bánh dùng cho người khuyết tật.
Thông tư cũng quy định riêng một điều về xe máy chuyên dùng, bao gồm các loại: Xe máy thi công; Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp; máy kéo; pơ - moóc, sơ -mi rơ - moóc được kéo bởi máy kéo; xe máy thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt; các loại xe đặc chủng sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.
Đối với xe thô sơ, Thông tư quy định bao gồm: Xe đạp (có ít nhất hai bánh và vận hành do sức người thông qua bàn đạp hoặc tay quay); xe đạp máy, gồm cả xe đạp điện (xe đạp có trợ lực từ động cơ, nguồn động lực từ động cơ bị ngắt khi người lái xe dừng đạp hoặc khi xe đạt tới tốc độ 25km/h); xe xích lô; xe lăn dùng cho người khuyết tật; xe vật nuôi kéo.
Theo Cục Đăng kiểm VN, hiện nay, xe bốn bánh có gắn động cơ chở người/chở hàng; xe máy chuyên dùng hiện quy định ở nhiều văn bản riêng khác nhau, không có trong quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ tại Luật Giao thông Đường bộ 2008.
Trong khi đó, tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) đã bổ sung các phương tiện trên vào quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ (Điều 35).
Do đó, việc xây dựng Thông tư 53/2024 quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ nhằm đảm bảo tính thống nhất trong việc phân loại phương tiện giao thông đường bộ, đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận