Y tế

Quy định nhà thuốc phải kết nối dữ liệu, bán thuốc theo đơn vẫn làm cho có?

14/08/2019, 07:39

Quy định nhà thuốc không đăng ký tài khoản liên thông kết nối với “Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia” sẽ bị đóng cửa dường như mới chỉ là hình thức.

img
Tại nhiều quầy thuốc vẫn bán thuốc kê đơn dù không có đơn thuốc của bác sĩ. Ảnh minh họa: Tạ Tôn

Kết nối nhưng làm sao quản lý hết được?

Mặc dù đăng ký tài khoản liên thông kết nối với hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia” đã 3 tháng nay nhưng theo “thổ lộ” của chị Đ.T.M, chủ một nhà thuốc tư nhân trên phố Lò Đúc, việc này chỉ là hình thức. “Theo quy định bán thuốc kê đơn phải khai trên hệ thống, tuy nhiên nếu theo đơn có khi cả tuần chỉ được vài đơn. Thói quen của dân mình ngại đến bệnh viện, hắt hơi sổ mũi hay viêm họng ra làm vài viên kháng sinh nhẹ là khỏi. Dù kháng sinh là thuốc kê đơn nhưng từ chối bán vì không có đơn thuốc thì “chết đói”, họ không mua của mình sẽ lại đi hàng khác mua mà thôi!”, chị M. nói và cho biết thêm bản thân chị từng tận mắt thấy nhiều đơn thuốc bác sĩ kê với toàn kháng sinh “đúp” (liều cao, phổ rộng) trong khi người bệnh không đến mức dùng như vậy. “Chính bác sĩ còn lạm dụng kháng sinh thì việc siết bán kháng sinh không đơn cũng không nghĩa lý gì nhiều”, chủ hiệu thuốc nói.

Tương tự, chị T.T.T, chủ nhà thuốc trên phố Trần Xuân Soạn cho biết: “2 tháng nay đã liên thông kết nối, nhưng gặp nhiều khó khăn. Vì khách hàng đến mua thuốc với đơn thuốc của bác sĩ không nhiều. Chưa kể, có người cầm đơn thuốc đến mua, tôi muốn mượn để chụp lại, tập hợp đến cuối ngày vào máy nhưng họ không cho chụp, nhất là mấy bác lớn tuổi. Đáng nói, trên thực tế, có nhiều loại thuốc tại quầy thuốc còn chưa có trong danh mục Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia”, chị T. cho hay.

Qua khảo sát tại một số nhà thuốc trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn thuốc vẫn diễn ra phổ biến.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 30/6/2019, tổng số cơ sở cung ứng thuốc thực hiện kết nối liên thông tại Hà Nội là 5.948/6.911 cơ sở (đạt 86,1%). Trong đó, số cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện kết nối là 5.613/5.782 (đạt 97,1%).

Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2019, tất cả các cơ sở bán buôn, các nhà thuốc, quầy thuốc của bệnh viện và trạm y tế phải thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông. Cơ sở nào không kết nối được coi như chưa cấp phép, buộc đóng cửa.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tỷ lệ triển khai trên giấy tờ, hợp đồng giữa các nhà thuốc với các công ty cung cấp khá cao như vậy nhưng nhiều nhà thuốc làm mang tính đối phó.

Nhiều việc cần làm trước khi “siết chặt”

Theo ông Trần Văn Chung, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, công tác quản lý kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khó khăn. “Nhiều cơ sở bán buôn thuốc trên địa bàn đang sử dụng phần mềm quản lý riêng. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) chưa ban hành chuẩn dữ liệu đầu ra nên việc kết nối liên thông lên hệ thống chung quốc gia còn gặp nhiều khó khăn. Cùng đó, các cơ sở cung ứng thuốc lo ngại vấn đề bảo mật thông tin, tăng khối lượng công việc khi thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh bằng phần mềm...”, ông Chung lý giải.

Cũng nhằm giải quyết những khó khăn này, mới đây, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khẩn trương cấp tài khoản liên thông kết nối dữ liệu với hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia” cho các cơ sở bán lẻ thuốc sử dụng phần mềm của các cơ sở cung cấp phần mềm khác nhau trên địa bàn đã đáp ứng các quy định.

Đồng thời, yêu cầu Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel chỉ đạo chi nhánh của Viettel trên toàn quốc chấm dứt việc cấp tài khoản liên thông kết nối dữ liệu với hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia” cho các cơ sở bán lẻ thuốc sử dụng phần mềm do Viettel cung cấp. Và đối với những tài khoản liên thông kết nối dữ liệu với hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia” do Viettel đã cấp, đề nghị Viettel khẩn trương bàn giao những tài khoản đó để Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn quản lý… Nhanh chóng cập nhật danh mục thuốc gồm tên thuốc, hàm lượng, nồng độ, đơn vị, đóng gói… những loại thuốc mới, thuốc chưa có trong cổng dữ liệu quốc gia.

Theo ông Chung, việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc là giải pháp kiểm soát hoạt động mua bán thuốc, giá thuốc, nguồn gốc, chất lượng thuốc… giúp cơ quan quản lý nhà nước có thêm dữ liệu để quản lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân khi mua thuốc. Đồng thời, cũng giúp kiểm soát bán thuốc theo đơn, tình trạng tùy tiện mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc.

“Thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ tăng cường tuyên truyền, đồng thời xử lý nghiêm các nhà thuốc chưa cập nhật thường xuyên, đầy đủ dữ liệu theo quy định. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã cũng sẽ tổ chức kiểm tra chất lượng việc thực hiện kết nối liên thông của các nhà thuốc, quầy thuốc tư nhân và xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền”, ông Chung cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.